Logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây: Thiếu doanh nghiệp lớn dẫn dắt

Khánh Hồng - 04/08/2022 21:07 (GMT+7)

(VNF) - Dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây chưa có sự phát triển mạnh mẽ như: kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, quy mô thị trường còn nhỏ, hàng hóa chưa nhiều, nhu cầu dịch vụ logistics tăng trưởng chậm, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường…

Ngày 4/8, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Diễn đàn nhằm mục đích gợi mở, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, đề xuất sáng kiến đóng góp vào việc hoàn thiện các điều kiện và chính sách phát triển dịch vụ logistics của các địa phương gắn với hành lang Đông Tây của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam.

Đà Nẵng chưa xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của vùng

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết sau gần 25 năm hình thành, các địa phương trên hành lang vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự; hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển.

“Do đó, việc quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến là rất cần thiết để hành lang kinh tế Đông Tây thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, nhận thức rõ định hướng trên, TP. Đà Nẵng cũng như 5 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng với chính quyền các tỉnh của nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar trong thời gian vừa qua đã có những chương trình, hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics như: Xây dựng và triển khai các quy hoạch trung tâm logistics, kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ logistics, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dịch vụ logistics.

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại diễn đàn.

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra mục tiêu TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung. Với tinh thần đó, thời gian vừa qua Đà Nẵng đã phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và hạ tầng giao thông, đặc biệt là lợi thế về cảng biển để phát triển hệ thống dịch vụ logistics, lấy dịch vụ vận tải biển và vận tải kết nối cảng biển làm trụ cột phát triển hệ thống logistics trên địa bàn thành phố, từng bước đảm nhận vai trò trung tâm logistics của khu vực, cửa ngõ chính ra biển của hành lang kinh tế Đông Tây.

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung chưa có sự phát triển mạnh mẽ như: kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, quy mô thị trường còn nhỏ, hàng hóa chưa nhiều, nhu cầu dịch vụ logistics tăng trưởng chậm, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường; chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo, thiếu sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp”, ông Sơn cho biết thêm.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cũng cho hay cơ sở hạ tầng logistics Đà Nẵng chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để giúp kết nối hiệu quả với hành lang Kinh tế Đông Tây và cả nước. Đồng thời, chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong nội bộ thành phố và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn.

Quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của đội ngũ doanh nghiệp ngành logistics trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thực hiện các hoạt động logistics đơn lẻ, giá trị gia tăng ít và là các nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia.

Các tỉnh khu vực nói chung và Đà Nẵng nói riêng, lượng nguồn hàng tại chỗ còn nhiều hạn chế. Việc thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên và luồng hàng đến các thị trường tiêu thụ như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Giải pháp phát triển dịch vụ logistics

Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Theo ông Lâm, cần có các chính sách để tăng lượng hàng hóa lưu thông qua Đà Nẵng như: chính sách ưu đãi rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực trong ngành logistics đến Đà Nẵng.

TP. Đà Nẵng cũng cần sớm công bố các thông tin về quy hoạch đối với ngành logistics. Trong đó, cần phân biệt logistics phục vụ xuất nhập khẩu và logistics phục vụ phân phối. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Liên Chiểu để tăng năng lực phục vụ, tránh các hạn chế về vận chuyển đường bộ.

Bên cạnh đó, các cảng ngoài Đà Nẵng ở khu vực miền Trung có thể định hướng thu hút hàng rời từ miền Trung và Nam Lào. Song song, cần nâng cao chất lượng, năng lực hạ tầng để hàng hóa lưu thông thuận lợi. Có kế hoạch nâng cấp các tuyến đường kết nối Đà Nẵng với cửa khẩu, gồm cả cửa khẩu Lao Bảo và cửa khẩu Nam Giang (tuyến EWEC qua Nam Giang còn được các chuyên gia gọi là EWEC 2).

Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây được tổ chức tại Đà Nẵng.

“Cần có các chính sách liên kết vùng để phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở tận dụng thế mạnh mỗi vùng, tránh các vùng lân cận cạnh tranh lẫn nhau cho cùng loại dịch vụ”, ông Lâm cho biết thêm.

Theo ông Lâm, hiện nay phải có bảo lãnh ngân hàng trước khi khai báo thủ tục quá cảnh qua hệ thống ACTS. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do phát sinh thêm thủ tục và chi phí. Các cơ quan chức năng Việt Nam có thể xem xét kiến nghị việc miễn hoặc giảm khoản tiền bảo lãnh này.

Ông Lâm cũng cho hay, hiện nay Lào yêu cầu xe Việt Nam chở container rỗng vào Lào phải có bảo lãnh của một doanh nghiệp tại Lào mới được vào Lào nhận hàng. Vì vậy, ông Lâm đề nghị cấp có thẩm quyền kiến nghị với nước bạn gỡ bỏ hạn chế này để tạo điều kiện cho xe Việt Nam vận chuyển hàng hóa qua Lào.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.