M&A

'Không phải cổ tức, mục tiêu chính của quỹ đầu tư nước ngoài là lợi nhuận sau thoái vốn'

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, LS. Lê Thị Tuyết Dung, Giám đốc điều hành Công ty Luật DL & PARTNERS cho biết trong giao dịch M&A, mục tiêu chính của các quỹ đầu tư nước ngoài không phải là nhận cổ tức của công ty Việt Nam mà là khoản lợi nhuận có được khi thoái vốn.

'Không phải cổ tức, mục tiêu chính của quỹ đầu tư nước ngoài là lợi nhuận sau thoái vốn'

LS. Lê Thị Tuyết Dung, Giám đốc điều hành Công ty Luật DL & PARTNERS.

Bất chấp đại dịch, thị trường M&A tại Việt Nam vẫn hết sức sôi động, trong đó đáng chú ý có nhiều thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức nước ngoài với giá trị thương vụ lên đến hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Không ít thương vụ đậm chất đầu tư tài chính với sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Để làm rõ hơn tính chất đầu tư tài chính trong các thương vụ M&A xuyên biên giới, Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với LS. Lê Thị Tuyết Dung, Giám đốc điều hành Công ty Luật DL & PARTNERS.

- Luật sư có nhìn nhận như thế nào về các thương vụ M&A tại Việt Nam?

LS. Lê Thị Tuyết Dung: Trong những năm qua, số lượng và giá trị các giao dịch M&A tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể.

Trước đây, các hoạt động M&A được thực hiện chủ yếu bởi các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan... Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, thị trường đang chứng kiến sự chuyển hướng của các công ty trong nước khi họ ngày càng tích cực hơn trong hoạt động M&A. Các doanh nghiệp Việt Nam là người mua tích cực, có thể kể tới Masan, Vinamilk, Gelex, Thaco, REE…

Nhìn vào danh sách các thương vụ M&A lớn tại Việt Nam trong những năm qua thì về giá trị thương vụ, các nhà đầu tư trong nước đã đạt gần xấp xỉ các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu ngoại trừ thương vụ SMBC mua 49% cổ phần của FE Credit trị giá 1,4 tỷ USD, các công ty Việt Nam đã vượt xa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ. Đặc biệt, các cấu trúc giao dịch của các giao dịch M&A tại Việt Nam nói chung cũng ngày càng phức tạp hơn, gần hơn với thực tiễn quốc tế.

- Bà đánh giá như thế nào về tính chất đầu tư tài chính trong các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài?

Về cơ bản, đầu tư tài chính là hình thức đầu tư thông qua việc mua các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), bất động sản, hoặc các công cụ tài chính khác… Hiện nay, hầu hết các giao dịch đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, có một số ít là nhà đầu tư thiên thần.

Bản chất của hai loại nhà đầu tư này khác nhau. Các quỹ đầu tư là tổ chức chuyên kinh doanh vốn đầu tư của các nhà đầu tư khác, vì vậy khi thực hiện đầu tư tài chính vào một công ty mục tiêu (CTMT), họ muốn kiếm lời tối đa thông qua hoạt động mua bán cổ phần/trái phiếu của CTMT. Nói cách khác, mục tiêu chính của họ không phải là nhận cổ tức của công ty mục tiêu trong giao dịch M&A, mà là khoản lợi nhuận có được khi thoái vốn (sau một chu kỳ đầu tư vào CTMT).

Trong khi đó, những nhà đầu tư thiên thần thường là những cá nhân giàu có, tìm kiếm tỷ lệ lợi nhuận cao hơn so với các công cụ đầu tư truyền thống. Họ cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp bằng tiền của chính bản thân họ và sẽ gắn bó lâu dài với CTMT. Thường các nhà đầu tư thiên thần đưa ra các điều kiện thuận lợi hơn so với những quỹ đầu tư tài chính. Lưu ý là mặc dù các nhà đầu tư thiên thần thường là cá nhân, nhưng để thuận tiện về mặt pháp lý, bên cung cấp tài chính vẫn có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, một quỹ tín thác hoặc một quỹ đầu tư.

- Tương quan lợi thế - rủi ro giữa bên mua (nước ngoài) và bên bán (trong nước) như thế nào, theo quan sát của bà?

