'Hot' như cổ phiếu kín room ngoại

Thanh Long - 11/10/2019 08:51 (GMT+7)

(VNF) - Để sở hữu cổ phiếu MWG, các nhà đầu tư nước ngoài phải trao tay nhau với mức giá cao hơn tới 25% so với thị giá. Trong khi đó, cổ phiếu MBB cũng rất "hot" khi mức chênh so với thị giá lên đến 20%. Một số cổ phiếu "hot" khác đang trong tình trạng kín room ngoại, khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải trao tay nhau với giá cao hơn 15% thị giá, có thể kể đến như FPT, PNJ, ACB.

VNF
'Hot' như cổ phiếu kín room ngoại (Ảnh minh họa)

Chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư VinaCapital 2019 diễn ra mới đây, bà Thu Nguyễn, giám đốc điều hành phụ trách đầu tư cổ phiếu niêm yết của VinaCapital cho hay, điểm khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất hiện nay là vấn đề hạn chế sở hữu nước ngoài (room ngoại).

Theo bà Thu Nguyễn, đây là điểm mấu chốt quyết định khi nào Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thay vì ở rổ thị trường cận biên như hiện nay.

Mặc dù hạn chế sở hữu nước ngoài phần nào đã được dỡ bỏ từ năm 2015 nhưng việc nới room ngoại vẫn diễn ra chậm. Cụ thể, chỉ có 42 công ty niêm yết đã nới room ngoại trong vòng 4 năm qua. Hầu hết các công ty giữ room ngoại ở mức 49%, ngoại trừ ngành ngân hàng và ngành hàng không ở mức 30%.

Bà Thu Nguyễn cho biết hiện nhiều công ty trong ngành ngân hàng, bảo hiểm, dược phẩm, công nghệ, bán lẻ đã kín room ngoại, chẳng hạn như FPT ở ngành công nghệ hay MWG và PNJ ở ngành bán lẻ đã hết room từ lâu.

"Những công ty này được nhà đầu tư nước ngoài theo đuổi rất nhiều nên cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư nước ngoài với mức giá chênh lệch so với giá thị trường từ 7% đến khoảng 20-25%", đại diện của VinaCapital tiết lộ.

Theo số liệu mà VinaCapital cung cấp, để sở hữu cổ phiếu MWG, các nhà đầu tư nước ngoài phải trao tay nhau với mức giá cao hơn tới 25% so với thị giá. Trong khi đó, cổ phiếu MBB cũng rất "hot" khi mức chênh so với thị giá lên đến 20%.

Một số cổ phiếu "hot" khác đang trong tình trạng kín room ngoại, khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải trao tay nhau với giá cao hơn 15% thị giá, có thể kể đến như FPT, PNJ, ACB.

Nhà đầu tư nước ngoài phải trả mức giá cao hơn nhiều so với thị giá để sở hữu các cổ phiếu tốt nhưng đã kín room ngoại

Nói về vấn đề định giá, bà Thu Nguyễn cho biết trong những năm gần đây, đã có sự phân hóa rõ rệt về mặt định giá giữa nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

Điển hình, 5 năm trước đây, sự chênh lệch về định giá giữa nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ chỉ khoảng 30% thì hiện nay đã lên đến 75%, nghĩa là các công ty lớn đang ở mức đắt đỏ hơn, trong khi các công ty vốn hóa nhỏ vẫn ở mức định giá như 5 năm trước, khoảng hơn 10 lần xét theo P/E.

Ngoài ra, mức định giá của thị trường Việt Nam đang bị kéo lại gần so với mức định giá của các thị trường mới nổi khu vực ASEAN.

"Một phần là do chúng ta hút rất là nhiều dòng tiền ngoại và dòng tiền này thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và đẩy mức định giá của cả thị trường lên", bà Thu Nguyễn nói.

Mặt khác, gần đây, Việt Nam bắt đầu có động thái FTSE và MSCI bắt đầu quan tâm đến việc cho Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi nên nhà đầu tư nước ngoài muốn có vị thế tại thị trường Việt Nam trước khi điều này xảy ra, làm cho mức định giá của Việt Nam so với các thị trường trong ASEAN thu lại về khoảng cách còn dưới 10%, trong khi trước đây vào khoảng trên 20%.

"Điều này có nghĩa là thị trường Việt Nam thể hiện được tính hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng mặt khác cũng chỉ ra một vấn đề là khi nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thì do vấn đề hạn chế sở hữu nước ngoài nên không có nhiều hàng hóa để mua nên họ bắt buộc phải mua cổ phiếu vốn hóa lớn, do đó đẩy mức định giá của cả thị trường lên cao, trong khi thực tế, có rất nhiều cổ phiếu tốt nhưng vẫn rẻ, ở mức P/E chỉ tầm 10 – 12 lần mà thôi", nhà quản lý quỹ của VinaCapital nêu quan điểm.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn

Với hai quỹ VVF và VAF (chuyên đầu tư cổ phiếu niêm yết) của VinaCapital, theo tiết lộ từ đại diện VinaCapital, các nhóm ngành mà tập đoàn này chú trọng đầu tư bao gồm có công nghệ thông tin, ngân hàng, tiêu dùng và bán lẻ, logistic và dịch vụ tiện ích.

"Như các bạn đã biết, Việt Nam về mặt thương mại điện tử và sự hòa nhập vào thế giới công nghệ thông tin của người dân rất cao do dân số trẻ. Cho nên ngành công nghệ thông tin, chúng tôi nghĩ sẽ đạt được mức tăng trưởng 20%/năm, đồng thời các công ty trong lĩnh vực này cũng được định giá ở mức khá thấp, khoảng 12 lần P/E và tỷ suất chi trả cổ tức là 3,5%/năm", phía VinaCapital cho biết.

Tương tự như vậy, các ngành còn lại đều là những ngành có mức định giá rất thấp, cao nhất chỉ có ngân hàng, ở mức 13,5 lần P/E. Nhưng với ngân hàng, theo đại diện của VinaCapital, giới đầu tư thường tìm đến chỉ số P/B nhiều hơn. Ngành ngân hàng Việt Nam nhìn chung ở mức tương đối ở mức chấp nhận được, khoảng từ 1,5-2 lần P/B.

"Tăng trưởng ở hầu hết các ngành này ở mức từ 10% đến 15%, ngoại trừ công nghệ lên đến 20%. Ngoài ra, tỷ suất chi trả cổ tức ở các nhóm ngành này hầu hết đều cao. Riêng ngân hàng đang rất cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel II nên họ chưa chi trả cổ tức quá nhiều. Còn lại các ngành khác thông thường có mức chi trả cổ tức từ 2% đến 6,5%. Đặc biệt là ngành điện trả cổ tức rất cao", đại diện của VinaCapital nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác