Hà Nội hỗ trợ nghệ nhân tiếp cận sàn thương mại điện tử

Tố Như - 07/11/2022 09:50 (GMT+7)

(VNF) - Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ yếu theo phương thức truyền thống nên xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

VNF
Hà Nội hỗ trợ nghệ nhân tiếp cận sàn thương mại điện tử.

Ngày 4/11, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử (thương mại điện tử) & Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm "Nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nền kinh tế số".

Theo báo cáo, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ yếu theo phương thức truyền thống nên xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất chưa quan tâm phát triển thương mại điện tử; việc mua hàng trực tuyến trên internet còn mới lạ với nhiều chủ cơ sở sản xuất, điều này khiến cho hoạt động thương mại điện tử trong làng nghề còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa quyền lợi người mua hàng đã khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online thông qua các sàn thương mại điện tử.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập đó, đại diện các làng nghề mong muốn thành phố Hà Nội và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số hỗ trợ nghệ nhân tiếp cận sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế, qua đó, nâng cao sức tiêu thụ sản phẩm

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết trong thời gian tới, các cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng chuyên đề tuyên truyền về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân tại làng nghề; phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc liên kết trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử.

"Các làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình triển khai áp dụng các giai đoạn của thương mại điện tử, cụ thể, thông tin sự hiện diện qua website; mạng nội bộ; tự động hoá giao dịch và mạng extranet-thương mại điện tử  tích hợp cấp độ cao, phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử", bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, chuyên gia Cục thương mại điện tử & Kinh tế số, sàn thương mại điện tử Lazada đã truyền đạt thông tin tới các làng nghề cách thức kết nối thương mại điện tử, phương thức tiếp cận quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, ứng dụng giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tư vấn thiết kế, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Xây dựng các giải pháp chiến lược về sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi tham gia kinh doanh, kỹ năng tổ chức, phân phối hàng hoá trên sàn thương mại điện tử, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó, giúp xây dựng chiến lược bán hàng mới.

Cùng chuyên mục
Tin khác