Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo khi hệ thống truyền tải không theo kịp buộc nhiều nhà máy phải giảm phát trên 50% công suất.
Tại hội thảo "Năng lượng tái tạo Việt Nam, từ chính sách tới thực tiễn" ngày 27/11, những điểm nghẽn trong phát triển điện mặt trời được chuyên gia, nhà đầu tư mổ xẻ.
Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, ông Phạm Văn Hậu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sau thời gian phát triển với chính sách giá ưu đãi 9,35 cent một kWh theo Quyết định 11, tổng công suất các dự án điện mặt trời của Ninh Thuận đưa vào vận hành hơn 1.100 MW.
Song, sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 69% công suất, gây thất thoát, lãng phí.
"Hiện Ninh Thuận có khoảng 10 dự án bị cắt giảm công suất trên 50%. Lãnh đạo tỉnh và EVN đang họp bàn tìm giải pháp giải toả công suất cho các dự án này", ông Hậu nói.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Vũ cũng phản ánh, rủi ro với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời là phải cam kết giảm công suất phát trong trường hợp lưới điện quá tải. "Giờ phát điện mặt trời khá ngắn, khoảng 2.000 giờ mỗi năm, mà có đơn vị giảm 30-40% công suất phát thì khó khăn vô vùng, nhất là trong vay vốn ngân hàng", ông Ngọc chia sẻ.
Nguyên nhân khiến các dự án điện mặt trời buộc phải cắt giảm công suất, theo các chuyên gia, do chưa có sự đồng bộ trong phát triển dự án điện và lưới truyền tải.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng quy hoạch Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thừa nhận tốc độ phát triển điện mặt trời đang rất nhanh so với tốc độ xây dựng lưới điện truyền tải dẫn đến các dự án không thể phát được hết công suất trong giờ cao điểm. "Bộ nắm được những thách thức. Chúng ta cần phát triển điện mặt trời để đáp ứng được nhu cầu phụ tải, mặt khác xác định quy hoạch cũng như xây dựng phải đồng bộ với tiến độ triển khai của các dự án lưới điện", ông nói.
Trong khi đó, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói, một trong những nguyên nhân dẫn tới điểm nghẽn lưới truyền tải là do trước nay chưa làm quy hoạch điện mặt trời bài bản, nên khi dự án "nở rộ" hệ thống lưới truyền tải không đáp ứng được nhu cầu.
Quy hoạch điện VII điều chỉnh đặt ra mục tiêu phát triển điện mặt trời ở mức 850 MW vào năm 2020, song thực tế tổng công suất các nguồn điện mặt trời và điện gió đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch là trên 15.200 MW, trong đó 10.700 MW điện mặt trời, 4.460 MW điện gió. Hết tháng sáu, 98 dự án với công suất gần 4.900 MW được đưa vào vận hành, trong đó 89 nhà máy điện mặt trời công suất gần 4.500 MW, điện gió là 440 MW.
Tuy nhiên, hầu hết dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành trong thời điểm tháng 4 đến tháng 6/2019 với tổng công suất 4.000 MW và tập trung mật độ lớn ở Ninh Thuận (1.102 MW) và Bình Thuận (995 MW). Các nhà máy này đấu nối chủ yếu qua đường dây 220 kV Tháp Chàm - Vĩnh Tân và đường dây 110 kV Tháp Chàm - Phan Rí, khiến hệ thống đường dây truyền tải khu vực này bị quá tải.
Vừa qua 19 nhà máy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận với tổng công suất 670 MW (chiếm 14% công suất vận hành) buộc phải hạn chế công suất phát do quá tải lưới điện. Riêng tháng 11, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng phải đề xuất giảm phát khoảng hơn 440 MW từ các dự án điện mặt trời tại 2 tỉnh này, dù đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường lưới, chống quá tải.
Về phía EVN, ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, việc nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110 kV - 500 kV, do các dự án lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời.
Thông thường, thời gian xây dựng, vận hành một dự án điện mặt trời hay điện gió chỉ mất 6 tháng đến một năm, trong khi để triển khai các thủ tục đầu tư và xây dựng một đường dây, một trạm biến áp truyền tải thông thường 2-3 năm, và có thể kéo dài hơn nếu vướng đền bù, đất đai.
Tuy nhiên lãnh đạo EVN khẳng định, bằng mọi cách sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời vào giữa năm 2020. "EVN đề nghị các chủ đầu tư chung tay cùng tập đoàn xây dựng hệ thống truyền tải, điểm đấu nối từ nhà máy vào hệ thống thì tư nhân có thể làm", ông Tài Anh nói.
Riêng khu vực Ninh Thuận, Phó tổng giám đốc EVN thông tin, tập đoàn này đề xuất lắp đặt tạm 2 trạm biến áp 220 kV (Vĩnh Tân và Phước Thái), dự kiến hoàn thành trong quý II/2020 theo hình thức các nhà đầu tư lắp đặt trạm, sau đó cho EVN thuê vận hành. Với hướng này, các trạm mới sẽ cơ bản giải tỏa hết công suất cho những nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019.
Xã hội hoá đường dây truyền tải điện được các chuyên gia cho rằng là giải pháp phần nào giải toả nút thắt trong phát triển điện mặt trời.
Theo kế hoạch phát triển lưới điện tại quy hoạch điện VII, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư là 214.000 tỷ đồng và tăng lên 610.000 tỷ tới năm 2030. Với số vốn đầu tư này EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính. Trong khi đó, theo quy định hiện nay Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có điều kiện để tận dụng nguồn lực xã hội vào hệ thống truyền tải điện.
Để giải quyết tình trạng này, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, ngoài đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án lưới vào vận hành, Bộ cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ một dự án truyền tải điện của Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam, trong phê duyệt bổ sung Dự án điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam kết hợp đường dây truyền tải vào quy hoạch điện quốc gia.
Việc cho phép tư nhân đầu tư lưới truyền tải, theo vị này, sẽ đảm bảo dự án điện mặt trời phát được hết công suất và Bộ Công Thương ủng hộ xã hội hoá lưới truyền tải.
Ông Tuấn Anh nói thêm, điểm vướng hiện nay là Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, trong khi truyền tải gồm đầu tư, quản lý vận hành. Cơ quan này sẽ nghiên cứu cơ chế, báo cáo Chính phủ giải pháp huy động nguồn lực xã hội đầu tư lưới điện theo hướng cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư, sau đó bàn giao cho ngành điện quản lý vận hành. "Cần có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để làm rõ hơn khái niệm độc quyền trong hoạt động truyền tải, theo hướng độc quyền Nhà nước chỉ độc quyền quản lý, vận hành còn đầu tư thì cho phép xã hội hoá", ông nêu.
Thế nhưng ở góc nhìn của mình, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi khẳng định, giải pháp căn cơ tháo nút thắt điểm nghẽn trong phát triển điện mặt trời là "Việt Nam cần phải có cơ sở tính toán khoa học, cụ thể và bài bản cho quy hoạch điện".
Còn nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng Nguyễn Anh Tuấn lưu ý, các chính sách và các bước tiếp sau như quy hoạch, kế hoạch hành động "cần phải đồng bộ để "từ chính sách đến thực tế" không có các điểm nghẽn".
Với kinh nghiệm tư vấn cho các nước trong khu vực về phát triển năng lượng tái tạo, ông Rahul Kitchlu - Trưởng nhóm ngành năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) góp ý, Việt Nam cần nâng cao được năng lực của Trung tâm truyền tải và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Ông cũng cho biết có thể học tập kinh nghiệm của Australia khi nước này đã đưa các pin lithium vào lắp đặt nhằm tăng tính chống chịu của hệ thống khi công suất điện tăng đột biến.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone