Hà Nội nói gì về việc đưa nhà máy sản xuất iPhone tới Việt Nam?

Huy Thanh - 25/12/2018 21:24 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó phòng phụ trách Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở KH-ĐT Hà Nội) chiều 25/12 đã có những trao đổi về việc UBND TP. Hà Nội đang "hẹn hò" với một nhà đầu tư đưa nhà máy sản xuất dây chuyền sản xuất iPhone tới Việt Nam.

VNF
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

Chiều 25/12, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy TP. Hà Nội, trả lời câu hỏi về tiến độ kế hoạch đưa nhà máy sản xuất dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam, bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã có những thông tin về vấn đề này.

Theo bà Hà, thông tin về việc một doanh nghiệp Trung Quốc làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc đưa nhà máy sản xuất dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chưa hề nhận được một thông tin chính thức nào.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa có một buổi làm việc chính thức nào về việc này. "Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ làm việc duy nhất một lần với công ty nước ngoài này về vấn đề đầu tư khác chứ không liên quan đến dây chuyền sản xuất iPhone và đến thời điểm này doanh nghiệp này vẫn chưa quay lại làm việc" - bà Hà khẳng định.

Trước đó, như đã thông tin, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lần đầu tiết lộ lãnh đạo TP. Hà Nội đang "hẹn hò" với một tập đoàn Trung Quốc để đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận thấy đây cũng là cơ hội cho Việt Nam bởi hiện nay đang có làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, miền Bắc và Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. "Hồng Hải đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam cũng là dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam" - ông Lộc nói và cho biết Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành "đại bản doanh" của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Ông Lộc mong muốn Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để đón nhận làn sóng đầu tư mới-công nghệ cao trong thời gian tới. Lý do các nhà đầu tư lựa chọn TP Hà Nội được ông Lộc nhận định là có những bước chuyển mới trong cải cách hành chính, có khí hậu tốt, truyền thống văn hóa và gần thị trường Trung Quốc.

Theo NLĐ
Cùng chuyên mục
Tin khác