Tài chính

HAGL Agrico: Lỗ luỹ kế hơn 8.000 tỷ đồng, đối mặt 'án' hủy niêm yết

(VNF) - HNG vừa ghi nhận năm thứ 3 kinh doanh thua lỗ, nâng khoản lỗ luỹ kế chưa phân phối tính tới cuối năm 2023 lên mức trên 8.000 tỷ đồng.

HAGL Agrico: Lỗ luỹ kế hơn 8.000 tỷ đồng, đối mặt 'án' hủy niêm yết

HAGL Agrico: Năm 2023 tiếp tục không lợi nhuận, lỗ luỹ kế hơn 8.000 tỷ đồng

Kéo dài chuỗi thua lỗ

Theo báo cáo tài chính quý IV, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) ghi nhận doanh thu thuần hơn 184 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ, bao gồm 108,7 tỷ đồng từ bán mủ cao su (tăng 16,5%), 74 tỷ đồng từ bán trái cây (tăng 28,9%).

Giá vốn cao gấp hơn 3 lần doanh thu, đạt hơn 611 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022. Kinh doanh dưới giá vốn, HNG lỗ gộp hơn 427 tỷ đồng trong quý IV, cùng kỳ khoản lỗ là gần 465 tỷ đồng.

Trừ đi các loại chi phí, HNG lỗ sau thuế gần 604 tỷ đồng. Chuỗi thua lỗ của HNG đã kéo dài sang quý thứ 11, kể từ quý II/2021.  

Ngoài ra, HNG phải ghi nhận chi phí xóa sổ các tài sản không hiệu quả với tổng chi phí 67 tỷ đồng, góp phần làm phình to khoản lỗ của doanh nghiệp trong quý IV.

Luỹ kế năm 2023, doanh thu thuần của HNG đạt 605,6 tỷ đồng, thấp hơn mức thực hiện năm 2022 18,4%. Giá vốn cao gấp đôi doanh thu, HNG lỗ gộp 616 tỷ đồng cả năm 2023.

Kinh doanh thua lỗ, HNG vẫn phải gánh các khoản chi phí lớn và có phần gia tăng so với năm 2022. Theo đó, chi phí tài chính tăng gần 3%, chi phí bán hàng tăng 25%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,3%, lần lượt đạt 343,6 tỷ đồng, 26,8 tỷ đồng và 96,5 tỷ đồng.

Cả năm 2023, HNG lỗ sau thuế 1.050 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 3.476 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo HNG đã lường trước những khó khăn trong năm 2023, lên kế hoạch doanh thu 1.282 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng. Dù không hoàn thành mục tiêu doanh thu, một điểm sáng nhỏ là doanh nghiệp cũng không lỗ đậm như ban lãnh đạo từng thận trọng lập kế hoạch trước đó.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của HNG đạt hơn 14.143 tỷ đồng, tăng 11,6% so với thời điểm đầu năm. Các khoản tiền nhàn rỗi tăng gấp 2,7 lần, tuy nhiên cũng chỉ có vỏn vẹn gần 76 tỷ đồng.

Hàng tồn kho đạt hơn 1.925 tỷ đồng, tăng 15,8%. HNG đang trích lập dự phòng gần 20 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

HNG đang ghi nhận hơn 4.435 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng 14% so với đầu năm chủ yếu nằm ở chi phí phát triển vườn cây ăn trái (2.498 tỷ đồng), vườn cây cao su (812 tỷ đồng), dự án nuôi bò (347 tỷ đồng), nhà xưởng và văn phòng nông trường (309 tỷ đồng),…

Đáng chú ý, năm 2023, HNG phát sinh một khoản phải thu về cho vay hơn 909 tỷ đồng. Được biết, đây là khoản cho vay không tính lãi cho dự án xây dựng sân bay Nong Khang tại tỉnh Huaphanh và dự án xây dựng sân bay Attapeu tại tỉnh Attapeu, Lào được ký kết giữa Chính phủ Lào, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và HNG nhằm hỗ trợ tài chính xây dựng 2 sân bay nói trên.

Việc hoàn trả nợ của Chính phủ Lào sẽ được thực hiện thông qua các phương thức là cấn trừ khoản doanh thu mà Chính phủ Lào sẽ nhận từ các dự án mà nhóm HNG phát triển tại Lào, cấn trừ tiền thuê đất, thuế tài nguyên và các loại thuế mà Chính phủ Lào sẽ nhận được từ hoạt động kinh doanh của các dự án mà nhóm HNG thực hiện tại Lào hoặc trả bằng tiền.

Ở bảng nguồn vốn, tổng nợ phải trả của HNG tính tới cuối năm 2023 đạt hơn 11.837 tỷ đồng, tăng gần 23% so với thời điểm đầu năm. Các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn đều tăng lần lượt 12,3% và 11%, tương ứng đạt hơn 6.210 tỷ đồng và 2.023 tỷ đồng.

3 năm liên tiếp thua lỗ, án huỷ niêm yết treo lơ lửng

Tính cả năm 2023, HNG đã có 3 năm liên tiếp lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính là số âm. Năm 2021 doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ hơn 3.576 tỷ đồng và năm 2023 lỗ 1.050 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2023, lỗ luỹ kế chưa phân phối của HNG đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Việc ghi nhận 3 năm liên tiếp thua lỗ đã thoả mãn quy định hiện hành về việc huỷ niêm yết. Tuy nhiên, tình hình này đã được ban lãnh đạo HNG lường trước và dường như đã nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT HNG từng cho biết ban lãnh đạo đã tính toán nhiều phương án và không có cách nào khác ngoài việc phải lỗ. Theo ông, HNG chấp nhận kinh doanh thua lỗ trong năm 2023, chấp nhận huỷ niêm yết để trở nên mạnh mẽ hơn. 

Cổ phiếu HNG liên tục duy trì trong diện cảnh báo kể từ ngày 7/9/2020. Đến ngày 12/4/2023, cổ phiếu HNG bị chuyển sang diện kiểm soát.

Ngay khi công bố báo cáo tài chính quý IV, HNG đã gửi văn bản tới Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.

Theo đó, HNG cho biết đang thực hiện lộ trình kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư cho giai đoạn 2024-2027 với chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học và số hóa theo lộ trình phù hợp.

Cổ phiếu HNG trong tháng 11/2023 khá nóng trên thị trường chứng khoán bất chấp các lệnh kiểm soát, cảnh báo. Trong vòng 2 tháng kể từ cuối tháng 10/2023 đến đầu năm 2024, thị giá HNG đã tăng gần 50% từ mức 3.350 đồng/cổ phiếu lên mức 5.370 đồng/cổ phiếu sau nhiều phiên tăng giá thậm chí tăng trần liên tiếp.

Diễn biến này của cổ phiếu HNG diễn ra sau khi tỷ phú Trần Bá Dương và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone có cuộc gặp gỡ vào giữa tháng 10/2023. Được biết, ông Trần Bá Dương đã đề xuất các kiến nghị với Chính phủ Lào nhằm triển khai khả thi dự án đầu tư "sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò trên quy mô lớn".

Cổ phiếu HNG sau đó không còn ghi nhận những chuỗi tăng giá đột biến. HNG đóng cửa phiên 30/1 ở mức giá 4.800 đồng/cổ phiếu, giảm 1,03%. Giá trị vốn hoá thị trường ước tính hơn 5.300 tỷ đồng.

Tin mới lên