Tài chính

Loạt 'ông lớn' ngành phân phối xăng dầu gồng mình gánh lỗ nửa đầu năm

(VNF) - Gồng mình gánh lỗ trong nửa đầu năm, kỳ vọng sẽ kinh doanh khởi sắc trong nửa cuối năm với tiền đề dịch sẽ được khống chế tại Việt Nam trong quý II/2020 nhưng với diễn biến mới, kế hoạch bù lỗ và tiến tới lợi nhuận của các "ông lớn" ngành phân phối xăng dầu đang gặp khó khăn lớn.

Loạt 'ông lớn' ngành phân phối xăng dầu gồng mình gánh lỗ nửa đầu năm

Loạt 'ông lớn' ngành phân phối xăng dầu gồng mình gánh lỗ nửa đầu năm

Nửa đầu năm 2020 là khoảng thời gian "đáng quên" đối với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng kéo theo nhu cầu sử dụng xăng dầu sụt giảm, đồng thời khiến giá dầu rớt mạnh. Những tưởng các doanh nghiệp này đã có thể đặt nỗi lo xuống trong nửa cuối năm nhưng việc dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam với "tâm dịch" tại Đà Nẵng đã khiến rủi ro kinh doanh ngày càng lớn, kế hoạch bù lỗ và tiến tới lợi nhuận trong nửa cuối năm trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nhìn lại, nửa đầu năm 2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) ghi nhận lỗ sau thuế tới hơn 1.000 tỷ đồng, khác xa mức lãi ròng hơn 2.600 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu sử dụng xăng dầu sụt giảm rất rõ rệt, thể hiện qua chỉ tiêu doanh thu thuần. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Petrolimex ở mức gần 65.200 tỷ đồng, giảm tới 29%. Tính riêng quý II, mức giảm lên đến 46%.

Giá dầu giảm mạnh đã khiến tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần tăng mạnh, từ mức 91,9% nửa đầu năm ngoái lên 95,1% nửa đầu năm nay, do phải ghi nhận các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Điều này bào mòn nặng nề lợi nhuận gộp. Kết thúc kỳ 6 tháng, lợi nhuận gộp của Petrolimex giảm mạnh 57% xuống còn trên 3.200 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận gộp này, cùng với doanh thu tài chính trên 510 tỷ đồng (chủ yếu là lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá) và lợi nhuận gần 260 tỷ đồng từ các công ty liên doanh - liên kết, cộng thêm hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận khác, không đủ giúp Petrolimex gánh nổi các loại chi phí.

Cụ thể, chi phí bán hàng vẫn lên đến gần 4.100 tỷ đồng, chỉ giảm vỏn vẹn 4%; trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp thậm chí còn tăng 18% lên 335 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng thêm hơn 3% lên 556 tỷ đồng (chi phí lãi vay giảm nhưng lỗ chênh lệch tỷ giá lại tăng mạnh).

Mặc dù kiểm soát chi phí có phần tốt hơn Petrolimex nhưng sự sụt giảm về doanh thu thuần cũng như lợi nhuận gộp vẫn khiến Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, UPCoM: OIL) ghi nhận thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của PVOil đạt trên 29.300 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần tăng nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này giảm tới 46%, xuống gần 850 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu tài chính đạt hơn 200 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng lên đến hơn 800 tỷ đồng (giảm 7%), chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức hơn 360 tỷ đồng (giảm 16%) và chi phí tài chính hơn 120 tỷ đồng (giảm gần 3%), cùng với khoản lỗ khác hơn 46 tỷ đồng đã khiến PVOil lỗ sau thuế hơn 350 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn khác là Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim, UPCoM: TLP) cũng không tránh khỏi xu hướng tiêu cực.

6 tháng đầu năm nay, Thalexim ghi nhận gần 5.100 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lỗ sau thuế là hơn 110 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra đồng loạt trong tháng 6 vừa qua, các "ông lớn" ngành phân phối xăng dầu đều đặt mục tiêu kinh doanh khá tham vọng với tiền đề là dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế trong quý II. Theo đó, Petrolimex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.570 tỷ đồng, trong khi với PVOil là 376 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, còn Thalexim là 101 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã "vỡ tiền đề" khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam từ tháng 7/2020 và đến nay vẫn diễn biến phức tạp.

Tin mới lên