'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tỷ phú Jim Simons đã qua đời vào ngày 10/5 tại nhà riêng ở Manhattan, Mỹ. Mặc dù thông tin này đã được xác nhận bởi người phát ngôn của ông - Jonathan Gasthalter, song đến nay, nguyên nhân cái chết vẫn không được tiết lộ.
Nổi tiếng là một trong những nhà đầu tư thành công nhất ở Phố Wall, ông Simon trong quá khứ đã từ bỏ sự nghiệp học thuật xuất sắc của mình để lao vào tài chính, một lĩnh vực được coi là trang giấy trắng đối với bản thân ông.
Tuy bắt đầu muộn hơn so với những người đúng ngành, nhưng bằng trí thông minh thiên tài kết hợp với thành tích toán học xuất sắc của mình, ông. Simons đã nhanh chóng trở thành một huyền thoại trong giới đầu tư nhờ tìm ra cách kiếm được nhiều tiền trong thời gian ngắn.
Ông Jim Simons, tên đầy đủ là James Harris Simons sinh ngày 25/04/1938 tại Massachusetts, Mỹ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông Simons đã bộc lộ khả năng toán học hơn người và được đánh giá là một thần đồng toán học. Ông được đào tạo cử nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts và sau đó thành công nhận bằng tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley khi chỉ mới 23 tuổi.
Năm 1964, ông Simons giảng dạy tại MIT và Đại học Harvard, đồng thời làm việc tại Viện Phân tích Quốc phòng, một nhóm phi lợi nhuận được liên bang tài trợ.
Trong thập kỷ tiếp theo, ông chuyển sang dạy toán tại Đại học Stony Brook ở Long Island, và trở thành trưởng khoa toán của trường nhờ kiến thức sâu rộng của mình. Trong thời gian điều hành khoa, ông đã giành được giải thưởng cao nhất quốc gia về hình học vào năm 1975.
Đến năm 1978, ở tuổi 40, ông quyết định từ bỏ hoàn toàn sự nghiệp học thuật của mình và thành lập Monemetrics, một công ty đầu tư với văn phòng đặt tại một trung tâm mua sắm nhỏ ở Setauket, thuộc Bờ Bắc của Long Island. Từ đây, ông bắt đầu chứng minh rằng giao dịch hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu và trái phiếu gần như có thể dự đoán được nhờ những phép tính.
Mặc dù trong quá khứ chưa từng trải qua bất kỳ một khoá học tài chính nào và cũng chưa từng thể hiện sự quan tâm đến thị trường, song ông Simons lại khiến những người xung quanh phải ngạc nhiên về tốc độ tiếp thu cùng khả năng phân tích thiên tài.
Nhận thấy mối tương quan giữa hai lĩnh vực, ông Simons đã quyết định thành lập một nhóm nhỏ gồm các nhà toán học, nhà vật lý và nhà thống kê - đa số là đồng nghiệp cũ ở trường đại học, giúp xác định xu hướng thị trường và thực hiện các giao dịch có lợi nhuận.
Từ chối các nhà phân tích tài chính và sinh viên tốt nghiệp trường kinh doanh, ông Simons đã thuê các nhà toán học và nhà khoa học có cùng chí hướng cùng làm việc với mình. Thời điểm này, ông Simons đã trang bị cho các đồng nghiệp những chiếc máy tính tiên tiến để xử lý hàng loạt dữ liệu được lọc thông qua các mô hình toán học.
Trải qua 4 năm thăng trầm, Monemetrics được đổi tên thành Renaissance Technologies. Ông Simons và đội ngũ cựu học giả ngày càng đông tiếp tục tập trung vào tiền tệ và hàng hóa. Vận may chỉ thực sự đến vào thời điểm Renaissance lao vào thị trường chứng khoán, một thị trường lớn hơn nhiều so với tiền tệ và hàng hóa.
Ban đầu, phương pháp của ông Simons đã dẫn đến không ít sai lầm đắt giá, khiến ông buộc phải bán bớt các khoản đầu tư của mình và bỏ lỡ khoản lợi nhuận tiềm năng trước mắt. Thế nhưng, đa phần các thương vụ sau này của ông Simons đều thành công.
Năm 2010, ông Simons quyết định rời khỏi vị trí giám đốc điều hành và tiếp tục giám sát quỹ với tư cách chủ tịch. Thời điểm đó, khối tài sản của ông được ghi nhận đạt 11 tỷ USD.
