Thị trường

Khó khăn bủa vây dệt may Việt Nam

Các thị trường truyền thống đồng loạt giảm cầu, Trung Quốc mở cửa thị trường, các quốc gia cạnh tranh đang trỗi dậy mạnh mẽ đang là những khó khăn bủa vây dệt may Việt Nam.

Khó khăn bủa vây dệt may Việt Nam

Dệt may Việt Nam được dự báo gặp nhiều khó khăn.

Đồng loạt giảm cầu ở nhiều thị trường

Nhiều chuyên gia nhận định 2023 sẽ là một năm thật sự khó khăn khi hầu hết các dự báo về kinh tế thế giới, thị trường tài chính, tiền tệ đều có xu hướng tiêu cực. Đặc biệt, đối với ngành dệt may, dự báo tổng cầu thế giới 2023 sẽ chỉ tăng trưởng từ 2,5-4%, một tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với các năm trước. Các thị trường xuất khẩu (XK) chính của dệt may Việt Nam cũng có xu hướng giảm, đặc biệt hai thị trường chính là EU và Trung Quốc.

Kim ngạch XK dệt may của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 2,6 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ, trong đó XK sợi đạt 225 triệu USD, giảm 52% cùng kỳ 2021, XK hàng may mặc đạt 2,39 tỷ USD, giảm 36% cùng kỳ. Một số thị trường XK chủ lực của Việt Nam cũng đều có xu hướng giảm như thị trường Mỹ giảm đến 46% so với cùng kỳ; thị trường EU lần đầu chứng kiến sự sụt giảm đến 25%; thị trường Trung Quốc giảm 54%; thị trường Nhật Bản giảm 17% …

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 1/2023 mặc dù tăng 6,4% so với cùng kỳ, nhóm cửa hàng bách hóa tăng 17,5% nhưng mặt hàng quần áo chỉ tăng trưởng 2,5%. Điều này cho thấy tồn kho mặt hàng dệt may tại thị trường này còn lớn. Với EU, mặc dù chính sách tiền tệ thắt chặt bắt đầu có tác dụng, nhưng với việc lạm phát “hạ nhiệt” nhanh có thể có rủi ro về cầu đang suy yếu và giá sẽ giảm. Đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia XK dệt may.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá khi Trung Quốc thực hiện chính sách “zero COVID”, nhiều quốc gia đang phát triển có thể hưởng lợi khi chuỗi cung ứng dịch chuyển. Tuy nhiên, với việc mở cửa của thị trường này, hàng triệu lao động trong các ngành nghề bắt đầu quay trở lại và tham gia chuỗi cung ứng, giá các đơn hàng có xu hướng xấu đi do Trung Quốc có lợi thế rất lớn về nguồn lao động và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, nhất là khi dệt may Trung Quốc đang đứng đầu thế giới.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng nhận định, thị trường thế giới chưa có tín hiệu rõ ràng của phục hồi và còn nhiều diễn biến trái chiều. Trong khi đó, Trung Quốc quay trở sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến nhưng nhu cầu trên thế giới vẫn chưa phục hồi, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa; cùng với đó, Ấn Độ quyết tâm phục hồi bằng nhiều chính sách hỗ trợ dệt may sau 1 năm thất bát; Bangladesh trên đà khẳng định lợi thế cạnh tranh trong ngành may khi là quốc gia duy nhất tiếp tục tăng trưởng trong quý IV/2022 vừa qua. Do đó, dệt may Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức lớn trước mắt và cả trong năm 2023.

Cân nhắc các chương trình đầu tư

Theo số liệu báo cáo, trong những tháng đầu năm 2023, dệt may Việt Nam vẫn khá thiếu đơn hàng. Ví dụ, với ngành may, đa số các đơn vị mới có đơn hàng hết tháng 2/2023; đơn hàng các tháng sau rất thấp tải; đơn hàng có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn; giá gia công giảm và cạnh tranh cao. Nhu cầu về sợi sẽ tăng, nhưng giá chỉ cải thiện sau khoảng 3 tháng tới khi cơ bản hết tồn kho. Dự báo các đơn hàng ngành may sẽ phục hồi vào quý II/2023, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc May 10, cho rằng năm 2023 không nằm ngoài xu hướng khó khăn của thị trường. May 10 đã lên kế hoạch và đưa ra chiến lược: “Phòng thủ chắc - Bảo toàn lực lượng - Thắt lưng buộc bụng”. Riêng đối với thị trường, May 10 đưa ra chiến lược “chọn việc khó” nhằm đưa ra các giải pháp và mục tiêu công việc cho từng cá nhân, từ vị trí tổng giám đốc cho tới các phòng/ban để đảm bảo việc làm cho năm 2023.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường khuyến nghị các đơn vị trong hệ thống tiếp tục duy trì, kiểm soát dòng tiền, vốn lưu động trong 6 tháng đầu năm, tiết kiệm nguồn lực để giảm khoản vay ngân hàng. Đáng chú ý, ông Trường lưu ý, doanh nghiệp dệt may cần cân nhắc các chương trình đầu tư dự kiến của 6 tháng đầu năm; chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong 4 tháng đầu năm, đảm bảo việc làm là mục tiêu ưu tiên, cũng như kiểm soát những khoản chi phí không cấp bách…

3 kịch bản tăng trưởng năm 2023 của dệt may

Trước những diễn biến khó lường của thị trường, Vinatex đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng của dệt may Việt Nam. Ở kịch bản thứ nhất, Vinatex dự đoán trong điều kiện diễn biến xấu, kinh tế thế giới đi vào suy thoái, kim ngạch XK năm 2023 có thể còn thấp hơn năm 2022, khoảng 5%.

Với mức kịch bản tốt hơn, Vinatex cho biết, nếu đến quý III/2023, các yếu tố bất định về giảm lạm phát, lãi suất vẫn chưa đứng lại hay giảm xuống thì có khả năng kim ngạch XK sẽ duy trì ngang với năm 2022 (tăng trưởng 8,8%). Kịch bản tốt nhất xảy ra nếu đến hết quý II/2023, kinh tế thế giới về cơ bản ổn định mặt vĩ mô, xung đột địa chính trị cũng kết thúc. Khi đó ngành dệt may sẽ có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4-5% so với năm 2022, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Tin mới lên