Chính phủ Trung Quốc tuyên bố dịch cúm gia cầm tái phát ở miền Trung. Động thái này ngay lập lức đã làm tăng thêm lo ngại giữa bối cảnh quốc gia Đông Á đang "quay cuồng" với virus Corona chủng mới.
Cùng lúc, Trung Quốc phản ứng lại lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ đối với mọi công dân nước ngoài vừa đến thăm Trung Quốc trong thời gian gần đây, gồm cả người dân Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cho rằng cách phản ứng của Mỹ trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra đã khiến cả thế giới hoảng loạn.
Sự hoang mang lan truyền
Ngày 3/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh cho rằng hành động của Chính phủ Mỹ “chỉ làm lan tỏa lo sợ”. Bà nói Mỹ là nước đầu tiên cấm “nhập cảnh mọi người đến từ Trung Quốc” và cũng là quốc gia đầu tiên gợi ý rút một phần nhân viên sứ quán của họ.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh nói: “Chính các nước phát triển như Mỹ, vốn có khả năng phòng chống dịch bệnh tốt, đã đi đầu trong việc áp đặt những hạn chế quá mức, trái với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận “thiếu sót” trong việc ứng phó với dịch virus Corona và yêu cầu trợ giúp quốc tế.
WHO khuyến cáo các nước không nên đóng cửa biên giới bởi động thái này có thể làm gia tăng tình trạng lây lan virus Corona do người dân sẽ tìm cách nhập cảnh theo đường tiểu ngạch.
Ngày 31/1, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Việc hạn chế đi lại có thể gây hại nhiều hơn lợi bởi nó cản trở sự chia sẻ thông tin, chuỗi cung ứng trang thiết bị y tế và gây tổn hại cho các nền kinh tế”. WHO khuyến cáo các nước thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt tại các cửa khẩu.
Trong bối cảnh cả thế giới đang "quay cuồng" với virus Corona, ngày 1/2, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố dịch cúm gia cầm H5N1 đã tái phát ở nước này, cụ thể là ở tỉnh Hồ Nam (miền Trung Trung Quốc), làm tăng thêm những lo ngại về kinh tế.
Theo WHO, cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây nhiễm sang người thấp và nhưng khi đã lây, có thể gây tử vong ở người với tỷ lệ lên tới 60%. Trước đó, năm 2019, Trung Quốc đã phải vật lộn với dịch tả lợn châu Phi, khiến nước này rơi vào "cơn sốt" thịt heo, đẩy giá tiêu dùng lên mức cao nhất trong 8 năm qua.
Sự tê liệt của nền kinh tế
Theo CNN, không chỉ gây thiệt hại về người, dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra còn ảnh hưởng nặng đến kinh tế Trung Quốc.
CNN dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm tới 2 điểm phần trăm trong quý này do sự bùng phát của dịch, tương đương với 62 tỷ USD. Bên cạnh đó, cho đến nay, Chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc đã chi 12,6 tỷ USD cho các trang thiết bị y tế và điều trị.
Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng những nỗ lực của Chính phủ nhằm ngăn chặn virus bằng cách kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và buộc các nhà máy đóng cửa khiến sản xuất bị chậm lại, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo CNN, kịch bản lạc quan nhất được ông Zhang Ming, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đưa ra trong tuần này dự đoán rằng nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng 3/2020, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 5% trong quý I/2020.
Trong khi đó, tờ Le Figaro (Pháp) cũng dành ba bài báo để đề cập đến chủ đề này, trong đó có một bài viết với tựa đề "Thế giới dựng thành lũy đương đầu với virus Corona". Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần qua đã nhấn mạnh rằng tình hình không đến nỗi phải giới hạn mọi hoạt động giao thương với Trung Quốc.
Tuy nhiên, phát biểu đó không ngăn được các nước - từ Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức đến Morocco và Indonesia - hối hả đưa công dân rời khỏi Vũ Hán. Các hãng hàng không trên thế giới ngừng phục vụ các chuyến bay sang Trung Quốc Đại lục.
Ngoài ra, báo kinh tế Les Echos (Pháp) chú ý đến những thiệt hại khi mà không chỉ Vũ Hán mà cả Trung Quốc bị thế giới xa lánh. Báo này đăng bài viết có tựa đề "Bắc Kinh huy động 160 tỷ USD cứu nguy kinh tế". Tình trạng bị cô lập, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ hai thế giới vào tình trạng suy thoái.
