IMF bi quan về triển vọng kinh tế trung hạn, có thể tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1990

Minh Ý - 12/04/2023 09:39 (GMT+7)

(VNF) - Trong bản cập nhật triển vọng tăng trưởng toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm nhẹ dự báo GDP cho năm 2023 do lãi suất cao hơn làm giảm bớt hoạt động kinh tế, đồng thời cảnh báo bất ổn tài chính sâu sắc hơn sẽ làm giảm sản lượng xuống gần mức suy thoái.

VNF
IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới (ảnh minh họa).

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, IMF cho biết các rủi ro lây lan của hệ thống ngân hàng đã được ngăn chặn nhờ các hành động chính sách mạnh mẽ sau sự thất bại của 2 ngân hàng Mỹ và việc sáp nhập bắt buộc của Credit Suisse. Nhưng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực này đã tạo thêm bất ổn khác cho triển vọng kinh tế toàn cầu, bên cạnh tác động từ mức lạm phát cao và tác động lan tỏa từ cuộc chiến tại Ukraine.

Hạ dự báo ngắn hạn

Trong ngắn hạn, IMF dự kiến ​​​​tăng trưởng toàn cầu là 2,8% trong năm nay và 3% vào năm 2024. Cả hai dự báo cho năm 2023 và 2024 đều giảm 0,1% so với ước tính được đưa ra vào tháng 1, một phần do hoạt động yếu hơn ở một số nền kinh tế lớn hơn cũng như kỳ vọng thắt chặt tiền tệ hơn nữa để chống lạm phát dai dẳng.

IMF cho biết: “Triển vọng yếu phản ánh tác động từ các lập trường chính sách chặt chẽ nhằm giảm lạm phát, hệ quả từ sự suy giảm gần đây của các điều kiện tài chính, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và sự chia rẽ về kinh tế ngày càng tăng”.

Triển vọng của IMF về nền kinh tế Mỹ được cải thiện đôi chút, với dự báo tăng trưởng năm 2023 là 1,6% so với mức dự báo 1,4% hồi tháng 1 do thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Khu vực đồng EUR cũng được dự báo tăng trưởng 0,8%.

Tuy nhiên, Quỹ đã hạ dự báo đối với một số nền kinh tế lớn bao gồm Đức, hiện được dự báo sẽ giảm 0,1% vào năm 2023 và Nhật Bản, hiện được dự báo sẽ tăng 1,3% trong năm nay thay vì 1,8% như dự báo vào tháng 1. Vương Quốc Anh được dự báo tăng trưởng sẽ giảm 0,3%.

Theo IMF, GDP của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng 5,2% vào năm 2023 và của Ấn Độ là 5,9%. Nền kinh tế Nga, vốn đã suy giảm hơn 2% vào năm 2022, được dự báo sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

IMF đã nâng dự báo lạm phát lõi năm 2023 lên 5,1%, từ mức dự đoán 4,5% hồi tháng 1, cho biết mức này vẫn chưa đạt đỉnh ở nhiều quốc gia mặc dù giá năng lượng và lương thực thấp hơn.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas phát biểu tại một cuộc họp báo: "Chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả" để kiểm soát kỳ vọng lạm phát.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Gourinchas cũng cho biết các ngân hàng trung ương không nên ngừng cuộc chiến chống lạm phát vì những rủi ro về ổn định tài chính, có vẻ "rất khó kiểm soát".

Bác bỏ quan điểm của IMF trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng bà lạc quan hơn về triển vọng khi một số nền kinh tế thị trường tiên tiến và mới nổi đang cho thấy khả năng phục hồi.

"Tôi sẽ không lạm dụng chủ nghĩa tiêu cực về nền kinh tế toàn cầu. Tôi nghĩ rằng triển vọng tương đối tươi sáng", bà Yellen nói. 

Tác động từ cuộc khủng hoảng ngân hàng

Báo cáo mới nhất của IMF bao gồm 2 kịch bản có thể xảy ra với tăng trưởng toàn cầu trong các điều kiện tình hình tài chính tệ vừa phải hoặc rối loạn nghiêm trọng.

Trong kịch bản thứ nhất "có thể xảy ra", khi căng thẳng đối với các ngân hàng dễ bị tổn thương tạo ra một tình huống mà "các điều kiện cấp vốn cho tất cả các ngân hàng đều thắt chặt", các điều kiện tài chính này có thể làm giảm 0,3% tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023, giảm xuống còn 2,5%.

Quỹ cũng đưa ra một kịch bản suy thoái nghiêm trọng với những tác động rộng lớn hơn nhiều từ rủi ro bảng cân đối kế toán ngân hàng, dẫn đến việc cắt giảm mạnh hoạt động cho vay ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác, sự sụt giảm lớn trong chi tiêu hộ gia đình và dòng vốn đầu tư.

Trong trường hợp này, các nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu xuất khẩu giảm, đồng tiền mất giá và lạm phát bùng phát.

Kịch bản này, có 15% xác suất xảy ra, có thể làm giảm mức tăng trưởng năm 2023 tới 1,8%, giảm xuống còn 1,0%, có nghĩa là tăng trưởng GDP bình quân đầu người gần như bằng 0. Tác động tiêu cực có thể bằng khoảng 1/4 tác động suy thoái của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Các rủi ro tiêu cực khác được IMF nhấn mạnh bao gồm lạm phát cao liên tục đòi hỏi phải tăng lãi suất mạnh mẽ hơn của ngân hàng trung ương, leo thang chiến sự và những thất bại trong quá trình phục hồi của Trung Quốc sau Covid-19, bao gồm cả những khó khăn ngày càng trầm trọng trong lĩnh vực bất động sản.

Rủi ro giá dầu

Các dự báo của IMF được đưa ra chưa bao gồm động thái cắt giảm sản lượng đầy bất ngờ của OPEC+ trong thời gian gần đây, khiến giá dầu tăng đột biến. Do đó, quỹ giả định giá dầu toàn cầu trung bình năm 2023 là 73 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá dầu thô Brent kỳ hạn đã đạt mức 84 USD đầu tuần này.

Ông Gourinchas, kinh tế trưởng của IMF cho biết, cứ mỗi khi giá dầu tăng 10%, các tính toán của IMF cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 0,1% và lạm phát tăng 0,3%.

Tăng trưởng yếu trong trung hạn

IMF hiện cũng đưa ra mức tăng trưởng toàn cầu ở mức 3% vào năm 2028. IMF định kỳ đưa ra dự báo tăng trưởng GDP 5 năm tiếp theo và đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi WEO được công bố lần đầu tiên vào năm 1990, phản ánh tốc độ tăng trưởng chậm lại một cách tự nhiên khi một số nền kinh tế mới nổi trưởng thành.

“Về trung hạn, nền kinh tế thế giới hiện không được kỳ vọng sẽ quay trở lại với tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch”, quỹ này cho biết trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất.

IMF cho biết thêm rằng triển vọng tăng trưởng yếu hơn xuất phát từ việc các nền kinh tế tiến bộ như Trung Quốc và Hàn Quốc đã nâng cao mức sống của họ, cũng như tăng trưởng lực lượng lao động toàn cầu chậm hơn và sự phân mảnh địa chính trị, chẳng hạn như Brexit và chiến sự tại Ukraine.

Xem thêm >> Giám đốc IMF cảnh báo rủi ro từ cuộc khủng hoảng ngân hàng

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác