Tài chính quốc tế

Giám đốc IMF cảnh báo rủi ro từ cuộc khủng hoảng ngân hàng

(VNF) - Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với rủi ro mất ổn định tài chính vì sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng.

Giám đốc IMF cảnh báo rủi ro từ cuộc khủng hoảng ngân hàng

Giám đốc IMF Kristalina Georgieva.

Sau nhiều cảnh báo từ các nhà lãnh đạo kinh tế, ngày 26/3, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh, người đứng đầu IMF cho biết rõ ràng là rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu đã tăng lên sau sự sụp đổ gần đây của Silicon Valley Bank và việc chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian giải cứu Credit Suisse.

Người đứng đầu IMF cho biết lãi suất tăng đã gây áp lực lên các khoản nợ, dẫn đến “căng thẳng” ở các nền kinh tế hàng đầu, bao gồm cả những ngân hàng cho vay. 

“Vào thời điểm mức nợ cao hơn, quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang lãi suất cao hơn nhiều là cần thiết để chống lại lạm phát. Nhưng quá trình này chắc chắn tạo ra căng thẳng và dễ làm tổn thương, bằng chứng là những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng ở một số nền kinh tế tiên tiến”, bà Georgieva nói.

Theo bà Georgieva, các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế tiên tiến đã phản ứng dứt khoát với rủi ro ổn định tài chính sau sự sụp đổ của các ngân hàng nhưng ngay cả như vậy cũng cần phải cảnh giác.

“Vì vậy, chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến và đang đánh giá những tác động tiềm ẩn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và sự ổn định tài chính toàn cầu”, giám đốc IMF cho biết.

Những bình luận của người đứng đầu IMF được đưa ra khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết tình trạng hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng sẽ có tác động thực tế đến hoạt động kinh doanh và tăng trưởng.

Trong lần xuất hiện mới nhất, bà Kristalina Georgieva cũng cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các nền kinh tế lớn có thể dẫn tới cạnh tranh và khiến "mọi người trở nên nghèo hơn và kém an toàn hơn”.

Bà Georgieva nhắc lại quan điểm cho biết nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm nay do chi phí vay tăng, kết hợp với chiến sự ở Ukraine và "vết sẹo" từ đại dịch Covid-19 sẽ cản bước tăng trưởng. Thậm chí, tới năm 2024, khi triển vọng tăng trưởng khả quan hơn, tăng trưởng toàn cầu dự kiến được IMF đưa ra cũng là dưới mức trung bình lịch sử 3,8% và triển vọng chung vẫn yếu.

Ngoài ra, trong bài phát biểu tại Trung Quốc, giám đốc IMF cho biết sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, với mức tăng trưởng GDP dự kiến ​​là 5,2% vào năm 2023, mang lại một số hy vọng cho nền kinh tế thế giới, với Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023.

IMF ước tính rằng cứ mỗi 1% tăng trưởng GDP ở Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng 0,3% ở các nền kinh tế châu Á khác, bà Kristalina nói.

Bà cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc làm việc để nâng cao năng suất và tái cân bằng nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng dựa trên tiêu dùng bền vững hơn, bao gồm thông qua cải cách theo định hướng thị trường để tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Georgieva cho biết những cải cách như vậy có thể nâng GDP thực tế lên tới 2,5% vào năm 2027 và khoảng 18% vào năm 2037.

Bà cho biết việc tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu về khí hậu, vì chuyển sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng, giảm khí thải và giảm bớt áp lực an ninh năng lượng. Thông qua đó, Bắc Kinh thể giảm 15% lượng khí thải carbon dioxide trong 30 năm tới, dẫn đến lượng khí thải toàn cầu giảm 4,5% so với cùng kỳ.

Xem thêm >> Trung Quốc - 'Hầm trú ẩn an toàn' trong rủi ro ngân hàng toàn cầu

Tin mới lên