Sau 10 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán, các thị trường tài chính Trung Quốc hoạt động trở lại. Biết trước chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt giá, Ngân hàng Trung ương đã bơm thêm 1.200 tỷ nhân dân tệ vào "cỗ xe" kinh tế. Chính quyền thông báo sẽ "kề vai sát cánh" với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều cơ quan, nhà máy không thể khai trương đúng ngày như dự định.
Một thành phố lớn và năng động như Thượng Hải phải quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán thêm một tuần lễ. Thiệt hại về tài chính kèm theo đó không lường được. Thủ đô Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp nghỉ thêm đến hết tuần. Thậm chí, một số nhà máy còn thông báo chỉ hoạt động trở lại vào ngày 14/2 tới. Ba tuần lễ được nghỉ Tết, đó là một hiện tượng chưa từng thấy tại Trung Quốc.
Trong khi đó, tập đoàn mua bán bất động sản lớn thứ ba trên toàn quốc ngừng tiếp khách cho đến ngày 16/2. Tập đoàn này cho nhân viên tại hơn 1.200 công trường nghỉ đến ngày 20/2 tới. "Toàn quốc bị virus Corona làm tê liệt", trong khi học sinh, sinh viên nước ngoài tìm đường hồi hương.
Tờ Les Echos cho biết các trường đại học của Pháp và các trường lớn gửi sinh viên sang Trung Quốc đều trong tư thế sẵn sàng cho dù Bộ Giáo dục chưa ra chỉ thị hồi hương tất cả các sinh viên Pháp khỏi Trung Quốc.
Khoảng 200 sinh viên của trường thương mại Skema tại Tô Châu, cách ổ dịch Vũ Hán 750 km, từ ngày 30/1 vừa qua đã rời thành phố từng được mệnh danh là kinh đô tơ lụa của Viễn Đông. Tại Paris, Trường thương mại nổi tiếng HEC thông báo "ngừng các chương trình trao đổi sinh viên với Trung Quốc cho đến khi có lệnh mới".
Hiệu ứng domino - còn quá sớm để đánh giá tác động của dịch bệnh?
Tuy nhiên, xem ra vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của dịch bởi dịch này có nguy cơ gây mất nhiều việc làm, đẩy giá tiêu dùng lên cao, với những ảnh hưởng có thể vượt ra ngoài những dự báo nói trên. Trong đó, 290 triệu công nhân nhập cư của Trung Quốc sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Nhiều người trong họ vốn di cư từ nông thôn lên các thành phố để làm việc, chẳng hạn xây dựng, hoặc các công đoạn sản xuất nặng nhọc nhưng lương thấp, hay lao động giản đơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nhà máy đang phải ngừng hoạt động do dịch, hàng triệu công nhân có thể khó tìm được việc làm sau Tết Nguyên Đán.
Bởi thế, ông Zhang Ming, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới, cho dù tỷ lệ này đã dao động trong khoảng khoảng 4% hoặc 5%.
Theo ông Zhang, virus có thể khiến hàng tiêu dùng đắt đỏ hơn. Trong khi ngân sách đã bị thắt chặt vì nợ công tăng; còn khủng hoảng thịt heo do dịch tả heo châu Phi bùng phát năm ngoái đã khiến giá thịt tăng vọt.
Giờ đây, giá rau lại tăng khi mọi người đổ xô đi mua nhu yếu phẩm trong đợt bùng phát virus Corona. Du lịch - ngành kinh tế trị giá tới hàng tỷ USD chỉ trong dịp Tết Nguyên Đán - đã bị ảnh hưởng nặng khi Chính phủ quyết cách ly nhiều thành phố lớn và du khách tránh đi du lịch vì sợ nhiễm bệnh.
Các công ty du lịch, khách sạn và hãng hàng không lớn đã đề nghị hoàn tiền lại cho khách đến gần như hết tháng Hai. Nhiều hãng hàng không đã dừng các chuyến bay đi và đến từ Trung Quốc. Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn nhằm trấn an các nhà đầu tư.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương), trong một tuyên bố chung với các cơ quan khác thuộc chính phủ, cho biết các doanh nghiệp trong khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch virus Corona, gồm cả những công ty cung cấp vật tư y tế, có thể được giảm lãi suất cho vay.
Các ngân hàng ở Trung Quốc cũng cho biết sẽ gia hạn khoản vay trong vài tháng với người dân ở Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung nếu họ mất nguồn thu nhập.
Ông Zhang cho rằng các biện pháp như cắt giảm thuế, đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, tạo việc làm... có thể giúp Trung Quốc phục hồi tăng trưởng trong quý II/2020 và đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này tăng khoảng 5,7%, thấp hơn mức tăng trưởng 6,1% của năm 2019./.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone