Hiện tượng mới trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Giáo sư TSKH Nguyễn Mại -
29/12/2018 08:18 (GMT+7)
(VNF) - Sau khi thu được thành quả to lớn về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 30 năm (1988-2018), Việt Nam chuyển sang thu hút FDI thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Để thực hiện được mục tiêu đó không những cần có định hướng, chính sách mới đối với FDI mà còn phải cập nhật sự biến động về dòng vốn quốc tế chảy vào nước ta có liên quan đến sự thay đổi hình thức và phương thức đầu tư của các Tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) trong thời đại kinh tế số.
M&A ngày càng quan trọng trong thu hút FDI
Nếu như dự án FDI mới phải mất khá nhiều thời gian từ khảo sát, lựa chọn ngành và sản phẩm, địa điểm và hình thức đầu tư, lập báo cáo khả thi, tiến hành các thủ tục thẩm định và cấp đăng ký, tiếp đó triển khai thực hiện với khoảng thời gian trung bình vài năm; thì dự án FDI theo M&A tiết kiệm thời gian và chi phí vì đối tác nước ngoài chỉ cần thu thập đầy đủ thông tin về doanh nghiệp trong nước, tiếp xúc và đàm phản theo phương án được bên chào bán đưa ra thông qua tư vấn và môi giới để hai bên đạt được thỏa thuận “cùng có lợi”, thì vốn từ nước ngoài được chuyển vào nước ta mua cổ phần của doanh nghiệp; khi đã đạt được môt tỷ lệ cần thiết thì tham gia quản trị doanh nghiệp.
M&A giao thoa giữa đầu tư trực tiếp với đầu tư gián tiếp; trường hợp M&A chỉ nằm trong khung khổ thị trường chứng khoán thì thuộc đầu tư gián tiếp; nhưng khi đã tham gia quản trị đoanh nghiệp thì được coi là đầu tư trực tiếp.
Từ 1988 đến 2010 M&A chủ yếu là giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau, bởi vì quy mô của doanh nghiệp trong nước chưa đủ lớn nên nhà đầu tư quốc tế, chủ yếu là TNCs chưa quan tâm đến thị trường M&A nước ta.
Từ 2011 đến nay, M&A trở thành phương thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển và chiếm tỷ trong cao trong vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện.
Từ 2011 đến 2013, các tập đoàn của Nhật Bản tham gia thị trường M&A Việt Nam 2,5 tỷ USD vào ngành hàng tiêu dùng và tài chính-ngân hàng. Tiêu biểu là Vietcombank phát hành 15% cổ phần cho Mizuho; Bảo Việt và VietinBank với Sumitomo Life và UFJ Mishubishi Bank.
Năm 2014 Việt Nam có 313 thương vụ M&A với 4,2 tỷ USD; năm 2015 có 341 thương vụ với 5,2 tỷ USD; năm 2016 có 611 thương vụ với 5,8 tỷ USD. Trong đó có những thương vụ tiêu biểu: Tập đoàn TCC mua lại hệ thống siêu thị Metro Việt Nam với giá 879 triệu USD; Tập đoàn Central Group mua Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD và thông qua công ty con Power Buy mua 49% cổ phần công ty NKT – sở hữu Siêu thị Nguyễn Kim.
M&A bất động sản khá sôi động; Asset cùng AON, BGN mua Keangnam Landmark với giá 723,82 triệu USD; Mapletree Investments mua lại Dự án Kumho Asiana Plaza từ liên doanh Kumho Industrial và Asiana Airlines với giá 215 triệu USD; New Life RE mua lại Khách sạn Duxton Hotel từ Low Keng Huat với giá 49,2 triệu USD.
Năm 2018, tính đến 20/11 có 5882 thương vụ M&A của nước ngoài với 7,6 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2017, chiếm 24,7% vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và mua cổ phần; chiếm 46% vốn thực hiện; một tỷ lệ khá ấn tượng.
Hoạt động mua bán & sát nhập (M&A) đã trở nên sôi nổi hơn do đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và do nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là xu thế đang được tiếp diễn để Việt Nam trở thành thị trường M&A lớn trong khu vực.
Giáo sư TSKH Nguyễn Mại
Đầu tư theo phương thức NEM đang bùng nổ
Đầu tư thông qua biên giới không góp vốn là phương thức FDI mới đã được thực hiện ở Việt Nam, sẽ nhanh chóng trở thành phương thức quan trọng đối với thu hút FDI.
