Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Cổ đông nhiều ngân hàng sắp được nhận cổ tức bằng cổ phiếu
Trong năm 2023, có hơn 20 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ.
Năm 2024, các ngân hàng tiếp tục được khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, làm dày bộ đệm vốn. Cổ phiếu ngân hàng cũng được dự đoán sẽ hút dòng tiền nhờ triển vọng khả quan.
Ngay từ đầu năm 2024, nhiều ngân hàng rục rịch thực hiện kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Nhiều ngân hàng đã công bố nội dung họp ĐHCĐ hoặc phân phối lợi nhuận, trong đó có phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán CTG) vừa công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Theo đó, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến số tiền sẽ chia gần 11.648 tỷ đồng.
Trong năm 2023, VietinBank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 53.700 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020. Tại hội nghị ngân hàng đầu năm nay, lãnh đạo của VietinBank kiến nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán VCB) cũng đã công bố kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024 vào ngày 26/4. Hội nghị dự kiến sẽ phê duyệt các báo cáo như thường lệ và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023.
Trước đó, ĐHCĐ năm 2023 của Vietcombank đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế của năm 2022 là hơn 21.000 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, Vietcombank cũng đã hoàn thành tăng vốn từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%, đưa vốn điều lệ lên gần 56.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (mã chứng khoán PGB) đã chốt danh sách cổ đông để thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10:4 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 4 cổ phiếu mới). Tổng số lượng cổ phiếu PGB được phát hành là 120 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo báo cáo tài chính của ngân hàng năm 2022.
Hay Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - mã chứng khoán BAB) cuối tháng 1 vừa qua đã hoàn tất việc chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 75 cổ phiếu mới). Theo kế hoạch, Bac A Bank phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 625 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế năm 2022 của Bac A Bank, đưa vốn điều lệ của Bac A Bank tăng từ 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - mã chứng khoán SGB) vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
ĐHCĐ 2023 của SaigonBank cũng đã thông qua việc trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Cụ thể, SaigonBank dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.
Bên cạnh các ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu, một số ngân hàng đã và đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt như VIB, Techcombank, VPBank...
Chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn
Đối với cổ đông, việc chia cổ tức bằng tiền mặt là niềm vui trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động thất thường. Hơn nữa, chia cổ tức bằng tiền mặt đồng nghĩa với việc khoản đầu tư bấy lâu nay đã mang được về "tiền tươi thóc thật".
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng được khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, giúp làm dày bộ đệm vốn của ngân hàng, nâng cao năng lực tài chính trước những rủi ro trong tương lai.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lớn, việc gia cố nền tảng vốn của hệ thống ngân hàng đặc biệt quan trọng. Đây cũng là chủ trương của NHNN.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của VietinBank, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu trong năm 2024.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng nên tiếp tục có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu xen kẽ cùng tiền mặt để tăng khả năng đáp ứng vốn cũng như năng lực tài chính.
Phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn đang phải gia tăng “bộ đệm vốn” nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II và các chuẩn cao hơn nữa.
Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các nhà băng trong nhiều năm lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắc khe hơn của ngành ngân hàng về an toàn hoạt động, tăng cường hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đồng thời có thêm nguồn lực tài chính quan trọng để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu dường như được các nhà băng ưu tiên lựa chọn nhằm có thêm nguồn lực gia tăng vốn điều lệ. Bởi dù "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song nhìn chung vẫn đang mỏng vốn, CAR thấp hơn nhiều so với khu vực.
Hơn nữa, đang có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ CAR giữa nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân là do khác với khối tư nhân, việc tăng vốn điều lệ nằm ngoài khả năng tự chủ của các ngân hàng thương mại nhà nước. Tốc độ tăng vốn điều lệ chậm hơn tăng trưởng tài sản trong nhiều năm khiến tỷ lệ an toàn vốn của những nhà băng này thấp hơn so với mặt bằng chung và cận kề ngưỡng tối thiểu.
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực đã áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, trong khi các ngân hàng của Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho hay, các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng trên thế giới ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Sau Basel III, Basel 3,5 đang hình thành và Basel IV đang được nghiên cứu.
Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings nhận định, tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây của Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn vốn. Fitch Ratings nhận định hệ thống ngân hàng Việt Nam cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì CAR ở mức 10%.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.