Tài chính

Loạt kế hoạch mới của 'cỗ máy tăng trưởng' MWG

(VNF) - Như một "cỗ máy tăng trưởng", MWG vẫn liên tục tìm kiếm và triển khai các kế hoạch mới, các dự án mới, các thử nghiệm mới.

Loạt kế hoạch mới của 'cỗ máy tăng trưởng' MWG

Với việc mở rộng chuỗi Điện máy Xanh Supermini, MWG kỳ vọng sẽ nâng thị phần ngành điện máy lên mức 60% từ mức 40% hiện tại

Trên thị trường chứng khoán, MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động là một cổ phiếu tăng trưởng điển hình. Kể từ khi lên sàn vào năm 2014 đến nay, thị giá MWG đã tăng tới 633%. Song song, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng tăng rất mạnh, bình quân giai đoạn 2014 - 2019 lên đến 50%/năm đối với doanh thu thuần và 60%/năm đối với lợi nhuận trước thuế.

6 tháng đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đối với ngành bán lẻ, đặc biệt là các chuỗi bán lẻ vật lý, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của MWG vẫn ghi nhận tăng trưởng lần lượt 7,8% và 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù chặng đường hai năm tới còn nhiều khó khăn, bởi "dịch như thủy triều, ập đến rồi lại rút đi" như lời của Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài chia sẻ trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, nhưng doanh nghiệp này vẫn không ngừng nghỉ thực hiện các thử nghiệm mới, các dự án mới nhằm gối đầu tăng trưởng trong tương lai.

Theo tiết lộ của ông Đoàn Văn Hiểu Em, người phụ trách hai chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh, tính tới thời điểm hiện tại, chuỗi Thế giới di động đã chiếm khoảng 50% thị phần điện thoại, trong khi Điện máy Xanh chiếm khoảng trên 40% thị phần điện máy.

"Đúng là thị trường điện thoại có sự chững lại. Tuy nhiên, với mảng điện máy, chúng tôi thấy còn rất nhiều cơ hội, đó là lý do mà trong năm vừa qua và năm nay, chúng tôi lên kế hoạch chuyển đổi shop Thế giới di động thành Điện máy Xanh và tiếp tục mở rộng thêm shop Điện máy Xanh. Điện máy Xanh Supermini cũng được xem là kế hoạch mà MWG đặt ra để gia tăng thị phần", CEO 8x Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.

Ông Hiểu Em cho biết các cửa hàng Điện máy Xanh hiện nay đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành, trục đường lớn. Vị lãnh đạo này đánh giá các cửa hàng Điện máy Xanh lớn (diện tích 800-1.000m2, doanh thu trung bình mỗi tháng 10 tỷ) và Điện máy Xanh mini (diện tích 300-350m2, doanh thu trung bình mỗi tháng 4 tỷ) đã "hoàn thành sứ mệnh".

Để gia tăng thị phần, sắp tới, MWG sẽ tăng tốc mở mới các cửa hàng Điện máy Xanh Supermini, "đánh" vào khu vực nông thôn. Các cửa hàng này có diện tích khoảng 120-150m2, có đầy đủ các sản phẩm cơ bản mà mô hình Điện máy Xanh mang đến cho khách hàng.

"Với thử nghiệm 25 cửa hàng tại Tiền Giang, kết quả trả ra rất ấn tượng, doanh thu trung bình vào khoảng 1,1-1,2 tỷ, chi phí tiết giảm đi rất nhiều và lãi gộp khá tốt. Mô hình này dự kiến sẽ nhân rộng ra từ nay đến cuối năm, khoảng 300 cửa hàng tại 3 tỉnh miền Tây và 6 tỉnh miền Đông. Năm sau khoảng hơn 1.000 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc", ông Đoàn Văn Hiểu Em cho hay.

Vị lãnh đạo này kỳ vọng với chiến lược trên, thị phần mảng điện máy của MWG sẽ tăng lên mức 60% vào cuối năm 2021, từ mức 40% hiện tại.

Bên cạnh thị trường nội địa, ở mảng điện máy, MWG cũng đang thử nghiệm ở nước ngoài, cụ thể là thị trường Campuchia. Đến cuối tháng 8, công ty dự kiến có khoảng 11 cửa hàng, cuối tháng 9 khoảng 20 cửa hàng và cuối năm mục tiêu là 50 cửa hàng điện máy.

"Đón nhận của thị trường Campuchia khá ấn tượng, chúng tôi đã nghĩ đến việc có lời. Campuchia có thể là nước nhỏ nhưng sẽ là một thử nghiệm khi ra nước ngoài. Mô hình này nếu thực sự thành công, chúng tôi sẽ nghĩ đến những thị trường khác lớn hơn nhiều so với Campuchia", ông Hiểu Em cho biết.

Đối với ngành kinh doanh đang chững lại như điện thoại, để gia tăng nguồn thu, MWG đang "ôm" thêm các dịch vụ liên quan như trả góp, chuyển tiền, thu chi hộ tiền điện nước. Theo CEO chuỗi Thế giới di động Đoàn Văn Hiểu Em, luồng doanh thu mỗi tháng thu về từ các dịch vụ này lên đến trên 10.000 tỷ đồng, lớn hơn cả doanh thu của toàn tập đoàn. Hoa hồng thu về cũng khá lớn.

"Chúng tôi thấy được cơ hội này nên từ đầu năm nay đã xác định là sẽ tập trung nhiều để khai thác tốt hơn những mảng dịch vụ như vậy. Gần đây nhất, với số lượng nhân viên lớn, chúng tôi đã ôm luôn công việc của PG (nhân viên quảng cáo - PV) trả góp, số lượng vừa qua vào khoảng 10.000 PG của các công ty tài chính. Nghĩa là các công ty tài chính rút nhân sự PG khỏi hệ thống của Thế giới di động và Điện máy Xanh, nhân viên của MWG sẽ làm luôn công việc đó", vị lãnh đạo này tiết lộ.

Phía MWG kỳ vọng việc giảm chi phí vận hành sẽ giúp giảm lãi suất trả góp cho khách mua hàng của MWG hoặc có thêm nhiều chương trình trả góp hấp dẫn hơn.

"Trả góp chỉ là một trong những ví dụ về dịch vụ tài chính mà sắp tới Thế giới di động sẽ bắt tay vào làm", ông Đoàn Văn Hiểu Em nói.

MWG đang tìm mọi cách để duy trì tăng trưởng cao trong tương lai

Trong khi hai chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh đã thống trị thị trường và đang tiếp tục cải tiến và giành thêm thị phần, Bách hóa Xanh lại đóng vai trò như là "quân bài tẩy" cho tăng trưởng dài hạn của MWG.

Việc cải tiến được diễn ra liên tục. Theo chia sẻ từ ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG kiêm người phụ trách trực tiếp chuỗi Bách hóa Xanh, hiện nay, lượt khách trung bình cho toàn bộ hệ thống Bách hóa Xanh với 1.600 cửa hàng vào khoảng 450 đến 500 lượt hóa đơn bán hàng/ngày/cửa hàng. Nhưng công ty đang đưa vào các mẫu hình mới có thể cho 1.000-1.500 hóa đơn bán hàng/ngày/cửa hàng.

Đáng chú ý, hiện Bách hóa Xanh đang thử nghiệm mô hình “shop 5 tỷ” (doanh thu 5 tỷ mỗi tháng), diện tích cửa hàng được nới rộng từ mức 200-300m2 lên 450-550m2. Số lượng hàng hóa bao gồm cả hàng thực phẩm, thiết yếu và tươi sống được nâng từ khoảng 4.000-4500 mã lên 5.500-6.000 mã.

"Khi chúng tôi làm thử vài shop ở quận 9, lượng khách hàng đem về rất ổn định, khoảng 1.000 khách/ngày, cho doanh thu thu 100-150 triệu đồng/ngày. Hiện nay, tại TP. HCM, việc mở shop mới bắt buộc phải làm theo mẫu hình mới này. Tại TP. HCM và các tỉnh lân cận có thu nhập cao như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu…, Bách hóa Xanh đang nỗ lực rất khẩn trương để chuyển đổi những shop cũ có lượng khách từ 500-600-700-800 người/ngày lên mô hình mới kỳ vọng có lượng khách trên 1.000 khách/ngày", ông Trần Kinh Doanh cho biết.

