Kinh tế Dubai nguy cơ lao dốc theo giá dầu

Hà Thu - 25/04/2020 00:04 (GMT+7)

Dubai đối mặt khủng hoảng nợ khi các công ty liên quan chính phủ có khối nợ gần 80% GDP và khó hoàn trả khi giá dầu lao dốc.

Vài năm gần đây, tăng trưởng kinh doanh tại Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) đã chậm lại. Đến năm nay, giá dầu lao dốc và các chính sách phong tỏa trên toàn cầu vì đại dịch càng khiến tiểu quốc này khó khăn.

"Dubai hiện là nền kinh tế dễ tổn thương nhất tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi trước các tác động kinh tế do chính sách phong tỏa gây ra", hãng tư vấn Capital Economics nhận xét trong một báo cáo tuần này, "Chúng tôi cho rằng Dubai có thể tăng trưởng âm ít nhất 5-6% năm nay nếu các biện pháp phong tỏa kéo dài đến mùa hè".

Các biện pháp này đang khiến doanh nghiệp thiết yếu tại Dubai phải ngừng hoạt động. "Việc này sẽ kéo tụt kinh tế Dubai, làm trầm trọng thêm dư cung tại các ngành thiết yếu và khiến các công ty liên quan đến chính phủ (GRE) khó trả khối nợ khổng lồ", báo cáo cho biết. Tình cảnh hiện tại gây liên tưởng đến khủng hoảng nợ tại Dubai năm 2009, khiến hàng nghìn người mất việc và thị trường chứng khoán mất nửa vốn hóa.

Một chiếc taxi đi qua tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai. Ảnh: AP

Các GRE tại Dubai, tiêu biểu là công ty đầu tư Dubai World, đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ năm 2009 tại nước này khi không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ. Hiện tại, nhóm này có tổng khối nợ tương đương 88,9 tỷ USD – hơn 80% GDP Dubai, Capital Economics ước tính. Năm 2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính toán con số này là 60,3 tỷ USD.

"Đây không phải lần đầu tiên thị trường lo ngại Dubai vỡ nợ. Nhưng lần này nghiêm trọng hơn, do cuộc khủng hoảng y tế, du lịch và giao thông, cũng như thị trường bất động sản dư cung quá lớn và giá dầu lao dốc", Charles Robertson – kinh tế trưởng tại Renaissance Capital cảnh báo.

Đại dịch diễn ra đúng thời điểm doanh thu một số ngành quan trọng của Dubai suy giảm nhiều năm nay, nổi bật là bất động sản và khách sạn. Giá nhà ở tại đây đã giảm 30% so với đỉnh năm 2014 do dư cung và nhu cầu yếu. Doanh thu trên mỗi phòng khách sạn cũng giảm hơn 25% kể từ năm 2015.

Năm ngoái, GDP Dubai chỉ tăng 1,94% - chậm nhất kể từ năm 2009. Cuộc khủng hoảng nợ cách đây hơn 10 năm đã khiến Dubai phải xin cứu trợ 20 tỷ USD từ Abu Dhabi – tiểu quốc giàu có hơn, cũng là tiểu quốc lớn nhất và là thủ đô UAE.

Hiện tại, đại dịch có thể còn khiến UAE phải hoãn Dubai World Expo 2020 – sự kiện được kỳ vọng kích thích kinh tế và đầu tư cho tiểu quốc này. Du lịch cũng rơi tự do khi các chuyến bay quốc tế bị ngừng lại từ cuối tháng 3.

"Nếu các vấn đề về nợ nần này thành hiện thực, chính phủ Dubai sẽ không thể can thiệp do khối nợ của riêng họ cũng đã khá lớn", Capital Economics cho biết. IMF cho biết nợ công của Dubai (không liên quan đến GRE) năm 2019 đã tương đương 110% GDP - thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Khi đại dịch làm trầm trọng thêm vấn đề mất cân bằng cung – cầu trong ngành bất động sản tại Dubai, S&P Global Ratings viết trong một báo cáo hôm qua rằng: "Chúng tôi dự báo nhu cầu quốc tế với bất động sản ở UAE sẽ vẫn yếu và giá bất động sản nhà ở sẽ giảm mạnh hơn dự kiến, thậm chí kéo dài sang năm 2021".

Áp lực lên ngành này đã khiến nhiều người lo ngại gây tác động lan truyền đến ngành ngân hàng. Năm ngoái, các nhà băng Dubai đã gia hạn các khoản vay trị giá 66 tỷ USD cho lĩnh vực bất động sản, theo Hiệp hội Ngân hàng UAE. Một báo cáo tháng 9/2019 của Fitch Ratings còn cảnh báo các ngân hàng "vẫn chưa hoàn toàn phục hồi" sau cú sốc năm 2009 và "các nhà băng nhỏ hơn sẽ dễ tổn thương hơn khi điều kiện tín dụng xuống cấp vì bộ đệm vốn mỏng đi và khả năng tạo doanh thu yếu hơn".

Câu hỏi hiện tại quyết định tương lai tài chính của Dubai là tốc độ và mức độ Abu Dhabi can thiệp hỗ trợ sẽ đến đâu. Tiểu quốc này cũng bị ảnh hưởng vì giá dầu giảm. Tuy nhiên, tháng trước, Mohammed Ali al-Shorafa – Lãnh đạo Bộ Phát triển Kinh tế Abu Dhabi cho biết nước này vẫn có tài chính ổn định. "Abu Dhabi có đủ tài nguyên, kể cả với giá dầu ở mức hiện tại, để tiếp tục kế hoạch đầu tư vốn năm 2020".

Tháng trước, tiểu quốc này công bố kế hoạch kích thích khẩn cấp 27 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng tư nhân chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tài sản các quỹ đầu tư quốc gia của họ có gần 950 tỷ USD, Capital Economics cho biết.

"Một mặt, giới chức Abu Dhabi ngần ngại cứu trợ Dubai vì lo ngại vấn đề đạo đức và giá dầu giảm. Nhưng mặt khác, họ có lẽ cảm thấy cần hành động nhanh và mạnh tay. Vì không hỗ trợ Dubai sẽ làm tăng bất ổn kinh tế - chính trị nói chung tại UAE", báo cáo kết luận.

 

Theo VnE/CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác