Hành trình 'cai nghiện' khí đốt Nga của Litva

Minh Đăng - 29/05/2022 13:51 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi nhiều nước châu Âu đang phải chật vật giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga thì Tổng thống Litva Gitanas Nausėda đã tự hào thông báo rằng: “Không còn khí đốt của Nga ở Litva. Nếu chúng tôi làm được, cả châu Âu cũng có thể làm được”. Litva đã chính thức trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngưng mua khí đốt của Nga nhờ dự án trạm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có tên “Independence” (Độc lập).

VNF
Litva đã chính thức trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngưng mua khí đốt của Nga nhờ dự án trạm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có tên “Independence” (Độc lập).

Bước đi mang tính biểu tượng

12 năm trước, cựu Bộ trưởng Giao thông và Thông tin liên lạc Litva Rokas Masiulis, cũng là người đứng đầu công ty điều hành cảng dầu do nhà nước Litva kiểm soát có tên Klaipėdos Nafta, được giao nhiệm vụ giám sát việc vận hành và đưa vào phục vụ một trạm nổi LNG ngoài khơi bờ biển Baltic của Litva với mục tiêu: chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Trạm khí có tên “Independence” (Độc lập) được khánh thành vào năm 2014 nhằm đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho người dân Litva ngay cả khi mối quan hệ chính trị với Nga trở nên xấu đến mức khiến Nga cắt nguồn cung, điều mà tổng thống Litva khi đó là bà Dalia Grybauskaite gọi là “mối đe dọa sống còn đối với đất nước”.

Tới đầu tháng 4/2022, Litva đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố ngừng mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga. Bộ Năng lượng Litva cũng lưu ý việc rời bỏ nguồn cung ứng của Nga có nghĩa nước này không cần phải đáp ứng đòi hỏi thanh toán khí đốt bằng đồng ruble theo sắc lệnh mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quyết định này được coi là cột mốc quan trọng trong việc đạt được sự độc lập về năng lượng của quốc gia 2,8 triệu dân.

“Tôi rất hào hứng với dự án Independence khi chúng tôi bắt tay vào thực hiện, nhưng tôi không thể tưởng tượng được rằng đến nay dự án có vai trò to lớn đến mức nào”, ông Masiulis nói.

Về phần mình, Tổng thống Litva đương nhiệm Gitanas Nausėda tự tin tuyên bố rằng: “Nhiều năm trước, Litva đã đưa ra quyết định mà ngày nay cho phép chúng tôi ngừng mối quan hệ năng lượng với Nga một cách dễ dàng. Nếu Litva làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được!”.

Dự án Independence của Litva, một hệ thống được gọi là Đơn vị điều chỉnh kho lưu trữ nổi (hay FSRU), được cho là một nghiên cứu điển hình hữu ích cho những nước đang muốn giảm dần, thậm chí cắt đứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt Nga.

Hệ thống FSRU được xây dựng tương đối nhanh chóng, thời gian triển khai dự án ước tính từ một đến ba năm, và thường yêu cầu ít giấy phép quy hoạch hơn so với quy trình tương đương trên đất liền. Chúng còn có thể được di chuyển linh động từ nơi này sang nơi khác.

Quan trọng hơn cả, khi có FSRU, các quốc gia có thể lựa chọn nguồn cung cấp LNG của họ. Với Litva, nước này hiện đang nhận cung cấp phần lớn LNG từ Na Uy, Mỹ và Qatar.

Zongqiang Luo, nhà phân tích thị trường khí đốt của công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Na Uy, cho rằng dự án FSRU được coi là giải pháp hữu ích cho các quốc gia nhỏ như Litva, nơi tiêu thụ khoảng 2 tỷ mét khối (bcm) đến 3 bcm khí mỗi năm.

Được biết, Litva hiện không chỉ độc lập với khí đốt Nga mà còn có thể bán khí đốt cho các nước láng giềng như Latvia và Estonia, thậm chí cho cả Ba Lan trong thời gian tới.

Đối với một quốc gia lớn như Đức, có nhu cầu khoảng 90 bcm mỗi năm, một hệ thống FSRU vẫn có thể hữu ích như một phần của một loạt các giải pháp, bao gồm cả đường ống dẫn khí đốt từ các mỏ khí đốt của Na Uy và Hà Lan, cũng như các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Các nước châu Âu khác như Italy, Hà Lan và Estonia mới đây cho biết họ đang xem xét mô hình dự án của FSRU, trong khi Đức đang lên kế hoạch phát triển ba đơn vị FSRU để cung cấp 27 bcm khí mỗi năm.

EU tính chi hơn 200 tỷ USD để thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga

Mặc dù đã sớm nhận thức được sự cần thiết của việc chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga nhưng chính chiến sự Nga - Ukraine mới là ngòi nổ thực sự thôi thúc Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh việc mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo trong khu vực nhằm nhanh chóng thực hiện quyết tâm này.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/5 đã công bố kế hoạch chi 210 tỷ euro (khoảng 220,5 tỷ USD) để tiến tới dừng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga trong 5 năm tới. Kế hoạch này kết hợp 3 trụ cột gồm đẩy nhanh triển khai sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đồng thời đa dạng hóa nguồn cung cấp từ các đối tác quốc tế trong nỗ lực thay thế than, dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga.

