‘Khởi nghiệp không phải chuyện cứ muốn là làm!’

Anh Phan - 17/02/2021 06:22 (GMT+7)

(VNF) - Là thành viên trong Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiêp quốc gia, bà Lê Thị Thanh Lâm - Nguyên Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food từng có nhiều năm đồng hành với các chương trình khởi nghiệp, ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên. Chia sẻ với VietnamFinance bà Lâm cho biết bản thân chưa bao giờ chọn khởi nghiệp theo quan điểm "cứ làm đi, sai rồi làm lại". Với bà, đã làm gì cũng cần phải chuẩn bị thật chu đáo.

VNF
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Nguyên Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food.

- Trong quá trình lãnh đạo Sài Gòn Food, chị cũng đã từng dành thời gian chia sẻ, giao lưu về khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp, startup của các bạn trẻ những năm gần đây có thể nói là phát triển rất mạnh mẽ. Chị đánh giá như thế nào?

Trong những năm gần đây, tôi là thành viên tư vấn của Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia. Tôi cũng tham gia làm giám khảo trong các cuộc thi khởi nghiệp. Do đó tôi có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ cùng các bạn sinh viên. Qua các hoạt động đó tôi thấy các bạn trẻ ngày nay rất giỏi. Các bạn không chỉ giỏi về năng lực, các bạn cũng có nhiều điều kiện hơn trong việc hỗ trợ.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường nhiều bạn đã có ý tưởng kinh doanh. So với thời của chúng tôi, đây là điều kiện rất tốt không chỉ cho các bạn mà cho cả nền kinh tế đất nước.

Hoạt động khởi nghiệp hiện nay không chỉ được các ban, ngành đoàn thể, cơ quan nhà nước quan tâm mà còn có cả sự hỗ trợ từ những thế hệ doanh nhân thành công, người đi trước. Các bạn có quá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ý tưởng của mình.

Ở một góc độ nào đó, tôi vẫn muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng để khởi nghiệp thành công, để trở thành doanh nhân như mong muốn là chuyện không đơn giản.

Khi các bạn có ý tưởng thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu cẩn thận, bài bản chứ không phải cứ có ý tưởng, triển khai là thành công ngay. Rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp với những ý tưởng hay nhưng chuyện thất bại, phá sản cũng rất dễ thấy. Đó là do họ không có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.

Đã chọn cho mình 2 chữ ‘khởi nghiệp’ có nghĩa các bạn sẽ cần phải có sự sáng tạo, kinh doanh bài bản chứ không phải cứ muốn là làm. Bởi nếu thất bại là không chỉ không thành công mà còn tiêu tốn nguồn lực của xã hội, tiền bạc, công sức của cá nhân, cha mẹ, của cả người hợp tác cùng các bạn.

Nếu lần đầu khởi nghiệp thấy bại, các bạn sẽ khó vực dậy được tinh thần cho lần thứ 2 hơn.

Bản thân tôi chưa bao giờ chọn khởi nghiệp theo quan điểm "cứ làm đi, sai rồi làm lại’" Với tôi, đã làm gì cũng cần phải chuẩn bị thật chu đáo.

Là người đi trước, trải qua nhiều năm kinh nghiệm, tôi cùng thế hệ của tôi đã thấm sâu chuyện ‘ăn chắc mặc bền’. Khi chưa sẵn sàng, các bạn hãy cứ nên chấp nhận đi làm thuê cho các doanh nghiệp để tích luỹ kinh nghiệm. Khi chuẩn bị xong, sẵn sàng hãy mới khởi nghiệp.

- Khởi nghiệp từ cách đây hơn 17 năm, chị có thể chia sẻ Sài Gòn Food đã chuẩn bị như thế nào cho quá trình khởi nghiệp không? Chiến lược để tạo nên sự khác biệt của chị cùng ban quản trị Sài Gòn Food khi đó là gì?

Thời đó chúng tôi khác bây giờ. Tuy nhiên chúng tôi có sự may mắn là hầu hết người sáng lập Sài Gòn Food đều là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm.

Năm 2003, cá nhân tôi đã trên 20 năm kinh nghiệm. Chị Cao Thị Ngọc Dung khi đó trên 25 năm kinh nghiệm. Tổng giám đốc cũng trên 25 năm kinh nghiệm. Nhóm chúng tôi cũng đều đã từng làm cho các công ty lớn của nhà nước. Chúng tôi có bề dày kinh nghiệm lại trên chính ngành mình chọn.

Thời điểm đó, các hệ thống siêu thị cũng bắt đầu phát triển. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi tập trung việc quảng bá, mở rộng sản phẩm.

Ngay từ khi mới bắt đầu, ban giám đốc của Sài Gòn Food đã xác định công ty sẽ phát triển phân phối trên 2 thị trường gồm thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Với thị trường nội địa, ngành hàng thực phẩm chế biến đông lạnh của chúng tôi rất may mắn khi gặp được sự phát triển của hệ thống siêu thị. Nó giống như ‘thiên thời, địa lợi, nhân hoà’. Chúng tôi khi đó là những người đồng lòng, cùng ý chí. Tôi vẫn nhớ vào thời điểm đó, Việt Nam xuất hiện dịch cúm gà, người dân chuộng sản phẩm hải sản hơn. Sài Gòn Food đã lựa chọn đưa sản phẩm hải sản đông lạnh ra siêu thị và kết quả thu được rất tốt.

- Quá trình khởi nghiệp của Sài Gòn Food có gặp nhiều khó khăn không, thưa chị?

