Kỳ vọng nới mạnh 'room' tín dụng trong nửa cuối năm 2022
Minh Tâm -
24/02/2022 19:03 (GMT+7)
(VNF) - Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của VIB, cho rằng các ngân hàng hiện nay không chỉ cần quan tâm đến việc hạn mức tăng trưởng tín dụng ("room" tín dụng) cao bao nhiêu mà còn cần quan tâm đến việc "room" tín dụng được sử dụng như thế nào.
Chia sẻ tại hội thảo Chính sách tiền tệ mở rộng và cơ hội cho ngành ngân hàng do Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) tổ chức mới đây, ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của HSC, cho hay xu hướng tăng lãi suất sớm hay muộn cũng sẽ lan dần từ các nước phát triển sang các nước phát triển và diễn ra mạnh hơn từ quý III/2022 trở đi. Lãi suất huy động trên thị trường sẽ tăng lên, tuy nhiên, tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất này vẫn ít hơn tiềm năng tăng trưởng kinh tế.
Ông Long kỳ vọng sẽ không có đợt tăng lãi suất điều hành nào từ Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022. Đồng thời dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ vẫn duy trì ở mức dưới 4%, kể cả trong kịch bản giá dầu vượt 100 USD/thùng và lạm phát chịu áp lực từ việc nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, giá thực phẩm có xu hướng tăng và lộ trình tăng học phí được hiện thực hóa.
Bà Bùi Hoàng Minh, Chuyên gia Phân tích cao cấp, Khối Khách hàng cá nhân thuộc HSC, dự báo tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong 2 năm tới sẽ ở mức khoảng 14%/năm, trong đó, các ngân hàng tư nhân sẽ có xu hướng được cấp tín dụng cao hơn các ngân hàng quốc doanh. Trước đó, trong quý IV/2021, tín dụng đã tăng tốc khá nhanh sau một thời gian bị dồn nén và nhu cầu mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên.
Đồng quan điểm với các chuyên gia HSC, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), cũng kỳ vọng năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ đạt khoảng 14%, gấp đôi tăng trưởng GDP. Cùng với đó, tăng trưởng vốn huy động dự kiến phục hồi lên mức 11%, sau khi tăng rất thấp trong năm 2021 (chỉ 8,4%), trong khi 5 năm trước đó bình quân ở mức khoảng 13,1%/năm.
Chia sẻ thêm về hoạt động tín dụng, bà Hương cho biết Ngân hàng Nhà nước thường đánh giá và xếp hạng các tổ chức tín dụng qua bộ chỉ tiêu CAMELS (theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN và Thông tư 23/2021/TT-NHNN), từ đó cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Các tiêu chí này bao gồm: Nguồn vốn (tỷ lệ an toàn vốn CAR, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1...) với trọng số 20%; Chất lượng tài sản (tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay tập trung khách hàng lớn, tỷ lệ dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản...) với trọng số 30%; Quản trị (tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động CIR...) với trọng số 10%; Lợi nhuận (ROE, ROA, NIM, trung bình số ngày dự thu lãi...) với trọng số 20%; Thanh khoản (tỷ lệ cho vay trên tiền gửi LDR, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn SMLR...) với trọng số 15%; 5% còn lại liên quan đến mức độ nhạy cảm với các rủi ro.
Theo bà Hương, thông thường, Ngân hàng Nhà nước khá thận trọng trong việc cấp "room" tín dụng đầu năm. Tuy nhiên, vị này kỳ vọng trong nửa cuối năm 2022, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, "room" tín dụng sẽ được nới ra theo nhu cầu tín dụng.
Giám đốc chiến lược của VIB nhấn mạnh rằng các ngân hàng hiện nay không chỉ cần quan tâm đến việc"room" tín dụng cao bao nhiêu mà còn cần quan tâm đến việc "room" tín dụng được sử dụng như thế nào.
Chẳng hạn như tại VIB, ngân hàng này sẽ dành 90% "room" tín dụng được cấp cho mảng bán lẻ. Hiện nay, 90% dư nợ tín dụng của VIB là bán lẻ, so với mức trung bình ngành khoảng 35-40%. Theo bà Hương, nhờ việc dồn toàn bộ nguồn lực cho mảng bán lẻ nên chỉ số CAMELS của VIB được cải thiện rất tích cực và luôn nằm trong top các ngân hàng được cấp "room" tín dụng cao. Trong vòng 5 năm qua, doanh số mảng bán lẻ của VIB tăng 7 lần nhưng lợi nhuận tăng tới 31 lần.
Về triển vọng ngành ngân hàng năm 2022, các chuyên gia chung niềm tin rằng mặc dù lãi suất huy động có thể tăng nhưng tỷ lệ NIM của toàn ngành vẫn sẽ duy trì ở mức khả quan, thậm chí có thể được cải thiện nhờ tỷ lệ tín dụng bán lẻ tăng, tiền gửi không kỳ hạn tăng, các ngân hàng không thực hiện nhiều chương trình giảm lãi suất cho vay như trong năm 2021 và có thể chuyển một phần áp lực về chi phí huy động sang lãi suất cho vay.
Cùng với đó, doanh thu ngoài lãi, đặc biệt là doanh thu bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) cũng sẽ phục hồi, nhờ kinh tế phục hồi, giao dịch trực tuyến phát triển mạnh và tỷ trọng người dân sử dụng bảo hiểm/GDP của Việt Nam rất thấp.
Ngoài ra, áp lực chi phí dự phòng có thể giảm dần khi kinh tế phục hồi.
Năm 2022, bà Trần Thu Hương dự báo nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số. Với riêng VIB, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 31% lên 10.500 tỷ đồng và sẽ đạt lợi nhuận trên 1 tỷ USD đến năm 2027. Ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ kết hợp với số hóa, tiếp tục giữ vị trí số 1 về thị phần cho vay mua ô tô, doanh số bảo hiểm, tỷ trọng bán lẻ, tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng và tốc độ số hóa ngân hàng.
Liên quan đến lo ngại chiến sự giữa Nga và Ukraine leo thang, chuyên gia HSC Bùi Hoàng Minh cho rằng ngành ngân hàng vẫn là ngành hưởng lợi trong năm 2022 nhiều hơn là bất lợi, dù rằng việc giá năng lượng tăng do bất ổn chính trị có thể làm tăng áp lực chi phí lên nhiều nhóm ngành.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.