Khai phá giá trị doanh nghiệp từ M&A

Văn Giáp - 03/02/2022 09:11 (GMT+7)

Các hoạt động M&A và thoái vốn chiến lược được cho là sẽ hồi phục khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Điều này giúp tái định giá lại và khai phá giá trị các công ty trong nước.

VNF
Khai phá giá trị doanh nghiệp từ M&A

Động lực thúc đẩy hoạt động M&A

Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) tin rằng, Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn vào năm 2022 nhờ được bảo vệ nhờ miễn dịch cộng đồng, việc di chuyển khả năng sẽ trở lại bình thường.

Do đó các kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A), mua bán cổ phần chiến lược và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được tiếp tục và thậm chí còn được đẩy nhanh. Điều này sẽ giúp thu hút các quỹ nước ngoài vào Việt Nam và về cơ bản sẽ giúp khai phá giá trị của các công ty Việt Nam.

Theo MBKE, các hoạt động M&A sẽ giúp Việt Nam phục hồi trong 5 năm tới, phản ánh tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng, dẫn dắt bởi các đặc điểm nhân khẩu hấp dẫn và vị thế tăng lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Viện nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập – CMAC Institute dự báo giá trị M&A có thể phục hồi lên 7 tỷ USD trong năm 2022, gấp đôi giá trị năm 2020 và 2021.

Các động lực thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong 5 năm sắp tới bao gồm: thị trường tiêu thụ lớn và đang mở rộng (gần 100 triệu người), phản ánh tiềm năng tăng trưởng các ngành chủ chốt như bán lẻ, dịch vụ nhà hàng và quầy uống (F&B), dịch vụ tài chính, bất động sản, vận tải, y tế và giáo dục, nhu cầu vốn và chuyên môn của các công ty trong nước trong giai đoạn đang phát triển.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã qua giai đoạn hoàn thiện nền tảng từ năm 2000-2010 và giai đoạn tái cấu trúc, từ năm 2011-2018. Hiện tại, Việt Nam đang củng cố nền tảng kinh doanh và phát triển chiến lược phát triển rõ ràng hơn cho chu kỳ tiếp theo. Nhu cầu về vốn và chuyên môn, đặc biệt trong việc xây dựng mạng lưới và kỹ thuật số hoá được chú trọng.

Điều này mở ra các cơ hội M&A trong các ngành như bán lẻ, dịch vụ tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán; công nghiệp và vận tải. Bên cạnh đó còn giúp đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Hiện tại đang có 93 doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch IPO và 209 doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch thoái vốn, bao gồm những doanh nghiệp lớn trong ngành ngân hàng, viễn thông, bán lẻ, dịch vụ và vận tải.

Quá trình cổ phần hóa đang bị trì trệ đáng kể trong giai đoạn 2018 đến nửa đầu 2021, do nhiều yếu tố như: những rào cản về pháp lý hạn chế quyền sở hữu nước ngoài và quyền sử dụng đất dẫn đến trì trệ hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn trong các ngành đặc thù; dịch Covid- 19 cũng dẫn đến trì hoãn trong việc khảo sát...

MBKE hy vọng khi dịch Covid-19 được đẩy lùi vào năm 2022, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các rào cản pháp lý để đẩy nhanh bước cuối quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu chính nhằm tăng hiệu suất toàn bộ kinh tế.

Việc đẩy nhanh tiến độ và thành công hoàn thành quá trình M&A, bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), chiến lược thoái vốn và kế hoạch cổ phần hoá sẽ thành công cải thiện định giá các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến thúc đẩy thị hiếu và tái định giá các doanh nghiệp này.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng -VPBank (mã chứng khoán: VPB) với thương vụ thoái vốn Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FECredit) tháng 4 năm 2021 và Công ty cổ phần Tập đoàn Masan - Masan (mã chứng khoán: MSN) với việc bán Crown-X cho tập đoàn S.K Group và Alibaba là các dẫn chứng cho nhận định này.

Kỳ vọng “bom tấn” thoái vốn

Trong năm 2022, giới phân tích kỳ vọng tích cực với các thương vụ của một số công ty đã lên sàn như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã chứng khoán: VPB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Maritime Bank (mã chứng khoán: MSB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã chứng khoán: VCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã chứng khoán: BID), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: STB).

Ngoài các ngân hàng trên, những công ty đầu ngành cũng có kế hoạch thoái vốn, IPO, mua bán sáp nhập trong năm nay như: Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN), Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) và Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC).

Trong tháng 4 năm 2021, VPBank thành công thoái vốn 49% mảng dịch vụ tài chính tiêu dùng cho Sumitomo Mitsuibishi với tổng định giá đạt 2,8 tỷ USD.

Theo phát biểu của ban lãnh đạo ngân hàng trong hội nghị cổ đông, ngân hàng dự kiến sẽ bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, kỳ vọng sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2022.

Đối với Maritime Bank, theo kế hoạch của ban lãnh đạo, ngân hàng đang đàm phán với các đối tác nước ngoài và chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, để thoái vốn 100% cổ phần tín dụng tiêu dùng, cụ thể là Công ty TNHH Một thành viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc thoái vốn sẽ thu về 1,8-2 nghìn tỷ.

Đối với Vietcombank, ngân hàng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 7% cổ phần từ 2020, nhưng do dịch Covid-19, kế hoạch đã bị trì hoãn. Trong cuộc họp với các chuyên gia phân tích trong quý IV/2021, ban lãnh đạo ngân hàng này dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ phát hành riêng lẻ trong đầu năm 2022 và hoàn thành sớm nhất có thể vào giữa năm 2022.

Với BIDV, đây là ngân hàng niêm yết lớn thứ 4, đồng thời là ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước sở hữu 81% cổ phần, KEB Hana Bank sở hữu 15% cổ phần, và tỉ lệ cổ phiếu tự do đạt 4%. Với hệ số an toàn vốn (CAR) thấp, đạt 9%, ngân hàng này dự kiến sẽ cải thiện vốn trong năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do dịch Covid-19 kéo dài.

Kế hoạch phát hành 341,5 triệu cổ phiếu mới, xấp xỉ 8,5% cổ phần cùng với nợ xấu và tỉ lệ khả năng thanh toán được cải thiện, ngân hàng này được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2022.

Đối với Sacombank (mã chứng khoán: STB), ngân hàng này từng đứng đầu trong các ngân hàng tư nhân ở Việt Nam về quy mô, thị phần, dịch vụ ngân hàng bán lẻ và SME banking (dịch vụ dịch vụ tài chính tín dụng chuyên biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa) lớn mạnh.

Việc sát nhập vào Southern Bank vào năm 2015 gây ra khủng hoảng về lãnh đạo và hệ quả nợ xấu, tương đương thêm 30% dư nợ. Ngân hàng Nhà nước chiếm quyền sở hữu lớn hơn trong quá trình tái cấu trúc. Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến đấu giá 33% cổ phần Sacombank.

Đối với Techcombank (mã chứng khoán: TCB), ngân hàng này có công ty con là Techcombank Securities (TCBS), đây là cánh tay đắc lực của Techcombank trong việc phát triển mảng trái phiếu, đóng góp 40% giá trị trái phiếu trong 2020. Tiềm năng IPO TBCS sẽ là sự kiện giúp thị trường nhận ra giá trị công ty cũng như giúp tái định giá Techcombank, khi ngân hàng này sở hữu 89% TCBS.

Ban lãnh đạo của TCBS dự kiến sẽ tiến hành IPO vào đầu năm 2023, với tham vọng phát triển TCBS thành công ty mạnh trong vùng về công nghệ quản lý tài sản, với mục tiêu định giá đạt 5 tỷ USD.

Ngoài các ngân hàng, hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành cũng có kế hoạch thoái vốn, IPO và các hoạt động M&A trong năm nay.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan - Masan Group (mã chứng khoán: MSN) có tham vọng phát triển nền tảng bán lẻ, CrownX thành kênh dịch vụ tiêu dùng tích hợp ở Việt Nam, dựa trên nền tảng dịch vụ nhà hàng và quầy uống (F&B), hệ thống bán lẻ (chuyển nhượng sở hữu Vincommerce từ Vingroup), đối tác với Techcombank, và tiềm năng M&A các thương hiệu tiêu dùng khác.

Đến nay, Masan Group đã thuyết phục thành công SK Group (Hàn Quốc) và Alibaba (Trung Quốc ) làm đối tác chiến lược. Masan Group có kế hoạch sẽ có thêm đối tác chiến lược khác với CrownX, với cổ phần 10%.

Bên cạnh đó, Masan Group cũng có dự kiến các hoạt động M&A trong kế hoạch, việc này sẽ tạo nên các câu chuyện mới cho Masan Group.

Với Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) dự kiến bắt đầu kế hoạch IPO Vinfast trong năm 2022. MBKE kỳ vọng sự phát triển của niêm yết SPAC (hình thức niêm yết cửa sau) trên sàn Singapore trong đầu năm 2022 và IPO tại Mỹ cuối năm 2022. Tập đoàn Vingroup cũng kỳ vọng Vinfast sẽ được niêm yết với giá trị tương đương các doanh nghiệp xe điện khác trên thế giới.

Hiện tại dự báo IPO Vinfast sẽ vào khoảng 5-10% cổ phần và định giá có thể dao động trong khoảng 25-30 tỷ USD. Lưu ý rằng vốn hoá của Tập đoàn Vingroup (sở hữu trực tiếp 52% Vinfast) đang ở mức 17 tỷ USD.

Ngoài ra năm 2022, nhà nước dự kiến tiếp tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp đầu ngành như: Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH), hay Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (mã chứng khoán: VEA)…

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác