Hụt vốn, ngân hàng quốc doanh đối diện nguy cơ suy yếu khả năng cạnh tranh

Minh Tâm - 30/07/2018 00:12 (GMT+7)

(VNF) - Nếu không có nguồn vốn từ bên ngoài, Moody’s ước tính tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng tư nhân Việt Nam sẽ giảm xuống còn 8,0% vào cuối năm 2019 từ mức 9,4% vào cuối năm 2017; trong khi ngân hàng quốc doanh sẽ giảm xuống chỉ còn 6,1% từ mức 6,9%.

VNF
Moody’s ước tính, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm từ 7 đến 9 tỷ USD để đạt được tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019.

Báo cáo về ngành ngân hàng Việt Nam mới đây của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng Việt ngày càng tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhu cầu tín dụng gia tăng và chất lượng tài sản được cải thiện.

Tuy nhiên, theo Moody’s, thách thức cũng rất rõ ràng.

“Tăng trưởng tín dụng vượt quá mức tăng của vốn tự có cũng như các chỉ số cân bằng vốn. Các ngân hàng quốc doanh – không giống như các ngân hàng tư nhân – đang rất chậm chạp trong việc tăng vốn bằng nguồn lực từ bên ngoài, ngay cả khi hệ số an toàn vốn ngày càng trượt dốc”, Rebaca Tan, chuyên gia Moody’s nói.

Vị chuyên gia này nói thêm: “Đối với bối cảnh như vậy, việc cơ cấu vốn tiếp tục suy yếu sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các ngân hàng quốc doanh và ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng”.

Lợi nhuận trung bình trên tài sản hữu hình (ROTA) tại các ngân hàng Việt Nam đã tăng lên 0,97% trong năm 2017 từ 0,70% trong năm 2016, trong khi tỷ lệ nợ xấu trên tài sản giảm xuống 4,7% vào cuối năm 2017, từ mức 5,9% một năm trước đó.

Moody’s kỳ vọng chỉ số sinh lời và chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong 2018 - 2019, mặc dù tăng trưởng tín dụng nhanh có thể che lấp đi rủi ro về tài sản.

Các ngân hàng Việt Nam đang tăng cường cho vay bán lẻ và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với tỷ trọng tương đối cao trong tổng dư nợ. Đây là hướng đi tích cực cho lợi nhuận ngân hàng. Đồng thời, sự dịch chuyển từ chỗ tập trung cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước đây sang các đối tượng mới cũng là là tín hiệu tích cực vì nhiều DNNN vẫn còn trong tình trạng tài chính kém.

Tuy nhiên, theo Moody’s, nguồn vốn nội bộ sẽ không đủ để các ngân hàng Việt trang trải tốc độ tăng trưởng cho vay nhanh chóng. Moody’s ước tính, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm từ 7 đến 9 tỷ USD để đạt được tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019, trong khi điều kiện duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng như đà hiện nay.

Nếu không có nguồn vốn từ bên ngoài, Moody’s ước tính tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng tư nhân Việt Nam (được Moody’s xếp hạng) sẽ giảm xuống còn 8,0% vào cuối năm 2019 từ mức 9,4% vào cuối năm 2017; trong khi ngân hàng quốc doanh được xếp hạng sẽ giảm xuống còn 6,1% từ mức 6,9%.

Những quan ngại này phần nào nhẹ nhàng hơn cho các ngân hàng tư nhân, vốn đã tích cực tăng vốn thông qua một loạt thương vụ thành công kể từ năm 2017.

Ngược lại, các ngân hàng quốc doanh đang “chậm chạp” trong việc tăng vốn từ nguồn bên ngoài, ngay cả khi tỷ lệ an toàn vốn “trượt dốc”. Tỷ lệ vốn lõi (TCE) trung bình của các ngân hàng quốc doanh giảm xuống còn 6,89% vào cuối năm 2017, từ mức 6,92% một năm trước đó, và có thể tiếp tục suy yếu nếu không tăng được vốn.

Với “bộ đệm vốn” lớn hơn, các ngân hàng tư nhân sẽ có thể tăng đầu tư, dẫn đến lợi nhuận cao hơn và bổ sung thêm vào nguồn vốn tự có.

Ngược lại, Moody’s cho rằng các ngân hàng quốc doanh sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, với việc thiếu hụt vốn cản trở tăng trưởng, dẫn đến lợi nhuận thấp, qua đó bổ sung được ít hơn vào vốn tự có và cuối cùng làm suy yếu khả năng cạnh tranh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.