Hàng vạn công nhân tiếp tục tạm ngưng hoặc mất việc trong tháng 8/2020

Bích Thảo - 11/08/2020 16:31 (GMT+7)

(VNF) - Tại TP. HCM, Công ty Huê Phong đã lên kế hoạch cho 1.577 công nhân nghỉ việc vào ngày 30/8/2020 tới đây.

VNF
Công nhân tiếp tục tạm ngưng hoặc mất việc trong tháng 8/2020

Trong số công nhân nghỉ việc sắp tới, có 198 nữ công nhân lao động đang mang thai, dự kiến sinh trong tháng 9, 10,11/2020.

Những công nhân trên đều có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi mất việc, tất cả các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế công ty sẽ ngưng toàn bộ trong tháng 8/2020.

Trong thời gian làm chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, các nữ công nhân lao động sẽ không kịp làm bảo hiểm y tế kịp thời gian dự kiến sinh.

Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp sẽ mua bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình cho 198 nữ công nhân lao động Công ty Cổ phần giày da Huê Phong trong thời gian 3 tháng (theo quy định của bảo hiểm xã hội) từ tháng 9, 10, 11 năm 2020, với trị giá 201.000 đồng/người.

Theo Liên đoàn lao động quận Gò Vấp (TP. HCM), tổng số tiền công ty giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động khi bị cắt giảm việc làm là hơn 31 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân Công ty giày da Huê Phong phải cắt giảm nhân sự là do dịch bệnh Covid-19 khiến các khách hàng chính của công ty ở châu Âu và Mỹ bị thiệt hại nặng nề dẫn tới hủy đơn đặt hàng. Dù Công ty Huê Phong đã tìm cách khắc phục, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không thể xoay chuyển được tình thế.

Đây là lần thứ 3 Công ty Huê Phong cho công nhân ngưng việc vì Covid-19, tổng 3 lần khoảng 4.000 lao động. Cụ thể, đợt 1 có 2.222 lao động nghỉ việc trong tháng 5 và đợt 2 có 224 lao động trong tháng 6.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP (Falmi), thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm mạnh từ giữa tháng 2/2020 đến nay với mức giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ nay đến cuối năm 2020, TP. HCM cần khoảng 105.000 chỗ làm việc, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh-thương mại, dịch vụ-phục vụ, dệt may-giày da, chế biến lương thực-thực phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng, marketing, xây dựng, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, vận tải-kho bãi-dịch vụ cảng, kinh doanh bất động sản…

Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 84,5%, trong đó đại học chiếm 20%, cao đẳng chiếm 21%, trung cấp 30%, sơ cấp 13,5%.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, thống kê chưa đầy đủ từ các ngành du lịch, giao thông, giáo dục và từ Ban Quản lý khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, hiện nay, số lượng công nhân viên chức, người lao động đang bị ảnh hưởng là 56.081 người. Trong đó tập trung nhiều nhất ở khối ngành du lịch và dịch vụ với 44.274 người. 

Đáng chú ý, tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, hiện có 514 doanh nghiệp bị ảnh hưởng (trong đó có 55 doanh nghiệp đang ngưng trệ sản xuất, 12 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động) cùng 2.803 người lao động phải nghỉ việc từ 7-14 ngày. 

Qua nắm bắt từ các công đoàn cơ sở, đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có hơn 9.500 người nghỉ việc, với thời gian nghỉ từ 7-14 ngày. 

Tại các huyện đang cách ly, giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp cũng phải cho công nhân lao động nghỉ việc, một số doanh nghiệp thực hiện nghỉ giãn cách xã hội. Còn lại do yêu cầu sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục bố trí công nhân làm việc nhưng thực hiện nghiêm ngặt việc phòng chống dịch. 

Có 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang phải tạm ngừng sản xuất với gần 1.000 công nhân lao động. Trong số đó, có khoảng 400 công nhân lao động phải nghỉ làm đến hết tháng 8/2020, nhưng được doanh nghiệp hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng.

Cùng chuyên mục
Tin khác