'Liên kết tiểu vùng Nam Trung bộ còn lỏng lẻo, thiếu nhạc trưởng”

T.Hương – K.Hồng - 24/06/2022 16:12 (GMT+7)

(VNF) - “Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước; lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy”, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Ngày 24/6, tại Khánh Hòa, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm “Liên kết phát triển Tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi tọa đàm.

Để triển khai đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch phục vụ việc tổng kết.

Trong đó có tổ chức một số hội thảo, tọa đàm nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW; cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ đã vận dụng sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn những khó khăn.

3/4 địa phương trong tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn; các ngành thâm dụng lao động và giá trị gia tăng cao chưa có tỷ trọng lớn và chưa giữ được vai trò chủ đạo.

Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm.

Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện chậm; nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ; chưa thích ứng với các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước các tác động bất lợi. Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng.

“Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước; lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy”, ông Trần Tuấn Anh nhận định.

Theo ông Trần Tuấn Anh, tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế- xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung và tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới.

Đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh thành, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, Nghị quyết 39-NQ/TW và Quy hoạch của Chính phủ chia Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành 3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), tiểu vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị).
Cùng chuyên mục
Tin khác