Kinh tế học chuẩn tắc là gì? Sự bất đồng giữa các nhà kinh tế

Quỳnh Anh - 31/07/2018 22:36 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Kinh tế học chuẩn tắc (normative economics) là gì? Sự bất đồng giữa các nhà kinh tế.

VNF
Kinh tế học chuẩn tắc (normative economics) là các phân tích kinh tế đưa ra những quyết định hoặc nhận định về cái cần phải và nên có chứ không phải cái hiện có

Kinh tế học chuẩn tắc là gì?

Kinh tế học chuẩn tắc (normative economics) là các phân tích kinh tế đưa ra những quyết định hoặc nhận định về cái cần phải và nên có chứ không phải cái hiện có.

Kinh tế học chuẩn tắc (normative economics) đưa chúng ta đến những nhận định như "cần phải điều tiết độc quyền" hoặc "nên đánh thuế lợi nhuận". Những nhận định này có thể khác với kinh tế học thực chứng - một hướng phân tích quan tâm đến việc mô tả và phân tích nền kinh tế như nó đang tồn tại. Thông thường, kinh tế học chuẩn tắc được thiết lập trên cơ sở kinh tế học thực chứng và tồn tại dưới một đánh giá nào đó về việc xã hội cần có những mục tiêu gì trong quá trình phát triển kinh tế và nghiên cứu xem hành vi kinh tế nên dược tổ chức và thực hiện như thế nào (gọi là đánh giá giá trị). Vì vậy, chúng ta có thể tranh cãi với nhau về một nhận định do kinh tế học chuẩn tắc đưa ra vì cho rằng phân tích thực chứng làm cơ sở cho nó không đúng hoặc chúng ta không nhất trí về những đánh giá giá trị có liên quan.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Sự bất đồng giữa các nhà kinh tế

Sự phân biệt giữa Kinh tế học Thực chứng và Chuẩn tắc giúp chúng ta hiểu tại sao có sự bất đồng giữa các nhà Kinh tế. Thực tế, sự bất đồng bắt nguồn từ quan điểm của mỗi nhà Kinh tế khi nhìn nhận vấn đề.

Chẳng hạn, trong một chương trình phỏng vấn trên truyền hình về chính sách thương mại của Chính phủ, một nhà Kinh tế ủng hộ chính sách tự do thương mại, rong khi một nhà Kinh tế khác cho rằng Chính phủ nên tăng cường rào cản thương mại.

Về Kinh tế học Thực chứng, cả hai nhà Kinh tế đều thừa nhận rằng mở rộng thương mại là có lợi cho tổng thể nền kinh tế. Mặc dù điều này cũng có ảnh hưởng đến một số thành phần nào đó của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự bất đồng của họ về chính sách là do các giá trị khác nhau. Nhà kinh tế thứ nhất nhấn mạnh lợi ích của tổng thể nền kinh tế, trong khi nhà kinh tế thứ hai nhấn mạnh vào việc hạn chế ảnh hưởng của chính sách đối với một nhóm hay ngành nào đó cần được bảo hộ.

Tuy rằng cả hai nhà Kinh tế cùng có kết luận thực chứng như nhau, nhưng kết luận chuẩn tắc thì lại khác nhau do các giá trị khác nhau về chính sách của Chính phủ. Trên phương diện truyền thông, các nhà kinh tế thường không có đủ thời gian để giải thích rõ về quan điểm. Điều này làm cho chúng ta cảm nhận rằng các nhà kinh tế không thống nhất với nhau trong chính sách kinh tế của chính phủ.

Cùng chuyên mục
Tin khác