Khai thác tiềm năng tỷ USD theo sông nước TP. HCM

Trần Lê - 11/02/2024 15:07 (GMT+7)

(VNF) - Nằm ở vùng hạ lưu hệ thống sông Ðồng Nai – Sài Gòn, TP. HCM có sông nước bao quanh với tổng diện tích mặt nước lên đến 35.500ha. Hệ thống sông ở đây không chỉ kết nối với các tỉnh, thành khác mà còn hướng biển, tạo nên tính chất cởi mở về văn hóa, đồng thời mở ra các tiềm năng kinh tế mạnh mẽ cho TP. HCM.

VNF
Ảnh minh hoạ

Tiềm năng hàng tỷ USD

Chỉ tính riêng sông Sài Gòn đã có tổng chiều dài khoảng 256km khi chảy qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP. HCM. Đoạn sông Sài Gòn qua TP. HCM có chiều dài khoảng 80km, bề rộng 225 - 370 m, độ sâu tối đa khoảng 20m, diện tích lưu vực hơn 5.000km².

Theo hướng Bắc-Nam, sông Sài Gòn chảy qua địa bàn hai huyện, năm quận và TP. Thủ Đức. Trong khi đó, sông Ðồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, hiện là nguồn nước ngọt chính của thành phố. Còn sông Nhà Bè, hình thành ở nơi hợp lưu hai sông Đồng Nai và Sài Gòn, chảy ra Biển Đông bởi hai ngả chính là Soài Rạp và Gành Rái. Trong đó, ngả Gành Rái chính là đường thuỷ chính cho tàu ra vào bến cảng Sài Gòn.

Ngoài các con sông chính, TP. HCM còn có một hệ thống kênh rạch chằng chịt là: Láng The, Bàu Nông, Rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hủ, Kênh Ðôi …

Hệ thống sông ngòi, kênh, rạch của thành phố được nhìn nhận là có nhiều tiềm năng khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Hiểu rõ điều đó, UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch số 3793 về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP. HCM giai đoạn 2023 – 2025 và văn bản về việc triển khai đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP. HCM năm 2023 – 2024.

Chính quyền TP. HCM cũng mong muốn xây dựng tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn từ khu vực trung tâm đến huyện Củ Chi nhằm khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn. Khu vực bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Về tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 80km để kết nối vùng Đông Nam Bộ, trước mắt TP. HCM sẽ nghiên cứu đoạn từ cầu Ba Son tới Bình Triệu, dài khoảng 4km, rộng 30m, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, thu hút các nguồn lực làm đường ven sông Sài Gòn, tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc - Nam thành phố, đồng thời tạo cú hích cho giao thông đường thủy.

TP. HCM xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông gồm: giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, du thuyền, thể thao; các hệ sinh thái dịch vụ, kinh tế sáng tạo...

Hàng trăm loại hình dịch vụ có thể khai thác

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TP. HCM, phân tích một trong những điều đặc biệt của TP. HCM là tính chất sông nước. Hệ thống sông không chỉ kết nối các tỉnh, thành mà còn hướng biển, tạo nên tính chất cởi mở về văn hóa và quyết định tiềm năng kinh tế của TP. HCM.

Vì có hệ thống kênh rạch, sông ngòi rộng lớn nên phát triển kinh tế ven sông ở TP. HCM không chỉ dừng lại kết nối đến tỉnh Bình Dương, Biên Hòa mà mở rộng đến Tây Ninh, vùng Tây Nguyên. Để việc phát triển ven sông bền vững, cần phải chú trọng phát triển mặt sông, tạo hệ sinh thái cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan 2 bờ sông.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, lưu ý muốn phát triển đường thủy, trước hết phải cải tạo được hệ thống sông, kênh, rạch, phải làm đồng bộ cả dưới nước và trên bờ; phải đầu tư bài bản các điểm nhấn cảnh quan kiến trúc 2 bên bờ, xây dựng các điểm tham quan, dịch vụ, khu vui chơi tại các bến thuyền để thu hút hành khách đi tàu; cần quy hoạch giao thông thủy trong tổng thể giao thông của TP. HCM, trong đó có kết nối hiệu quả với giao thông bộ và phương tiện giao thông công cộng trên mặt đất. Trong tương lai, khi xây cầu, thành phố luôn phải tính tới tĩnh không, phương án kiến trúc và thắp sáng để mỗi cây cầu trở thành điểm nhấn trên sông nước.