Cùng với đó, Bách hóa Xanh cũng đang rất nỗ lực để tạo ra các nhãn hàng riêng.

"Bách hóa Xanh đã có một đội hình mới, được thành lập và chỉ chuyên trách cho công việc này. Công ty đang xúc tiến việc này rất mạnh mẽ. Giả sử tổng số mã hàng Bách hóa Xanh kinh doanh là 4.500 mã thì những mã hàng riêng (bao gồm cả nhập trực tiếp và tự phát triển) có thể khoảng 1.000-1.500 mã. Đó là câu chuyện được thực hiện khẩn trương và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021", ông Trần Kinh Doanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, MWG cũng đang thực hiện chiến lược mở chuỗi cửa hàng thuốc An Khang ngay bên cạnh các cửa hàng Bách hóa Xanh.

"Chúng tôi nhận thấy ở một điểm kinh doanh có thể tạo ra lưu lượng trên 1.000 người lui tới/ngày thì bất kỳ thứ gì cũng có thể bán được. Với lợi thế rất "ngon lành" mà Bách hóa Xanh đã tạo ra tại địa điểm kinh doanh đó, ở những nơi diện tích thoải mái, có thể bố trí được 20-25m2 để tạo ra nhà thuốc An Khang thì MWG sẽ làm. Các nhà thuốc đó khi mở ra ngay lập tức có thể đem về 100-150 lượt hóa đơn bán hàng cho nhà thuốc mỗi ngày, doanh thu 200-300 triệu/tháng", Tổng giám đốc MWG cho hay.

Theo dự kiến, nếu triển khai đúng cách làm này thì mỗi năm, MWG có thể mở được khoảng 100 nhà thuốc An Khang.

Không dừng lại ở các cửa hàng vật lý, Bách hóa Xanh cũng sẽ tập trung rất nhiều nguồn lực để phát triển mảng online.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài cho biết công ty đang hướng đến mục tiêu trở thành "người số 1" trong mua sắm hàng FMCGs (hàng tiêu dùng nhanh) online.

"Sẽ đến một ngày không xa, việc mua hàng FMCGs online sẽ sung sướng hơn rất nhiều việc phải vác xe đến mua tại các cửa hàng. Chúng tôi đánh giá rằng thời kỳ chúng ta đi vào siêu thị hàng tiêu dùng lớn là một niềm vui đã qua rồi. Bây giờ không còn sự sung sướng gì khi đi vào trung tâm thương mại, siêu thị để mua hàng. Mua những thứ đó đơn giản là để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Từ niềm vui nay đã chuyển hóa thành sự bắt buộc. Câu chuyện bây giờ là ai giải được bài toán: giúp tôi giải phóng thời gian khỏi sự bắt buộc, tôi sẽ đến với các bạn", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ góc nhìn.

Lãnh đạo MWG tin rằng nếu hàng điện tử, điện máy, bán online chiếm khoảng 20% tổng doanh thu thì hàng FMCGs cũng sẽ phải trên 20%, vì "mua hàng điện tử, điện máy còn có niềm vui, đến nơi còn săm soi xem màn hình này có đẹp không, cầm điện thoại có sướng không nhưng chẳng có niềm vui gì khi cầm chai dầu ăn lên".

"Bách hóa Xanh tin rằng mua hàng online trong tương lai sẽ chiếm 20-30% tổng doanh thu. Đó là niềm tin rất sắt đá, chính vì thế MWG sẽ đầu tư rất mạnh vào Bách hóa Xanh online", Chủ tịch MWG khẳng định.

Ngoài ra, Bách hóa Xanh cũng đang thực hiện dự án rau sạch 4K Farm (không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất tăng trưởng, không biến đổi gen). Dự kiến từ đầu tháng 10 trở đi, lượng rau từ các trang trại 4K Farm sẽ cung cấp đều đặn mỗi ngày cho kênh online, dành cho khách hàng quan tâm thực sự đến sức khỏe. Thời gian tới, sẽ chọn lọc những cửa hàng Bách hóa Xanh phù hợp, đầu tiên là các "shop 5 tỷ" để cung cấp rau sạch 4K Farm, dần nâng sản lượng và cung cấp cho các cửa hàng nhỏ hơn.

Tin mới lên