Khống chế sở hữu 10%: Chỉ là trên hồ sơ, khó chặn ông chủ giấu mặt chi phối ngân hàng

Minh Dũng - 19/01/2024 11:55 (GMT+7)

(VNF) - Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều quy định ngăn sở hữu chéo, chống thao túng, lũng đoạn ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn hết sức băn khoăn.

VNF

Nhiều quy định chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Sở hữu chéo - chi phối - thao túng tổ chức tín dụng (TCTD) là vấn đề nhức nhối hiện nay. Sau sự cố rúng động tại hệ thống Ngân hàng SCB, vấn đề sở hữu chéo và thao túng ngân hàng lại trở nên cấp thiết. Quy định thế nào để ngăn chặn tình trạng này là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Trước câu hỏi Luật thông qua sẽ giúp ngăn chặn tiêu cực như SCB thế nào, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay: "Luật đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết".

Cụ thể, Luật bổ sung quy định về tổ chức quản trị điều hành, quản trị rủi ro để ngân hàng tiếp cận tốt với quản trị doanh nghiệp; các quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ tổ chức tín dụng, nhất là quyền hạn của người quản lý, người điều hành, tổng giám đốc, tăng số lượng ban kiểm soát tại ngân hàng thương mại nhất là kiểm soát, kiểm toán nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp không cùng đảm nhiệm, chức vụ theo hướng người quản lý, điều hành của TCTD không được đồng thời là người quản lý, điều hành tại doanh nghiệp khác, trừ một số trường hợp đặc thù.

Đồng thời, Luật bổ sung nguyên tắc đối với các vấn đề quan trọng, thành viên hội đồng quản trị không được ủy quyền cho người khác tham dự cuộc họp hội đồng quản trị để quyết định các nội dung này, tránh trường hợp lợi dụng việc ủy quyền để vô hiệu hóa hoạt động của Hội đồng quản trị; bổ sung trường hợp TCTD, công ty con của TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, TCTD khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của TCTD đó.

Bên cạnh đó, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng, Luật cũng điều chỉnh quy định về giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân); giảm giới han tín dụng để cho phép các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực theo lộ trình. Quy định công khai thông tin với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng được bổ sung, giúp tăng tối đa tính minh bạch thông tin liên quan tới sở hữu tổ chức tín dụng.

Thêm nữa, các quy định về tài chính, báo cáo tài chính (vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu), dự phòng rủi ro… cũng được bổ sung nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, tổ chức tín dụng phát triển bền vững, phù hợp chuẩn mực quốc tế về tài chính, kế toán.

Với các biện pháp can thiệp sớm, cho vay đặc biệt, bà Yến thông tin, quy định tại Luật được xây dựng trên cơ sở tính tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, như tổ chức tín dụng phải xây dựng phương án khắc phục trong trường hợp ở diện bị can thiệp sớm… để rủi ro mỗi ngân hàng không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.



Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, trước khi Quốc hội thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề chống sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng siết tỷ lệ sở hữu khó ngăn chặn sở hữu chéo. Cốt lõi trong hạn chế sở hữu chéo là phải giám sát và theo dõi đối với chủ ngân hàng và các cổ đông, để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng, rút ruột ngân hàng như thực tế vừa diễn ra.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu với tổ chức và tổ chức và người liên quan (từ 15% xuống 10% và từ 20% xuống 15%) không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, không kiểm soát được thực tế.

“Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng. Những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó”, đại biểu An khẳng định.

Còn đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức hiện nay (5% và 15%) là thấp so với nhiều nước và con số này không phải là nguyên nhân gây mất an toàn hệ thống. Do đó, giảm tỷ lệ này chưa phải là giải pháp phù hợp.

Theo phân tích của các đại biểu, các cổ đông lớn không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang công nghệ, quản trị hỗ trợ hoạt động ngân hàng, tỷ lệ sở hữu quá thấp sẽ khiến các cổ đông không gắn bó với kinh doanh ngân hàng.

Kể cả khi áp dụng những quy định dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi, vẫn khó có thể xử lý triệt để vấn đề này khi có rất nhiều chiêu trò, biến tướng. Đơn cử, các ông/bà chủ ngân hàng thể sẽ lách quy định về tỷ lệ sở hữu bằng cách tạo ra các doanh nghiệp sân sau và dùng tài sản góp vốn để đi vay có đảm bảo trên thị trường tài chính.

Các chuyên gia cho biết tình trạng sở hữu chéo ngân hàng ở Việt Nam gần đây đã có những thay đổi theo hướng phức tạp hơn, tức không chỉ cho vay với hệ thống các doanh nghiệp thân hữu hay những doanh nghiệp sân sau của giới chủ ngân hàng, mà còn cho vay với người liên quan bên trong ngân hàng.

Bản chất của sở hữu chéo ngân hàng tại Việt Nam dường như khác với khái niệm sở hữu chéo trên thế giới. Đó là giới chủ đứng sau chi phối và nắm quyền kiểm soát, cho vay thân hữu trong một hệ sinh thái.

Trên nghị trường Quốc hội, từng có đại biểu đã phát biểu “các ông/bà chủ đứng sau ngân hàng chi phối ai cũng biết nhưng không thể điểm mặt, vì không có chứng cứ”.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn - giảng viên Đại học Bristol (Anh) - trung gian để đẩy dòng vốn cho vay đó vào những công ty liên quan đến giới chủ đích thực của ngân hàng, với minh chứng rõ nhất là hoạt động phát hành trái phiếu thời gian qua.

Còn TS Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng sở hữu chéo không phải mới. Nhưng hiện vấn đề đáng lo ngại trên thị trường tài chính khi các công ty con liên quan đến các thành viên hội đồng quản trị đi vay tại ngân hàng.

“Các doanh nghiệp ‘sân sau’ rất khó để điều tra và kiểm soát nên điều khoản trong Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi về việc giới hạn cho vay các công ty liên kết của ‘ông chủ’ ngân hàng cũng không có nhiều tác dụng”, ông Chí nhìn nhận.

Tương tự, TS Hồ Quốc Tuấn đánh giá, rất khó để xử lý hoàn toàn vấn đề sở hữu chéo tại ngân hàng. Ngay cả việc đưa thành viên độc lập vào HĐQT các ngân hàng, nếu không có đủ chuyên môn cũng sẽ dễ dàng bị qua mặt.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, để ngăn chặn sở hữu chéo, một biện pháp là không đủ, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ. Như trường hợp SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ sở hữu gần 5% trên giấy tờ, song mượn danh người này, người kia sở hữu thực tế trên 90%. Do đó, quy định trong luật không đủ, mà quan trọng là công tác thực thi pháp luật, tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định pháp luật, bên cạnh những quy định cụ thể tại luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, trong đó có sự tăng cường trao đổi, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành, nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình “lách” các quy định về sở hữu cổ phần, về người có liên quan, hoặc xác định các quan hệ giữa cổ đông lớn của tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp “sân sau”.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.