Đối với các giao dịch M&A, rủi ro lớn về cơ bản sẽ thuộc về bên mua (NĐT). Việc đầu tư vào một công ty đang hoạt động sẽ đảm bảo lợi nhuận nhưng đồng thời NĐT cũng sẽ phải chịu rủi ro đối với những trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn trước khi họ đầu tư vào công ty. Bên mua vì vậy thường sẽ phải thuê các chuyên gia pháp lý và tài chính thực hiện các công việc rà soát tình trạng pháp lý và tài chính đối với CTMT trước khi tiến hành giao dịch M&A, đồng thời họ cũng sẽ ràng buộc các điều khoản trong hợp đồng để hạn chế các rủi ro pháp lý và kinh doanh.

Bên bán (cổ đông hiện hữu của CTMT) khi tham gia vào các giao dịch M&A sẽ phải chuẩn bị tinh thần rằng NĐT tài chính sẽ đặt ra các ràng buộc pháp lý cao và các mục tiêu kinh doanh cao, nếu không đạt được thì sẽ phải bồi hoàn bằng các chế tài khác nhau. Bản thân các cấu trúc M&A xuyên biên giới có thể sẽ rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều vấn đề pháp lý khác nhau.

Như vậy, đối với bên bán, việc chuẩn bị cho một giao dịch M&A và đàm phán các hợp đồng M&A là rất quan trọng. Bên bán cần có các luật sư và cố vấn tài chính có kinh nghiệm và chuyên môn tốt để có thể nhìn ra các vấn đề rủi ro pháp lý cho bên bán và hạn chế các cam kết khó thực hiện, nhưng đồng thời cũng phải giúp bên bán hoàn tất giao dịch. Giao dịch thành công cũng là mục tiêu tối quan trọng của bên bán.

- Các thương vụ M&A xuyên biên giới có thường xuyên xảy ra tranh chấp hay không, thưa bà?

Nhìn chung các tranh chấp từ giao dịch M&A, đặc biệt là các giao dịch M&A xuyên biên giới với giá trị lớn, cũng diễn ra trong thực tế, nhưng theo tôi là không quá nhiều vì lý do các giao dịch M&A này thường có sự tham gia của các chuyên gia pháp lý từ cả hai phía.

Thông thường các tranh chấp sẽ liên quan tới các quy định về cam kết và bảo đảm của bên bán (khi họ không thể thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng M&A).

Do đặc thù về tính chất phức tạp của giao dịch M&A nên các tranh chấp trên thực tế rất đa dạng. Nhưng với mọi tranh chấp phát sinh thì quan trọng nhất là phải đánh giá được đầy đủ vấn đề pháp lý và hậu quả của nó, từ đó đưa ra chiến lược và giải pháp cụ thể. Các bên nên có các cố vấn pháp lý giỏi và nhiều kinh nghiệm, vì đôi khi một giải pháp không cẩn trọng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài. Bản thân bên thắng trong một vụ kiện chưa chắc đã thắng khi mất uy tín trên thị trường.

- Bà có nhận định thế nào về triển vọng thị trường M&A nói chung và các thương vụ M&A có tính chất đầu tư tài chính nói riêng?

Thị trường M&A nói chung, theo tôi, rất triển vọng. Việc Việt Nam hội nhập mạnh mẽ các chính sách pháp luật phù hợp với chuẩn mực quốc tế và sự tăng trưởng kinh tế ổn định là đảm bảo quan trọng cho các hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng như hiệp định EVFTA, CPTPP, RCEP… sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh… Điều này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại mà còn góp phần dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư thông qua các hoạt động M&A, vào Việt Nam.

Các hoạt động đầu tư tài chính cũng sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi hành lang pháp lý cho thị trường vốn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện và gia tăng tính minh bạch.

- Bà có đánh giá thế nào về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A tại Việt Nam?

Một cách tổng quan thì Việt Nam đã xây dựng được một khung pháp lý thuận lợi cho đầu tư và đó chính là điều kiện cho các giao dịch M&A xuyên biên giới phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh và vẫn còn nhiều quy định chồng chéo liên quan tới quản lý vốn.

Việt Nam hiện vẫn còn thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh các giao dịch đầu tư tài chính thông qua công nghệ. Pháp luật chưa có những quy định rõ ràng vì vậy việc đảm bảo quyền và nghĩa của các bên chủ yếu dựa trên hợp đồng. Các nhà làm luật Việt Nam cần nghiên cứu phát triển các quy định pháp luật cho hình thức đầu tư tài chính, đặc biệt đối với các giao dịch dựa trên công nghệ số.

Tin mới lên