Kinh tế toàn cầu phục hồi song chuỗi cung ứng vẫn chịu sức ép
Hải Đăng -
19/06/2021 10:11 (GMT+7)
Theo một báo cáo được công bố gần đây nhất về “Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần thứ 24” của Tập đoàn Tư vấn tài chính (PwC), 76% các CEO tin rằng triển vọng kinh tế thế giới sẽ được cải thiện tích cực trong năm 2021 này.
Cần 50 tỷ USD chấm dứt đại dịch
Theo tạp chí “Eurasia Review” (số ra ngày 1/6/2021), những người đứng đầu các cơ quan lớn về tài chính, y tế và thương mại trên toàn cầu đã thống nhất kêu gọi các chính phủ khẩn trương tài trợ cho một lộ trình mới trị giá 50 tỷ USD để đẩy nhanh việc phân phối một cách công bằng các công cụ y tế nhằm giúp chấm dứt đại dịch Covid-19, đồng thời đặt nền móng cho sự phục hồi toàn cầu bền vững, cũng như tăng cường an ninh y tế.
Trong tuyên bố được các tờ báo lớn trên thế giới đăng tải, giới lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều nói rằng, các chính phủ phải hành động ngay lập tức, nếu không sẽ có các nguy cơ làn sóng lây nhiễm và bùng phát mới của đại dịch Covid-19 cũng như các biến thể dễ lây lan, phá hoại sự phục hồi toàn cầu.
Tuyên bố chung dựa trên một phân tích gần đây của IMF, trong đó nói rằng 50 tỷ USD đầu tư mới là cần thiết để tăng năng lực sản xuất, đảm bảo nguồn cung, các dòng chảy thương mại và giao hàng. Từ đó sẽ giúp thúc đẩy việc phân phối công bằng các dịch vụ chẩn đoán bệnh, nguồn oxy, phương pháp điều trị, vật tư y tế và vaccine. Việc tiêm chủng cũng sẽ tạo ra một động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới.
Theo các nhà lãnh đạo của các tổ chức, lộ trình này sẽ giúp tiêm chủng nhanh hơn cho nhiều người. WHO và các đối tác thuộc sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021. Nhưng tỷ lệ này thậm chí có thể đạt 40% thông qua các thỏa thuận khác và tăng cường đầu tư, rồi tăng lên ít nhất là 60% vào nửa đầu năm 2022.
Tăng trưởng toàn cầu tăng 5.8%
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở ở Paris (Pháp) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm nay, cao hơn 0,2% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 3/2021 vừa qua. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2021, tăng so với mức dự báo 5,5% vào đầu năm 2021.
Trong tương lai xa hơn, GDP toàn cầu cho năm 2022 được dự báo sẽ tăng 4,4%, cao hơn so với ước tính trước đó là 4,2%. Thị trường dầu mỏ toàn cầu có mức độ biến động đáng kể và đợt bán tháo khiến giá dầu Brent giao sau giảm từ 70 USD xuống 62 USD/thùng, trước khi ổn định quanh mức 64 USD vào đầu tháng 4/2021.
Ngày 31/5/2021, Tổ chức OECD đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, song cảnh báo nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với “quá nhiều sóng gió” do tình trạng thiếu nguồn vaccine phòng chống Covid-19 cung cấp cho các nền kinh tế mới nổi, khiến thế giới dễ bị tổn thương trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tổ chức OECD dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay, cao hơn 0,4% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, OECD lại hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm 2022 từ mức 4% xuống còn 3,6%.
Đối với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OECD dự báo nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng lần lượt 4,3% và 4,4% trong năm nay và sang năm 2022, cao hơn mức dự báo 3,9% và 3,8% đưa ra hồi tháng 3 đầu năm.
Trong khi đó, kinh tế Anh được dự báo sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022. OECD dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng lần lượt 8,5% và 5,8% trong năm nay và sang năm 2022, cao hơn mức 7,8% và 4,9% trong dựa báo hồi tháng 3/2021.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Nga sẽ tăng 3,2% vào năm 2021 và duy trì tốc độ này sang năm 2022. Dự báo này khả quan hơn so với mức tăng 2,9% và 3,2% tương ứng cho hai năm trên được đưa ra hồi tháng 3/2021.
Châu Á tiếp tục đà phục hồi
Kết quả cuộc khảo sát của hãng Caixin/Markit công bố ngày 1/6 vừa qua cho thấy, trong tháng 5/2021, hoạt động sản xuất tại châu Á tiếp tục tăng trưởng nhờ đà phục hồi của nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Theo Caixin/Markit, trong tháng 4 trước đó, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cho đến nay do nhu cầu ở trong và ngoài nước tăng cao. Cụ thể, Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 52 điểm, tăng nhẹ so với mức 51,9 điểm của tháng 4/2021 và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2020. Tình hình hoạt động của các nhà máy ở Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) được đánh giá duy trì đà tăng trưởng, với chỉ số PMI lần lượt đạt 53,1 điểm và 62 điểm trong tháng 5.
Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hoạt động sản xuất tăng trưởng vừa phải. Theo đó, PMI tháng 5 của Hàn Quốc đạt 53,7 điểm, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn là mức tăng trưởng trong tháng thứ 8 liên tiếp. Chỉ số PMI của Jibun Bank Nhật Bản cũng giảm nhẹ xuống còn 53 điểm nhưng vẫn cao hơn mức dự báo 52,5 điểm.
Dù hoạt động sản xuất của châu Á tiếp tục khởi sắc song chi phí nguyên vật liệu gia tăng và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang “phủ bóng đen” lên triển vọng tăng trưởng của khu vực. Theo các nhà phân tích, số ca mắc mới Covid-19 gia tăng ở một số nước có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hướng đến các nhà sản xuất và tạo sức ép cho nỗ lực phục hồi của châu Á vốn dựa vào xuất khẩu.
Mỹ tăng nhanh nhất từ năm 1966
Theo ước tính khác, nền kinh tế toàn cầu hiện được dự báo sẽ mở rộng thêm 5,4% vào năm 2021, đánh dấu sự điều chỉnh đi lên so với mức dự báo tăng trưởng 4,7% trước đó. Nếu việc triển khai vaccine được tiến hành nhanh chóng, kèm theo các gói kích cầu khổng lồ và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2021. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1966. Được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong xuất khẩu và nhu cầu nội địa ngày càng tăng, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm nay.
Trong cuộc họp đầu tháng 4/2021, liên minh OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu bắt đầu từ tháng 5, nhưng chỉ ở các mức hạn chế. Giá dầu thô kỳ hạn tăng khoảng 7 USD/thùng từ mức đáy ngày 5/4, lên 68,81 USD/thùng đối với dầu Brent và 65,31 USD/thùng đối với dầu WTI vào ngày 10/5.
Tại Mỹ, việc tăng cường bảo hiểm thất nghiệp trong 2 dự luật kích thích kinh tế gần đây cho thấy sự điều chỉnh giảm về số lượng việc làm mới. Trong tháng 4 vừa qua, thị trường lao động gia tăng 266 nghìn việc làm mới, sau khi đã tăng 770 nghìn việc làm trong tháng 3. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 1/2021.
Theo chỉ số PMI, thời gian này trên toàn cầu đã tăng từ 55,0 điểm vào tháng 3 lên 55,8 điểm vào tháng 4, mức cao nhất kể năm 2010. Hoạt động tăng trưởng nhanh nhất được báo cáo ở Châu Âu và Mỹ, nơi chỉ số PMI được tính đều trên 60 điểm, một con số cao bất thường. CPI tại Mỹ cũng đạt mức kỷ lục, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (FED) duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 0,25% và tiếp tục mua vào ít nhất 120 tỷ USD tài sản liên quan trái phiếu mỗi tháng. Động thái này đã đẩy bảng cân đối kế toán của FED lên ngưỡng gần 8.000 tỷ USD, tương đương gấp đôi mức được ghi nhận khi cuộc khủng hoảng mới bắt đầu.
Những thay đổi về thuế của gói kích thích “American Families Plan” sẽ dẫn đến việc suy giảm 0,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong dài hạn. Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) sẽ giảm 0,6%, mất khoảng 64 nghìn công việc và tiền lương sẽ hạ thêm 0,4%. Đối với gói “American Jobs Plan”, tác động tiêu cực của sự gia tăng thuế suất doanh nghiệp sẽ gây ra thiệt hại về GDP lũy kế ước tính gần 720 tỷ USD kéo dài trong thời gian 10 năm.
Chuỗi cung ứng chịu sức ép
Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông vận tải và giá cả tăng vọt gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ gây ra lạm phát, mặc dù kinh tế thế giới có thể phục hồi. Một năm trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng không dám tiến hành mua hàng, song hiện nay, kinh tế thế giới trên đà phục hồi và các doanh nghiệp đang tăng cường tích trữ hàng hóa. Các chuyên gia nhận định hoạt động mua và tích trữ của các doanh nghiệp đang gây sức ép lên chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông vận tải và giá cả tăng vọt gần đây vẫn là những nhân tố còn tác động lâu dài đối với kinh tế thế giới.
Nhu cầu đang gia tăng đối với nhiều loại hàng hóa từ kim loại (đồng, quặng sắt, thép), thực phẩm (ngô, cà phê, lúa mì, đậu tương) cho đến các nguyên liệu khác như gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa và bìa cứng. Tom Linebarger, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của nhà sản xuất động cơ và máy phát điện Cummins Inc., cho rằng khách hàng đang cố gắng mua mọi thứ có thể khi nhận thấy nhu cầu tăng cao.
Tình hình càng trầm trọng hơn khi các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như các sự cố bất thường tác động tiêu cực đến hệ thống phân phối hàng hóa trong những tháng gần đây. Vụ tàu vận tải mắc kẹt tại kênh đào Suez đã gây tắc nghẽn chuỗi vận chuyển toàn cầu trong tháng 3/2021.
Trong khi đó, hạn hán tàn phá các loại cây nông nghiệp và một đợt băng giá gây mất điện hàng loạt và làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh năng lượng và hóa dầu trên khắp miền trung nước Mỹ trong tháng 2/2021. Cách đây chưa đầy hai tuần, tin tặc đã tấn công Colonial Pipeline, mạng lưới đường ống dẫn dầu hàng đầu nước Mỹ và khiến giá xăng lần đầu tiên vọt lên trên 3 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) kể từ năm 2014.
Ngày càng có nhiều nhà quan sát cảnh báo rằng lạm phát chắc chắn sẽ tăng nhanh và FED đang phải đối mặt với những câu hỏi mới về việc khi nào cơ quan này sẽ tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Động thái ấy có thể làm đảo lộn các kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một số lý do khiến lạm phát khó vượt khỏi tầm kiểm soát. Gần đây, Lael Brainard, một quan chức từ FED lại cho rằng, các doanh nghiệp nên kiên nhẫn vượt qua sự gia tăng nhất thời của lạm phát. Các đợt tăng giá lớn gần đây của hàng hóa một phần được cho là do so sánh với mức giảm mạnh của một năm trước.
Hơn nữa, doanh số bán lẻ của Mỹ đã đình trệ trong tháng 4/2021 sau khi tăng mạnh trong tháng trước đó và giá hàng hóa gần đây cũng đã rời khỏi mức cao nhất trong nhiều năm.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.