Kỳ vọng đợt giảm lãi suất vay mới

Thanh Xuân - 08/06/2021 07:34 (GMT+7)

Ngân hàng nhà nước vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng vay trước những ảnh hưởng dịch Covid-19.

VNF
Vietcombank giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng ở Bắc Giang, Bắc Ninh

Nhiều chương trình hỗ trợ

Dạo một vòng quanh thị trường lãi suất cho thấy, nhiều nhà băng đã vào cuộc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lần đối mặt với covid-19. Với ông lớn Vietcombank, trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra công văn trên vài ngày, nhà băng này đã thực hiện giảm lãi suất cho vay tiền đồng tới 1%/năm và tới 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp, người dân tại địa bàn các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Đối tượng giảm lãi suất không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank. Đồng thời nhà băng này giảm phí lên đến 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản (gói tài khoản, phí rút tiền…) đối với khách hàng cá nhân. Thời gian giảm lãi và phí của Vietcombank trong vòng 3 tháng, từ ngày 1/6 - 31/8.

Ngoài 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vietcombank cũng đang thực hiện hỗ trợ các khách hàng vay vốn ở những tỉnh thành khác theo quy định. Trong năm 2020 và đầu 2021, Vietcombank đã liên tục triển khai 6 đợt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung và chương trình tri ân hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tính đến hiện tại, Vietcombank đã hỗ trợ được 27.450 khách hàng doanh nghiệp và 332.720 khách hàng cá nhân với tổng doanh số cho vay mới là 1,682 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi giảm trong năm 2020 là 3.260 tỷ đồng và trong đầu năm 2021 là 1.400 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaiGonBank) vừa thông báo giảm lãi suất cho vay 2% so với mức lãi suất cho vay tương ứng đối với gói tín dụng 900 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển hoạt động kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lãi suất cho vay của chương trình này là 5,5%/năm. Thời gian cho vay kéo dài đến 31/8.

Đại diện của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết cũng đang xem xét mức giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Còn phía VIB cho hay hiện ngân hàng đang tiếp tục triển khai các gói giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm khách hàng theo mức độ ảnh hưởng Covid-19. VIB hiện giảm lãi suất 2%/năm đối với hợp đồng vay cũ và mới từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.

Tính đến hết tháng 5/2021, nhà băng này đã thực hiện cơ cấu nợ cho hơn 3.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.950 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98% tính trên tổng số đơn đề nghị cơ cấu nợ của khách hàng. NH thực hiện giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu cho 8.380 khách hàng, mức giảm lãi suất từ 0,5 - 2%, trong đó 8.054 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch.

Cần thêm biện pháp hỗ trợ

Ngày 7/6, NHNN công bố thêm hệ thống tổ chức tín dụng đã có thêm 50 công ty tài chính, ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân tham gia hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đợt 2.

Trong đợt 1 công bố hồi tháng 4, có tổng cộng 74 ngân hàng trong và ngoài nước; 19 công ty tài chính, cho thuê tài chính và 251 quỹ tín dụng nhân dân.

Theo báo cáo ngày 7/6 về việc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM, NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết 11 ngân hàng đăng ký gói tín dụng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với số tiền vay 312.045 tỷ đồng, lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm đối với trung dài hạn. Các hình thức hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất cho khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ…

Đừng chờ vào việc giảm lãi suất huy động để kéo lãi vay xuống. Nhà nước cần áp dụng lãi suất tái chiết khấu, giúp lãi suất NH được thấp hơn trong thời gian ngắn hay thực hiện giãn nợ cho khách hàng thời gian ngắn để vượt qua dịch.

TS Đinh Thế Hiển

Trong 4 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã giải ngân được 1/3 số tiền đăng ký cho 12.242 khách hàng. Đối với việc thực hiện Thông tư 01, các ngân hàng đã giảm lãi suất vay, cơ cấu lại nợ cho hơn 401.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,051 triệu tỷ đồng, trong đó miễn giảm lãi cho 124.652 khách hàng với dư nợ 7.657 tỷ đồng.

Sau khi tiếp nhận 778 trường hợp từ các cơ quan ban ngành trên địa bàn thành phố phản ánh, các ngân hàng đã giảm lãi từ 0,2 - 2%/năm cho 93 trường hợp, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 21 doanh nghiệp, 47 trường hợp vay mới, 4 trường hợp tăng hạn mức tín dụng…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP. HCM, cho biết các ngân hàng trên địa bàn thành phố hiện nay cũng đang triển khai các công tác phòng chống dịch, một số điểm giao dịch ngân hàng phải đóng cửa do Covid-19.

Ngoài công tác phòng chống dịch Covid-19, các ngân hàng cũng đã nhận được công văn yêu cầu cũng như xem xét tính toán trong khả năng để giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác, dựa vào năng lực và khả năng tài chính, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư 01/2020, Thông tư số 03/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới...

Ước tính trong 5 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM tăng 4,7%, đạt trên 2,65 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn ước đạt 1,22 triệu tỷ đồng, trung dài hạn ước đạt 1,43 triệu tỷ đồng. Trong khi đó huy động tăng chậm hơn, khoảng 2%.

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng: để kỳ vọng lãi vay giảm thêm là hơi khó vì nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào NH, 95% doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.

Trong khi tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đang cao, huy động của ngân hàng lại giảm. Mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm ở mức thấp khiến nhiều người có tiền đổ vào chứng khoán. Các ngân hàng cũng đã triển khai các gói hỗ trợ khách hàng và những quy định đưa ra thực hiện trên tinh thần tự nguyện, ngân hàng tự cân đối để có thể giảm lãi cho khách hàng. Thế nhưng, trước sức ép cổ đông, lợi nhuận, ban điều hành nhà băng cũng phải tính toán cân đối lợi ích chung.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác