Làm giàu nhờ tăng trưởng tài sản: 4 yếu tố cần lưu tâm
Khánh Tú -
28/03/2024 09:48 (GMT+7)
(VNF) - Ở góc độ cá nhân, tăng trưởng tài sản là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà đầu tư, đồng thời có đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tài sản thông qua việc đầu tư của mỗi người lại có những khía cạnh khác nhau, để từ đó chọn cho mình một hướng đi phù hợp nhất.
Theo bà Trần Thị Mai Hân, Chuyên gia Hoạch định TCCN tại Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, có 4 yếu tố chính để mỗi người có thể chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất trên hành trình tăng trưởng tài sản, bao gồm: đầu tư với chiến lược phù hợp, phân bổ tỷ trọng các tài sản đầu tư, đảm bảo tính thanh khoản của danh mục đầu tư và lựa chọn sản phẩm đầu tư phù hợp.
Đầu tiên, đầu tư tăng trưởng tài sản phải đi với chiến lược phù hợp, hoặc là tăng trưởng giá trị khoản đầu tư, hoặc là tạo thu nhập từ khoản đầu tư.
Khi tăng trưởng giá trị khoản đầu tư, nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận. Tuy vậy, lợi nhuận tăng trưởng lớn có thể sẽ đi kèm với rủi ro lớn. Chính vì thế, nhà đầu tư cần phải có kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, hiểu được chu kỳ đầu tư để từ đó có khả năng chịu đựng được sự biến động giá trị của khoản đầu tư đó.
Nhà đầu tư cũng có thể nhận được thu nhập khi nắm giữ tài sản có khả năng tạo thu nhập. Đa số chúng ta đều nghĩ đến thu nhập thụ động đến từ việc cho thuê bất động sản. Tuy nhiên, thu nhập còn có thể tạo ra từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu, và từ cổ tức bằng tiền.
Tăng trưởng vốn từ việc nắm giữ tài sản có tốc độ chậm hơn so với tăng trưởng giá trị, tuy nhiên nó thường chắc chắn và ổn định hơn. “Không có câu trả lời đúng hay sai cho những câu hỏi như “chiến lược đầu tư nào sẽ tốt hơn”. Câu trả lời là tùy thuộc vào bạn bởi cách nào cũng có giá trị riêng. Và sự cân bằng giữa hai chiến lược này sẽ tối ưu cho mục tiêu tài chính”, bà Hân nhận định.
Tiếp đến, nhà đầu tư cần phân bổ tỷ trọng các tài sản đầu tư để tối ưu hiệu suất lợi nhuận. Theo bà Hân, danh mục đầu tư cần đa dạng để tối ưu hiệu suất lợi nhuận cũng như phân tán rủi ro. Dễ thấy là để danh mục đầu tư mang lại lợi nhuận cao thì tỷ trọng tài sản đầu tư có tiềm năng lợi nhuận tốt cũng phải cao.
“Không thể mong đợi hiệu suất lợi nhuận vượt trội ở một danh mục đầu tư có 70% giá trị tài sản nằm ở kênh Tiền gửi tiết kiệm. Do vậy, khi danh mục đầu tư được kỳ vọng mang lại lợi nhuận trên 10% thì lớp cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, hay Bất động sản chắc chắn phải xuất hiện trong danh mục với tỷ trọng cao”, bà Hân cho hay.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần đảm bảo rằng danh mục đầu tư cần đảm bảo tính thanh khoản. Tính thanh khoản tốt được thể hiện ở việc có thể chuyển đổi tài sản thành tiền nhanh chóng mà vẫn đảm bảo được giá trị của chúng. Bán nhanh, bán gấp một tài sản thì khó có thể bán được giá tốt. Việc bán rẻ tài sản khiến cho hiệu quả đầu tư của cả danh mục không đạt kỳ vọng.
“Do vậy, nhà đầu tư cần có kế hoạch đầu tư toàn diện và cần chọn lựa sản phẩm đầu tư tương thích với các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu tài chính ngắn hạn. Để đáp ứng mục tiêu ngắn hạn thì cần đầu tư vào sản phẩm Tiền gửi tiết kiệm hay Trái phiếu có đảm bảo, có độ an toàn và tính thanh khoản tốt”, theo chuyên gia của FIDT.
Một điều đáng lưu ý khác là mỗi nhà đầu tư cần chọn lựa sản phẩm đầu tư tương thích với khẩu vị rủi ro. Chẳng hạn như, nhà đầu tư trẻ cần có thái độ tích cực hơn đối với rủi ro, tăng trải nghiệm đầu tư với số vốn nhỏ, tích lũy được nhiều kinh nghiệm đầu tư tốt, sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn khi quản lý danh mục đầu tư lớn trong tương lai.
Khi nhà đầu tư tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro của họ có thể mức cao hơn; họ có thể chấp nhận mức biến động mạnh về giá trị của tài sản đầu tư. Ngược lại, những nhà đầu tư lớn tuổi cần điều chỉnh giảm mức độ chấp nhận rủi ro, hướng đến đầu tư cân bằng, an toàn cho giai đoạn nghỉ hưu.
Việc tăng trưởng tài sản sẽ bắt đầu từ việc đầu tư khoản thặng dư hàng tháng, tức khoản tiền tiết kiệm hàng tháng. Nhà đầu tư cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì và tăng thu nhập, bằng cách tập trung nâng cao kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để có được nguồn thu nhập bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng thu nhập cần phải cao hơn tỷ lệ tăng của chi tiêu, từ đó tăng tỉ lệ thặng dư theo thời gian. Đây là yếu tố quan trọng để tạo nền tảng cho việc đầu tư, tận dụng sức mạnh của lãi kép để tăng trưởng tài sản.
Mục tiêu tăng trưởng tài sản trong dài hạn luôn đi đôi với việc đạt được các mục tiêu tài chính ngắn hạn. Thông qua việc phân tích tình hình tài chính của gia đình và xác định rõ các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong cuộc sống, chúng ta sẽ đưa ra các kế hoạch vận dụng phù hợp các sản phẩm đầu tư để đạt được các mục tiêu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần có quỹ dự phòng tài chính cũng như các loại bảo hiểm để đối phó với những rủi ro bất ngờ, giúp cho hành trình đầu tư được thuận lợi hơn.
Nhà đầu tư cũng cần cập nhật kiến thức vĩ mô để nắm bắt kịp thời các thay đổi của tình hình kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu, từ đó có thể định hướng tái cơ cấu sản phẩm đầu tư phù hợp với chu kì kinh tế. Hoạch định tài chính cá nhân sẽ giúp nhà đầu tư có thể chủ động ứng phó với các kịch bản từ tiêu cực đến lạc quan và đạt được thành công.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.