'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Liên minh thổi giá
Nguyên tắc cho vay của ngân hàng là bên vay phải thế chấp tài sản và chỉ được vay tối đa 70% giá trị định giá. Bởi vậy, các công ty thẩm định giá và bộ phận tái thẩm định của ngân hàng là mắt xích quan trọng nhất trong quy trình.
Hiểu rõ điều này, Trương Mỹ Lan đã dùng quyền lực và tiền để sắp xếp cho Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc SCB tìm kiếm, xây dựng liên minh “ma quỷ” với các công ty thẩm định giá.
Trong trường hợp gặp khó khăn về tiền để trả cho các khoản vay trước, bà Lan sẽ mượn tài sản, dự án của bạn bè, hoặc dự án, tài sản của mình để đưa vào SCB làm tài sản đảm bảo. Các tài sản này thường không đủ giá trị để đảm bảo cho số tiền vay, thì các lãnh đạo SCB phải chủ động phân công thuộc cấp thuê thẩm định giá nâng khống lên. Việc khai khống giá trị của dự án Mũi Đèn Đỏ, do Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư, là một trong những thủ đoạn điển hình.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (gọi tắt Công ty Sài Gòn Peninsula), có trụ sở tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM, được thành lập ngày 08/7/2003. Ngành nghề kinh doanh chính: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Vốn điều lệ thời điểm hiện tại là 18.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân.
Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty là ông Nguyễn Ngọc Dương (đã chết). Hội đồng quản trị gồm Chủ tịch Trương Vincent Kinh cùng 2 Thành viên Kwok Hakman Oliver và Nguyễn Phương Anh.
Sài Gòn Peninsula được biết đến là công ty liên danh do Tập đoàn VTP hợp tác với 2 nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group, để thực hiện dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TP. HCM. Dự án có quy mô lên đến 117.8 ha, tổng mức đầu tư “khủng” 6 tỷ USD.
Theo kết luận điều tra, Sài Gòn Peninsula đã có hành vi đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản bảo đảm là dự án Mũi Đèn Đỏ. Cụ thể, SCB đã giải ngân cho 100 khách hàng thông qua 137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ. Tổng dư nợ 133.710 tỷ đồng, gồm gốc 107.923 tỷ đồng, lãi 26.317 tỷ đồng (chiếm 22% tổng dư nợ gốc nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP tại SCB).
Trong khi đó, Công ty Thẩm định Giá Hoàng Quân chỉ định giá giá trị của tài sản bảo đảm là hơn 22.000 tỷ đồng (chỉ gần bằng 4% giá trị sổ sách). Cụ thể, công ty thẩm định này xác định tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần không định giá được vì cổ phần đã định giá trị vào quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ được định giá có hơn 18.300 tỷ đồng; các bất động sản khác khoảng 3.690 tỷ đồng.
SCB đánh giá về tài sản bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro với giá trị là gần 17.600 tỷ đồng, trong đó, quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là gần 17.600 tỷ đồng, còn các bất động sản khác là 0 đồng.
Ban kiểm soát chỉ là 'bù nhìn'
Tại SCB, Ban Kiểm soát có chức năng rất lớn, có quyền kiểm tra toàn bộ hoạt động của ngân hàng. Nhưng, như lời nói đầy “cay đắng” của một nguyên Trưởng ban Kiểm soát SCB, thì thực tế, hoạt động của ban này đối với các hoạt động nói chung và hoạt động cấp tín dụng của SCB nói riêng luôn bị cản trở, không được các đơn vị liên quan tại Ngân hàng phối hợp. Thế nên, dù Ban Kiểm soát có lên kế hoạch, thậm chí có kiểm tra, thì cũng chỉ là hình thức.
Cùng chung số phận, phòng thẩm định của ngân hàng cũng chỉ là “bù nhìn”. Theo lời khai của các bị can từng là Giám đốc phòng tái thẩm định SCB, các lãnh đạo SCB do bà Lan cài cắm đã chỉ đạo bộ phận này không tiến hành thẩm định các hồ sơ vay có tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ, đồng thời phối hợp với bên thứ ba nâng khống giá trị của tài sản đảm bảo này.
Bị can Võ Văn Tường, nguyên Giám đốc phòng tái thẩm định SCB khai rằng, đã nhận chỉ đạo từ Phạm Văn Phi, Phó Tổng Giám đốc SCB để ký các tờ trình tái thẩm định với vai trò là Giám đốc phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB, dù biết rõ những hồ sơ liên quan đến dự án Mũi Đèn Đỏ là các khoản vay liên quan đến bà Lan. Trên thực tế, phòng tái thẩm định đã không thẩm định điều kiện vay vốn (năng lực của khách hàng vay vốn, nhu cầu vay vốn, phương án sử dụng vốn, khả năng trả nợ) vì đây là các hồ sơ vay tiền SCB của Tập đoàn VTP để trả nợ, cơ cấu nợ xấu… Có những khoản vay Hội đồng tín dụng chỉ đưa biên bản cho các Thành viên ký mà không tiến hành họp.
Trước ông Tường, người đảm nhiệm chức Giám đốc phòng tái thẩm định SCB là ông Mai Văn Sáu Nhở (2010 - 2020). Trong thời gian làm việc, ông Nhở được chỉ đạo lập các tờ trình tái thẩm định, biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư Hội sở đồng ý cho các khách hàng của hệ sinh thái Tập đoàn VTP vay vốn tại SCB dù có dư nợ rất lớn, các khoản vay đều không đảm bảo điều kiện cấp tín dụng theo quy định, nhưng vì các khoản cho vay theo chỉ đạo của cấp trên nên buộc phải giải quyết.
Tuy nhiên đến tháng 12/2020, ông Nhở bị cho thôi việc cùng 6 người khác do đã phản ứng lại sau khi được chỉ đạo tổ chức giải ngân liên quan tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ. Cụ thể, thời điểm dự án đang có dư nợ hơn 30.000 tỷ nhưng đã được nâng khống định giá lên 150.000 tỷ để SCB có thể giải ngân thêm 100.000 tỷ cho nhóm VTP.
Đơn vị thẩm định dự án Mũi Đèn Đỏ là Công ty cổ phần Thẩm định Giá Thiên Phú, do 3 thành viên góp vốn gồm ông Trần Tuấn Hải, ông Phan Đình Thiên và bà Trần Thị Kim Ngân. Theo lời khai, bà Ngân đã tiếp nhận hồ sơ tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của SCB từ ông Trần Văn Nhị, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hãng Kiểm toán ATC.
Sau đó, bà Ngân cùng ông Hải làm theo yêu cầu của ông Nhị về việc phát hành hai chứng thư nâng khống giá trị của dự án và lùi ngày phát hành chứng thư, qua đó giúp SCB hoàn thiện hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo và giải ngân cho 65 khách hàng vay. Tổng dư nợ của 65 khách hàng này tại ngày 17/10/2022 là gần 127.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 105.700 tỷ đồng, nợ lãi hơn 21.700 tỷ đồng.
Theo định giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân, giá trị tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ nếu được đánh giá đúng quy định thì chỉ hơn 17.300 tỷ đồng, tức việc nâng khống giá trị của dự án đã khiến SCB thiệt hại hơn 110.000 tỷ đồng.
Ngoài gây thiệt hại cho SCB, Mũi Đèn Đỏ còn nằm trong 3 dự án khiến các hệ số an toàn của SCB xấu đi đáng kể, tuy nhiên việc này đã được che giấu bởi Đỗ Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng (Vụ I), sau này là Cục trưởng Cục II thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (TTGSNH), đồng thời là Trưởng đoàn Thanh tra SCB và các thành viên tổ tổng hợp 2 thuộc cơ quan TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.