Tài chính

Hy vọng của Sabeco giữa lúc thị trường bia lao dốc

Dù doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh, ban lãnh đạo Sabeco cho biết đã giành thêm thị phần nhờ kênh tiêu thụ gián tiếp. Công ty cũng đang tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí.

Dù doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh, ban lãnh đạo Sabeco cho biết đã giành thêm thị phần nhờ kênh tiêu thụ gián tiếp. Công ty cũng đang tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí.

Theo cập nhật của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI sau cuộc họp gần đây với ban lãnh đạo Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về kết quả kinh doanh quý I, việc doanh số của Sabeco giảm mạnh 45% so với cùng kỳ do 3 nguyên nhân dịch Covid-19, nghị định 100, và tin giả về quyền sở hữu của nhà đầu tư Trung Quốc.

Trong đó, nguyên nhân lớn nhất được chỉ ra là dịch bệnh tác động nặng nề đến kênh tiêu dùng tại chỗ. Ngoài ra, công ty sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn cũng đã đẩy mạnh việc bán hàng cho hệ thống phân phối trong quý IV/2019 để phục vụ mùa Tết là cao điểm tiêu thụ rượu bia.

Những điểm sáng

Dù doanh thu, lợi nhuận sụt giảm nặng nề hơn 40%, ban điều hành Sabeco nhấn mạnh vẫn giành được thêm thị phần thông qua doanh số bán hàng trong quý I nhờ sự đóng góp từ tỷ trọng kênh gián tiếp (không sử dụng bia tại chỗ) cao hơn so với toàn ngành.

Đồ họa: Việt Đức.

Song song đó, tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, tăng lên 27,6% từ mức 23,5% cùng kỳ năm trước nhờ chi phí nguyên liệu giảm (giá mạch nha giảm 4%, giá nhôm giảm 10%). Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng đi xuống khi giá xăng giảm mạnh. Bên cạnh đó, Sabeco cố gắng tăng năng suất lao động của nhân viên và cắt giảm một số chi phí hoạt động.

Ban lãnh đạo Sabeco cũng chia sẻ về triển vọng tốt hơn trong quý II từ những dấu hiệu tích cực trên thị trường trong thời gian gần đây. Công ty đánh giá kênh tiêu dùng gián tiếp sẽ là động lực chính cho tăng trưởng và vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện kênh phân phối hiện đại. Ngoài ra, Sabeco vẫn chưa phát triển trang thương mại điện tử riêng.

Theo SSI dự báo, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2020 của Sabeco có thể giảm xuống 27.960 tỷ đồng4.250 tỷ đồng. Các con số trên thấp hơn kịch bản tiêu cực nhất về kết quả kinh doanh của Sabeco năm nay được công ty chứng khoán này đưa ra hồi tháng 3.

Các chuyên gia phân tích ước tính sản lượng tiêu thụ của ông chủ Bia Sài Gòn trong nửa cuối năm giảm khoảng 15% so với cùng kỳ khi người tiêu dùng điều chỉnh hành vi để tuân thủ nghị định 100 về quy định không uống rượu bia khi lái xe. Doanh thu của kênh phân phối gián tiếp sẽ cải thiện và phần nào bù đắp cho doanh thu tại kênh tiêu thụ tại chỗ đi xuống.

Đối với kênh phân phối qua nhà hàng, báo cáo của SSI nhận thấy rằng người tiêu dùng đã quay lại với thói quen ăn uống bên ngoài nhưng nhưng lưu lượng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Vào mùa hè khi thời tiết được dự báo sẽ rất nắng nóng, số lượng người tiêu thụ bia sẽ tăng. Tuy nhiên, khi việc xử phạt theo nghị định 100 được thực hiện nghiêm ngặt, doanh thu bia tại nhà hàng sẽ chỉ đạt đến một mức độ nhất định.

Gần đây, để tăng trưởng doanh thu trong kênh gián tiếp, Sabeco đã nỗ lực cung cấp một số ưu đãi cho các nhà bán lẻ, người tiêu dùng. Giá bán bia trung bình ước tính không tăng trong năm nay. Tỷ suất lợi nhuận sẽ được duy trì, chủ yếu nhờ giá nguyên liệu giảm và các biện pháp cắt giảm chi phí.

Doanh số ngành bia có thể giảm một lần nữa

Nhìn tổng thể trên toàn thị trường ngành bia, chuyên gia của SSI cho rằng việc triển khai gắt gao các quy định xử phạt theo nghị định 100 sau một thời gian tạm hoãn vì dịch Covid-19 sẽ khiến doanh số tiêu thụ bia tại chỗ giảm một lần nữa.

Tuy nhiên, báo cáo phân tích của công ty cho rằng người tiêu dùng cuối cũng sẽ thích nghi được với quy định không lái xe sau khi uống rượu bia và tuân thủ quy định này như nhiều quốc gia khác.

Tổng sản lượng tiêu thụ bia 4 tháng đầu năm đã giảm 24% so với cùng kỳ, đạt 1,12 triệu lít theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Sản lượng tiêu thụ của Habeco giảm 56% theo thống kê của Bộ Công Thương. Sản lượng sản xuất của Sabeco có thể giảm ít hơn và tương đương với mức giảm của toàn ngành.

Hầu hết công ty bia niêm yết trên sàn chứng khoán đều ghi nhận kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý I sau cú sốc kép dịch Covid-19 và nghị định 100.

8 trong số 14 nhà máy bia phát sinh lỗ trong quý đầu tiên. Hai đại gia ngành bia là Sabeco và Habeco cùng sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận. Trong khi Sabeco có quý báo lãi thấp nhất từ năm 2016, Habeco thậm chí còn lỗ kỷ lục gần 100 tỷ đồng.

Tin mới lên