Quỹ Medallion, quỹ lớn nhất trong số 4 quỹ thuộc Renaissance Technologies, đã kiếm được hơn 100 tỷ USD lợi nhuận giao dịch trong vòng 30 năm, tình từ sau khi thành lập vào năm 1988. Trong khoảng thời gian này, mức lợi nhuận quỹ Medallion đem về rơi vào khoảng 66%/năm.
Kết quả dài hạn này thậm chí còn được đánh giá là tốt hơn nhiều so với những gì các nhà đầu tư nổi tiếng như Warren Buffett và George Soros đạt được.
“Không ai trong giới đầu tư có thể đạt được kết quả như vậy” là nhận định của Gregory Zuckerman, tác giả của cuốn tiểu sử viết về Jim Simons mang tên “Người giải mã thị trường tài chính”.
Đến năm 2020, cách tiếp cận thị trường của ông Simons chiếm gần 1/3 hoạt động giao dịch ở Phố Wall. Ngay cả các công ty đầu tư truyền thống thường dựa dẫm vào nghiên cứu nội bộ của công ty, kết hợp với bản năng và các mối quan hệ cá nhân, cũng cảm thấy buộc phải áp dụng một số phương pháp tính toán của ông Simons.
Kể từ khi thành lập, các quỹ thuộc Renaissance được đánh giá là quỹ định lượng lớn nhất tại Phố Wall. Cũng chính nhờ sự thành công của Renaissance nói chung và Medallion nói riêng mà ông Simons đã được mệnh danh là “nhà quản lý tiền giỏi nhất thế giới”.
Quỹ định lượng là quỹ đầu tư sử dụng các mô hình toán học phức tạp kết hợp với phân tích dữ liệu để xác định các cơ hội giao dịch tiềm năng, từ đó đưa ra các quyết định giao dịch.
Trên cương vị chủ tịch, ông Simons đã dành hầu hết thời gian và của cải của mình để làm từ thiện. Quỹ Simons nhờ đó đã trở thành một trong những đơn vị thiện tâm của tư nhân lớn nhất trong ngành nghiên cứu khoa học cơ bản.
Năm 2011, quỹ của Simons đã trao tặng 150 triệu USD cho Đại học Stony Brook, phần lớn số tiền này được trích ra cho nghiên cứu khoa học y tế. Đây là món quá lớn nhất Stony Brook từng nhận được trong lịch sử vào thời điểm này.
Năm 2023, quỹ đã tự vượt qua kỷ lục của bản thân với khoản quyên góp lên tới 500 triệu USD cho Stony Brook và tiếp tục được ca ngợi là món quà lớn nhất dành cho một tổ chức giáo dục đại học trong lịch sử Mỹ.
Nhờ thành công của quỹ đầu tư, khối tài sản của Jim Simons cũng được nâng lên mức 23,5 tỷ USD vào năm 2020, giúp ông ghi tên mình vào top 30 tỷ phú người Mỹ giàu nhất Forbes lúc bấy giờ.
Sau khi trở nên giàu có, ông Simons đã không tiếc xuống tiền mua những tài sản đắt đỏ, chẳng hạn như chiếc du thuyền dài 220 foot (hơn 67.000m) với giá 100 triệu USD, căn hộ ở Đại lộ số 5 Manhattan, khu đất rộng 14 mẫu Anh (hơn 56.000m2) ở Đông Setauket nhìn ra Long Island Sound…
Tuy thành công nhanh chóng trên con đường công danh, song đời tư của tỷ phú Simons cũng có những nốt trầm xoay quanh gia đình và con cái.
Ông từng trải qua 2 đời vợ và có tổng cộng 5 đứa con. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông là với nhà khoa học Barbara Bluestein, người đã sinh cho ông ba người con lần lượt là Elizabeth, Nathaniel và Paul.
Sau khi ly hôn với người vợ thứ nhất, ông tái hôn với bà Marilyn Hawrys, một nhà kinh tế và cựu sinh viên Stony Brook. Họ có với nhau hai đứa con con là Nicholas và Audrey.
2 trong số 5 đứa con đã qua đời vì những tai nạn bất ngờ. Paul Simons, 34 tuổi, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe đạp năm 1996, và Nicholas Simons, 24 tuổi, thì chết đuối ở Bali, Indonesia vào năm 2003.
“Cuộc đời tôi hoặc là vinh quang, hoặc là đổ nát”, ông Simons từng than thở khi hồi tưởng về cái chết của các con mình.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.