Sài Gòn Food để đến được ngày hôm nay đã gặp rất nhiều khó khăn, biến động. Thời điểm 2008, khủng hoảng kinh tế, Sài Gòn Food chúng tôi tưởng chừng như sẽ phải giải thể, phá sản. Thời điểm đó cực kỳ khó khăn bởi công ty vẫn đang trong giai đoạn chân ướt chân ráo chưa được bao lâu. Nhưng rồi cũng may mắn vì ngay sau đó chúng tôi đã vực dậy được.

Đến thời điểm 2015, Sài Gòn Food cũng có thay đổi lớn. Công ty thay đổi Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, thay đổi chiến lược kinh doanh. Tôi ngay từ đầu xác định Sài Gòn Food sẽ là nơi mình làm việc cho đến khi nghỉ hưu do đó tôi dành rất nhiều tâm huyết. Mỗi giai đoạn có biến chuyển, tôi xác định mình vẫn sẽ trụ lại và tìm cách bình ổn, không dao động.

Tôi cũng xác định bất kỳ quá trình phát triển nào cũng sẽ có những bước thăng trầm, không phải chỉ chạy trên 1 đường thẳng hoặc chỉ có tiến lên.

Do đó, với vai trò là một trong những người sáng lập Sài Gòn Food nên tôi luyện cho mình bản lĩnh phải vượt qua. Và rồi mọi khó khăn đều qua.

- Đối với cá nhân chị, dấn thân vào thương trường từng ấy thời gian, thành tựu lớn nhất mà chị đạt được là gì, có điều gì tiếc nuối hay không?

Tôi đi làm từ năm 1982, thời đại của tôi không tự định hướng và cũng không được ai định hướng cho việc xây dựng mục tiêu, lộ trình phát triển bản thân.

Tôi cũng là người từ quê lên Sài Gòn đi học, ở lại lập nghiệp nên không có định hướng xa cho cuộc đời. 17 năm đầu, tôi làm việc trong cơ quan nhà nước theo kiểu được tới đâu hay tới đó.

Sau này khi đào tạo cho giới trẻ về việc định hướng mục tiêu, tôi vẫn nói với các bạn trẻ rằng nếu lịch sử lặp lại, được quay lại thời điểm xưa, tôi vẫn mong được ai đó hướng dẫn cho việc xây dựng mục tiêu cuộc đời, rằng sống sao cho có ý nghĩa như các bạn bây giờ.

Nếu ngày đó tôi được định hướng như các bạn trẻ bây giờ, tôi đã có thể được rút ngắn quãng thời gian 17 năm xuống chỉ còn chừng 1 nửa thời gian. Quãng thời gian sống thả trôi, không mục tiêu phấn đấu khiến cuộc đời tôi trôi qua rất chậm. Đó là điều khiến tôi hối tiếc. Nếu được đi nhanh vào thời điểm đó tôi đã có thể làm được nhiều hơn, cống hiến cho đời, cho người nhiều hơn.

Về những thành tựu cá nhân, điều tôi đạt được, thực sự mà nói thì so với nhóm bạn bè, tôi không giàu như các bạn. Tài sản để lại cho con cái không lớn. Tuy có tích luỹ, có tài sản nhưng không giàu như bạn bè đồng trang lứa.

Mục tiêu làm giàu không phải mục tiêu cuối cùng của tôi nên tôi thấy không có gì phải hối tiếc cả. Mục tiêu của tôi, niềm vui của tôi đó là có thể đóng góp cho xã hội, cho nền kinh tế, cho Sài Gòn Food thông qua các ý tưởng về những sản phẩm có giá trị, hiện diện trên cuộc đời này, giúp ích cho người nội trợ, cho người dân Việt.

Nghe mọi người nói tôi là linh hồn của Sài Gòn Food, tôi rất hạnh phúc. Tuy đó không phải là tài sản riêng của tôi nhưng nó đóng góp rất lớn cho tình thần tôi.

Ngoài kinh doanh tôi cũng viết sách, truyền cảm hứng, đó là gia tài của tôi. Gia tài đó tôi để lại cho các bạn trẻ chứ không phải giá trị bằng tiền.

- Chị có lời khuyên nào dành cho những thế hệ trẻ không? Nhất là thời điểm hiện tại, công nghệ phát triển, dịch bệnh khiến thay đổi nền kinh tế toàn cầu?

Trong nguy có cơ, cái gì cũng có mặt xấu mặt tốt. Khi Covid xảy ra, toàn cầu đều bị ảnh hưởng nặng nề. Khi cả thế giời đang phải đối mặt thì Việt Nam như vậy là quá may mắn. Tôi cũng mong qua cơn hoạn nạn này chúng ta sẽ thay đổi. Nền kinh tế thế giới đang bị chững lại nghĩa là Việt Nam đang có cơ hội để rút ngắn khoảng cách với kinh tế các nước phát triển trong khu vực. Nếu các bạn trẻ biết đầu tư nội lực của bản thân hoặc doanh nghiệp trong thời gian này thì sau khi hết dịch, đó sẽ là cơ hội để mình đi nhanh hơn.

Năm 2021 vẫn còn rất nhiều khó khăn tuy nhiên tôi cũng hi vọng sẽ nhẹ nhàng hơn khó khăn của năm 2020. Bởi khí đó “hệ miễn dịch” của người dân Việt Nam đã bắt đầu có, đã quen với việc sống chung với Covid. Dù nó có quay lại thì các doanh nghiệp cũng đã có phương án phòng chống.

Theo tôi, tời điểm này là thời điểm vàng để các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, đào tạo nội bộ, văn hoá doanh nghiệp… Các lãnh đạo thay vì đi công tác nước ngoài hãy quay về bên trong công ty mình để điều chỉnh lại những cái chưa ổn, trám lỗ hổng trong doanh nghiệp của mình để tiến lên giai đoạn mới một cách đột phá hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác