Hé lộ DN đứng sau hiện tượng 'Nước Lê thần thánh' đang gây sốt thị trường
Tiểu An -
12/08/2024 17:45 (GMT+7)
(VNF) - Mới chỉ vỏn vẹn 4 tháng, cái tên 'Nước Lê thần thánh' đã mở được hơn 30 cơ sở tại Hà Nội. Bên cạnh đó, thương hiệu đồ uống này gây chú ý khi cho biết tất cả các cơ sở đều có giá nhượng quyền là 0 đồng.
Có thể nói, năm 2024, thị trường Việt chứng kiến nhiều 'trend' ẩm thực độc lạ. Từ cơn sốt Mixue, trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai,... Mới đây, lại có thêm một chuỗi đồ uống mới 'làm mưa làm gió' giới trẻ Hà Nội, đó là 'Nước lê thần thánh'.
Chỉ trong 4 tháng, thương hiệu này đã trở thành một hiện tượng trên thị trường. Hiện tại, Nước Lê đã có 31 cơ sở tại Hà Nội và 1 cơ sở tại TP. HCM. Chuỗi đồ uống này được kinh doanh theo mô hình nhượng quyền dưới hình thức đồ uống mang đi (take away).
Theo tìm hiểu, cửa hàng Nước lê đầu tiên đặt tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Với mức giá bình dân chỉ từ 20.000 đồng/sản phẩm, chuỗi cửa hàng này đã thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ trải nghiệm.
Theo chia sẻ của chủ quán, giá cho mỗi cốc đầy đủ bao gồm nước lê ngọt, thạch, hạt chia. 2 loại thức uống đắt hàng nhất là trà nước lê hoa nhài, nước lê hoa cúc sẽ có thêm hoa nhài và hoa cúc ướp đường thơm mát.
“Nước lê chỉ dùng siro nhưng khi uống vào vị lê khá rõ nét, cảm nhận được chút thanh thanh nơi cuống họng”, nhân viên quán này cho hay. ‘Nước lê thần thánh’ hiện đang ‘gây sốt’ tại cơ sở Nguyễn Biểu, Quán Thánh, Ba Đình. Người bán chia sẻ, mỗi ngày quán bán được từ 500 cốc trở lên, có ngày cao điểm nắng nóng có thể đạt tới gần 1.000 cốc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh cãi về món đồ uống này. Bên cạnh những đánh giá tốt, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, một số cho rằng nước lê tại đây mang hương liệu khá nhiều và không có sự tự nhiên như trái cây thông thường.
Theo tìm hiểu, Nước lê thuộc sở hữu của công ty TNHH Đầu tư Pika Lê Việt Nam, địa chỉ đặt tại Quán Thánh, Ba Đình. Địa chỉ này trùng với quán Nước lê đầu tiên. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hoàng Quân, sinh năm 1993.
Ngành nghề kinh doanh chính của Pika Lê theo đăng ký là sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng. Thương hiệu này cho biết tất cả các cơ sở Nước Lê đều có giá nhượng quyền là 0 đồng, với mục tiêu đưa thương hiệu Việt phủ xanh đất nước.
Đáng chú ý, nhượng quyền đang là xu hướng phát triển của nhiều chuỗi đồ uống, đặc biệt là các thương hiệu Trung Quốc khi thâm nhập vào Việt Nam như Mixue, Cooler City hay Cotti Coffee. Phương án kinh doanh này có lợi thế dễ nhân rộng và là kênh đầu tư mới cho nhiều người muốn kinh doanh.
Điển hình như Mixue, thay vì chọn các mặt bằng tại các vị trí đắc địa, Mixue tập trung luồn lách vào các con phố đông dân cư, các thành phố, thị trấn nhỏ, với chi phí thuê mặt bằng tương đối dễ chịu. Nhờ mô hình nhượng quyền, hãng đồ uống này đã nhanh chóng đạt hơn 1.000 cửa hàng, trở thành cái tên dẫn đầu chuỗi đồ uống tại Việt Nam về số lượng.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình nhượng quyền cũng là con dao hai lưỡi. Cụ thể, chiến lược nhượng quyền ồ ạt khiến mật độ cửa hàng dày đặc. Đi dọc một con phố nhỏ cũng có thể tìm được 2 - 3 điểm bán.
Điều này khiến chính các cửa hàng của cùng thương hiệu phải cạnh tranh với nhau, cũng đặt ra câu hỏi về tính bền vững, khả năng tạo ra lợi nhuận lâu dài cho người mua nhượng quyền. Bên cạnh đó, cũng sẽ là thách thức với thương hiệu mới gia nhập thị trường như Nước lê.
Trước đó, nói về lợi thế của mô hình take away (bán mang đi), ông Lê Bá Nam Anh, cựu CEO The Coffee House cho rằng, do thị trường ngày càng đông đúc, các thương hiệu trong phân khúc cao cấp phải gia tăng sức cạnh tranh bằng cách 'đổ tiền' vào những mặt bằng đẹp ở vị trí trung tâm. Điều này dẫn đến tình trạng The Coffee House vẫn lỗ nặng mặc dù sở hữu doanh thu 'khủng'.
Để đối mặt với thực trạng khó khăn, khắc nghiệt này, hãng buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Và mô hình kiosk có thể là biện pháp để chuỗi đồ uống lớn này tăng doanh thu trong khi không quá mất nhiều chi phí phát triển điểm bán.
Hồi tháng 4, theo báo cáo của iPOS.vn, tính đến cuối năm 2023, thị trường F&B năm 2023 cho thấy, Việt Nam đang có 317.299 cửa hàng cà phê và trà, tăng 1,26%. Mặc dù tổng số cửa hàng không tăng nhiều nhưng doanh thu vẫn chạy đua, ở mức hai con số, tăng 11,6%, đạt 24,1 tỷ USD (590.000 tỷ đồng).
Còn theo Vietdata (nền tảng cung cấp dữ liệu kinh doanh và nghiên cứu về nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam) cho biết, quy mô thị trường chuỗi nhà hàng và đồ uống tại Việt Nam ước tính đến khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm.
Điều này tạo ra sức hấp dẫn của thị trường đồ uống Việt, giúp các mô hình mới dù đến sau nhưng vẫn có thể có chỗ đứng để phát triển như hiện tượng Nước lê kể trên hay Mixue.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.