Chiến lược thương mại và đầu tư của TNCs được thực hiện bằng nhiều phương thức, trực tiếp hoặc thông qua chi nhánh tại một số quốc gia để thực hiện những dự án mới, thông qua M&A để nắm giữ cổ phần đến mức có thể tham gia quản trị doanh nghiệp theo môt trong ba hình thức đầu tư chủ yếu: liên doanh, 100% vốn nước ngoài và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu; robot thay thế một phần lao động của con người, công nghệ thông tin với big data đã tạo ra cuộc cách mạng về quản trị doanh nghiệp, do đó các hình thức đầu tư truyền thống có xu hướng giảm dần, một số hình thức, phương thức đầu tư mới đã xuất hiện và đang trở thành phổ biến nhằm tiếp cận thị trường đầu tư có hiệu quả hơn. Sản xuất theo hợp đồng, thuê ngoài dịch vụ, nhượng quyền kinh doanh, cấp phép và quản lý là phương thức đầu tư mới.
Trong thời đại kỹ thuật số, thông qua FDI, TNCs hướng đến mục đích lợi nhuận cận biên thông qua tìm kiếm thị trường tiềm năng mà không cần góp vốn, được gọi là Phương thức đầu tư nước ngoài không sử dụng vốn chủ sở hữu (NEM), hoặc Hình thức đầu tư mới (NFI), đã được thực hiện ở nhiều nước khi dịch chuyển từ chuỗi cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang chuỗi cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, vì NEM cho phép các TNCs điều phối hoạt động chuỗi cung ứng sản phẩm, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và cung ứng trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; khoản “đầu tư” của nhà đầu tư nước ngoài thường bao gồm việc cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh...
Một số điển hình được WB viện dẫn là Apple (Mỹ) thuê Inventec (Đài Loan) sản xuất một số loại linh kiện thông qua hợp đồng gia công; thương hiệu và hệ thống quản lý Hyatt điều hành khách sạn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nepal, Intel (Mỹ) ký hợp đồng thuê ngoài với Wipro (Ấn Độ) để phát triển phần mềm.
Mặc dù NEM mới được một số nước thực hiện nên chưa có số liệu thống kê toàn cầu, nhưng UNCTAD ước tính doanh số hàng năm có thể cao hơn 2.000 tỷ USD.
Do vậy, FDI có hai loại: thông qua góp vốn đầu tư và không góp vốn. Phương thức FDI góp vốn và NEM không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau, Một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục thực hiện ba hình thức cổ truyền khi thực hiện dự án FDI ở nước khác, trong khi ngày càng nhiều TNCs chuyển sang áp dụng NEM, sau một thời gian nhận thấy doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, cần mở rộng kinh doanh thì TNCs góp vốn bằng cách mua cổ phần hoặc tăng thêm vốn đầu tư.
Các khoản đầu tư theo NEM đang có xu hướng gia tăng vì đưa lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp nước tiếp nhận FDI. Chẳng hạn ngành công nghiệp ô tô, 30% linh kiện và phụ tùng được sản xuất theo hợp đồng nhập khẩu, tạo ra khoảng 25% số việc làm của ngành này.
Chiến lược FDI thế hệ mới do WB, IFC và Cục Đầu tư nước ngoài hợp tác xây dựng đã lưu ý về việc Việt Nam cần quan tâm đến NEM: “Tầm quan trọng của phương thức này đang ngày càng được công nhận rộng rãi. Khi Việt Nam dịch chuyển theo hướng tăng giá trị gia tăng và tăng hội nhập với các chuỗi giá trị toàn cầu, NEM đóng vai trò nòng cốt bằng cách cho phép các tập đoàn đa quốc gia điều phối các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi hỗ trợ cho các nhà cung ứng trong nước, nhờ đó giúp tăng cường liên kết giữa nhà cung ứng Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu”.
Điểm nhấn VinFast, Vsmart
Trên thực tế vài năm gần đây một số tập đoàn kinh tế nước ta đã chủ động tiếp cận và thực hiện NEM. VinFast và Vsmart hai thương hiệu của Vingroup là điển hình cho NEM.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Kinh doanh VinFast (tên viết tắt của Việt Nam- Phong cách- An toàn- Sáng tạo- Tiên phong) được thành lập năm 2017, trụ sở tại Hà Nội, nhà máy sản xuất tại thành phố Hải Phòng với diện tích 335 hécta có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD.
VinFast đã hợp tác công nghệ với một số tập đoàn ô tô và linh kiện phụ tùng lớn của châu Âu như BMW, Siemens AG và Robert Bosch GmbH của Đức, Magna Steyrcủa của Áo, và hãng thiết kế Pininfarina của Ý; liên doanh sản xuất thân vỏ xe với Aapico Hitech của Thái Lan. VinFast đã đăng ký với Phòng đăng ký kinh doanh Frankfurt để thành lập một văn phòng đại diện tên là VinFast GmbH, đang làm thủ tục để đặt đại diên tại Thương Hải và Hàn Quốc.