Các khoản đầu tư bao gồm 86 tỷ euro (90,2 tỷ USD) cho năng lượng tái tạo, 27 tỷ euro (28,3 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng năng lượng hydrogen, 29 tỷ euro (30,2 tỷ USD) cho mạng lưới dây dẫn điện và 56 tỷ euro (58,7 tỷ USD) cho các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Theo kế hoạch, EC muốn nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga thông qua thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. EC sẽ đề xuất nâng mục tiêu năng lượng tái tạo cho năm 2030 từ mức 40% lên 45%. Để đạt được mục tiêu này, đến năm 2030, EU yêu cầu các quốc gia thành viên giảm tiêu thụ năng lượng 13% thay vì 9% theo kế hoạch cũ.

Chiến lược trên sẽ thúc đẩy Thỏa thuận Xanh cắt giảm lượng khí thải lớn hơn vào năm 2030, có thể giúp EU tiết kiệm 80 tỷ euro (84,2 tỷ USD) tiền khí đốt, 12 tỷ euro (12,6 tỷ USD) tiền dầu và 1,7 tỷ euro (1,78 tỷ USD) tiền nhập khẩu than mỗi năm.

Châu Âu cũng đề xuất tập trung vào năng lượng hydro xanh mà lượng tiêu thụ ở EU năm 2030 có thể đạt 20 triệu tấn. Bên cạnh đó, EU cũng đề xuất đơn giản hóa các thủ tục, xem xét các dự án phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện một kế hoạch hỗ trợ mới cho năng lượng mặt trời nhằm phục hồi ngành sản xuất tấm pin quang điện ở châu Âu. Theo đó, khối này dự định yêu cầu các quốc gia lắp đặt năng lượng mặt trời trong tất cả các tòa nhà công cộng mới từ năm 2025.

Ngoài ra, EU cũng đang xem xét tiềm năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nước như Ai Cập, Israel và Nigeria.

Trong nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung khí đốt từ Nga, hồi đầu tháng 5, Ba Lan và các nước Baltic đã khánh thành một đường ống dẫn khí đốt mới (GIPL) nối giữa Ba Lan và Litva. Đường ống dài khoảng 508km và có thể vận chuyển từ 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Theo Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, việc khánh thành đường ống này là một phản ứng cứng rắn trước sức ép về năng lượng từ Nga và Ba Lan sẵn sàng loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga nếu cần thiết.

Được biết, EU đã tài trợ gần 500 triệu euro (526 triệu USD) cho việc xây dựng đường ống này. Theo các nhà lãnh đạo EU, nhờ mạng lưới hiện có, Latvia, Estonia và Phần Lan cũng có quyền tiếp cận hệ thống đường ống dẫn khí đốt này của châu Âu và đây là một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy độc lập về khí đốt của EU, giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Ba mỏ cát nghìn tỷ của Hà Nội: DN trúng đấu giá không đáp ứng điều kiện vốn

Ba mỏ cát nghìn tỷ của Hà Nội: DN trúng đấu giá không đáp ứng điều kiện vốn

(VNF) - Theo UBND thành phố Hà Nội, vốn chủ sở hữu của 3 đơn vị trúng đấu giá nhỏ hơn 30% giá trúng đấu giá nên sẽ nhỏ hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản mà đơn vị phải lập sau khi trúng đấu giá.

Bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

(VNF) - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với ông Mai Tiến Dũng - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ 'Hậu Pháo': Đã bắt 23 bị can, tiếp tục điều tra mở rộng

Vụ 'Hậu Pháo': Đã bắt 23 bị can, tiếp tục điều tra mở rộng

(VNF) - Liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn do Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) làm Chủ tịch HĐQT, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can, tăng 6 bị can so với tháng trước.

Bắt Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái

Bắt Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái

(VNF) - Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến vụ Thuận An.

CEO Group: Quý I lãi 35 tỷ, tăng 43%

CEO Group: Quý I lãi 35 tỷ, tăng 43%

(VNF) - Năm 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, HNX: CEO) tiếp tục đưa dự án CEOHOMES Hana Garden (Mê Linh, Hà Nội) vào kế hoạch kinh doanh.

Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị bắt

Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị bắt

(VNF) - Thông tin này được trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/5.

Trở thành đầu tàu kinh tế số, dân vùng Đông Nam bộ có thu nhập bình quân 16.000 USD/năm

Trở thành đầu tàu kinh tế số, dân vùng Đông Nam bộ có thu nhập bình quân 16.000 USD/năm

(VNF) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

(VNF) - Bộ Chính trị thí điểm quy định cho phép người đứng đầu giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm làm cấp phó.

'Nhiều DN công nghệ toàn cầu muốn đầu tư chíp, bán dẫn tại Việt Nam'

'Nhiều DN công nghệ toàn cầu muốn đầu tư chíp, bán dẫn tại Việt Nam'

(VNF) - Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4/5.

30/6/2025: Nối trục cao tốc từ Hà Nội đến TP.HCM

30/6/2025: Nối trục cao tốc từ Hà Nội đến TP.HCM

(VNF) - Nhấn mạnh nhiều dự án cao tốc có khả năng hoàn thành trước từ 3-6 tháng so với kế hoạch, Thủ tướng cho biết dự kiến tới 30/6/2025 có thể nối trục đường bộ cao tốc từ Hà Nội tới TP. HCM.

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

(VNF) - Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 11.808 tỷ đồng sau hơn 1 năm thi công đã đạt 50% giá trị hợp đồng. Hiện các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trước 6 tháng.