Ông Mỹ dẫn chứng, có thể học ngay nước láng giềng Thái Lan. Khúc sông Chao Phraya có khoảng 21km chạy qua trung tâm thủ đô Bangkok, 2 bờ sông có 34 bến, cứ vài trăm mét lại có 1 bến, mỗi bến là những danh lam thắng cảnh và khu dịch vụ hấp dẫn, phong phú. TP. Thượng Hải đầu tư hệ thống đèn trang trí cực kỳ đẹp mắt để phục vụ du lịch đường thủy về đêm. Ở Singapore, với sông nhỏ giống như kênh Nhiêu Lộc, họ tổ chức tàu nhỏ chở khách, 2 bên là phố đi bộ sầm uất, cứ vài trăm mét là có chỗ cập bến, khách lên bến được thụ hưởng dịch vụ đa dạng, hấp dẫn… Trong khi ở TP. HCM, cả tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè không có bến nào để cập, chỉ có đầu bến và cuối bến.

Theo nhà đầu tư tuyến buýt sông ở TP. HCM, mọi sản phẩm du lịch hay phương tiện giao thông ở dưới sông, kênh, rạch là “phần mềm”; còn “phần cứng” là cảng bến, kết nối giao thông, cảnh quan. Khi làm tốt “phần cứng” thì “phần mềm” tự khắc phát triển. Việc đầu tư cảng bến cũng là để phục vụ người dân thành phố. Mỗi cảng bến, ngoài công năng đón khách còn là khu dịch vụ, cảnh quan, nơi hội tụ cộng đồng.

Theo ông Trần Văn Mười, Giám đốc Công ty TNHH Nhà đất Nhân Mười, thành phố không chỉ phát triển về đường sông mà còn tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm du thuyền, nhà hàng, taxi đường sông và nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Vì vậy, thành phố cần hoạch định những tuyến đường ven sông để khi khách tới với TP. HCM có thể đi ven sông, ngắm nhìn được giá trị của hệ thống sông ngòi thành phố, đồng thời kết nối thuận tiện với bến thủy nội địa.

Phát triển du lịch sông nước

Hiện TP. HCM có 101 tuyến giao thông thuỷ với 913km, kết nối sông Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu, Soài Rạp. Theo thống kê của Sở Du lịch TP. HCM, thành phố có 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 ca nô, tàu gỗ nhỏ. Số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2023 là khoảng 500 ngàn lượt khách/năm. Dự kiến, doanh thu du lịch đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Về hạ tầng phục vụ hành khách, có 73/230 cảng, bến tàu phục vụ hoạt động du lịch như bến Bạch Đằng, cầu tàu số 1 phục vụ tàu về Bình Quới, Thanh Đa kết nối T.P Thủ Đức, đi Bà Rịa - Vũng Tàu bằng tuyến tàu cao tốc... Theo kế hoạch, Sở Du lịch TP. HCM sẽ đưa thêm ba tuyến du lịch mới vào hoạt động là tuyến ngắn dưới 10km, Bạch Đằng đi Thanh Đa kết hợp ẩm thực về đêm. Tuyến tầm trung khai thác tuyến đi Cần Giờ, Vàm Sát, Đầm Dơi, khu Thiềng Liềng; Bạch Đằng đi Củ Chi gắn với Bến Đình, địa đạo Củ Chi. Tuyến tầm xa kết nối về Long An, Tiền Giang, Bến Tre, sang Campuchia.... Đây được đánh giá 1 trong 10 tuyến giao thông đường thủy đặc sắc của thế giới.

Để phát triển du lịch, Sở Du lịch TP. HCM đã xây dựng ba nhóm sản phẩm du lịch chủ lực từ nay đến năm 2025. Nhóm thứ nhất là du lịch đường thủy, du lịch giải trí, hoạt động về đêm, du lịch sự kiện - lễ hội. Nhóm thứ hai là nhóm sản phẩm chính tham quan di tích, văn hóa, du lịch MICE, ẩm thực, mua sắm. Nhóm ba là sản phẩm bổ trợ, sinh thái, y tế, cộng đồng…

Theo kế hoạch của UBND TP. HCM, phát triển du lịch đường thủy sẽ gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng chi tiêu, kéo dài lưu trú của du khách. Hiện TP. HCM đang tận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng du lịch. TP. HCM cũng đã xác định để phát triển du lịch đường sông cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp và người dân, tổ chức xúc tiến du lịch đường thủy....

Cùng chuyên mục
Tin khác