Ngày 2/9/2017, nhà máy sản xuất ô tô VinFat tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đã được khởi công. Công suất thiết kế của tổ hợp sản xuất dự kiến 500.000 xe ô tô vào năm 2025.
Ngày 2/10/2017, VinFast phát động cuộc thi bình chọn mẫu xe: “Chọn xế yêu cùng VinFast”.
Ngày 12/10/2017, Vingroup ký kết hợp tác với Bosch về việc cung cấp phụ tùng, linh kiện, hệ thống phần mềm cho ô tô xe máy và phần mềm quản lý doanh nghiệp.
Ngày 20/10/2017, VinFast công bố 2 mẫu xe ô tô được người tiêu dùng bình chọn đợt 1 của nhà thiết kế Italdesign.
Ngày 18/ 1/2018, VinFast công bố đã hoàn tất hợp đồng sản xuất mẫu xe với nhà thiết kế hàng đầu Pininfarina và mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW.
Ngày 2/10/2018, giới thiệu 2 mẫu xe LUX A2.0 thuộc dòng Sedan và LUX SA2.0 thuộc dòng xe thể thao đa dụng tại Triển lãm ô tô Paris 2018. Ngày 20/11/2018, VinFast tổ chức giới thiệu các mẫu xe VinFast Klara, VinFast Fadil, VinFast Lux tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội
Đã có hàng chục nghìn đơn đặt hàng; dự tính những chiếc xe đầu tiên được thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam sẽ đến tay người tiêu dùng vào tháng 9/2019; chỉ hai năm sau khi động thổ xây dựng nhà máy.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia công nghệ thì tốc độ xây dựng, nghiên cứu mẫu xe, đưa sản phẩm ra thị trường của một nhà sản xuất mới trong ngành công nghiệp ô tô tạo ra kỷ lục mới không chỉ ở Việt Nam.
Cho đến nay vẫn còn không ít người hoài nghi về thành công của VinFast, nhưng nếu quan sát lịch sử phát triển Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, phương thức mà Vingroup hợp tác cùng có lợi với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới tại những nước công nghệp phát triển, cũng như chính sách thu hút và sử dụng người tài là Việt kiều, vốn là nhà quản trị tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới thì có thể tin tưởng vào sự thành công của VinFast.
Ngày 14/12/2018, tại Toà tháp Landmark 81 TPHCM, Vingroup ra mắt 4 dòng điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart; được sản xuất tại Nhà máy Cát Hải, Hải Phòng, sau chưa đầy 6 tháng kể từ khi Công ty VinSmart thành lập. Nhà máy được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế IPC-A-610 dành cho các nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử, có công suất 5 triệu sản phẩm/năm cho giai đoạn 1; hầu hết các khâu từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất do Công ty công nghệ hàng đầu Tây Ban Nha là BQ phát triển.
Với việc sở hữu 51% Công ty BQ, VinSmart có thể khai thác tối đa năng lực của đội ngũ chuyên gia cao cấp của Tây Ban Nha, thu hút nhiều nhà khoa học và chuyên gia từ các Viện nghiên cứu và các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới, hợp tác với các hãng công nghệ lớn nhất thế giới như Qualcomm, Google nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
VinSmart một lần nữa đã cho thấy phương thức hợp tác đầu tư của Vingroup với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, trong thời gian khoảng 6 tháng từ khi bắt đầu sản xuất.
VinFast và VinSmart không chỉ tạo ra cách nhìn khá tích cực đối với doanh nghiệp Việt Nam, đủ sức hợp tác bình đẳng với những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, đưa đến triển lãm Paris hai mẫu xe ô tô hấp dẫn với nhiều chuyên gia và nhà sưu tầm ô tô toàn cầu; mà còn khai phá con đường mới trong hợp tác và đầu tư với nước ngoài bằng phương thức chuyển giao công nghệ, thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, sản xuất sản phẩm nhưng nhà đầu tư nước ngoài không góp vốn.
Hy vọng rằng, nhiều tập đoàn kinh tế Việt Nam sẽ tiếp bước trên con đường mà Vingroup đã khai phá để rút ngắn thời gian công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại.
Khi các phương thức đầu tư mới ngày càng gia tăng và chứng minh được tầm quan trọng tại Việt Nam, thì Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách và luật pháp để điều chính có hiệu quả các hiện tượng mới trong đầu tư nước ngoài.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.