'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Fecon đã mở đầu năm 2023 theo một cách ấn tượng: doanh thu 609 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận gộp 123 tỷ đồng, tăng 39%; lợi nhuận trước thuế 4,5 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ 1,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Trong số các doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết và công bố thông tin, Fecon là trường hợp hiếm hoi có cả doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng.
Năm nay, Fecon đặt kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với năm trước đó, thậm chí con số doanh thu kế hoạch còn là một kỷ lục. Đây có thể xem là một thách thức không nhỏ cho ban lãnh đạo Fecon, nhất là trong thời buổi “thóc cao gạo kém” của ngành xây dựng như hiện nay.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là không phải Fecon không kiếm được việc làm. Thậm chí, nói với VietnamFinance, CEO Fecon Nguyễn Văn Thanh còn khẳng định tập đoàn phải từ chối khá nhiều lời mời chào của các chủ đầu tư, vì không dám làm.
“Chúng tôi phải chọn lọc dự án, chỉ cái nào có lãi và đảm bảo được dòng tiền thì mới làm. Nếu tham, làm nhiều, làm bất chấp để lấy doanh số trên báo cáo thì rất dễ thua lỗ”, ông Thanh nói.
Lựa chọn của Fecon không lấy gì làm khó hiểu, bởi thực tế cho thấy đã có những tập đoàn xây dựng cỡ lớn đua doanh số, sử dụng đòn bẩy cao, đến khi gặp phải các tình huống bất lợi (như chủ đầu tư chậm thanh toán, lãi vay tăng vọt…) thì “gãy cánh”. Fecon rõ ràng không yếu, nhưng biết tự lượng sức mình, lao vào “cuộc đua xuống đáy” (tức cạnh tranh bằng giá) để tranh thị phần lúc này sẽ là hành động “tham bát bỏ mâm”, lợi thì có lợi nhưng khéo là răng không còn.
Thực tế, ban lãnh đạo Fecon cũng đã toan tính khá kỹ lưỡng cho mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng. 2.500 tỷ đồng backlog dự kiến cho ra 1.800 tỷ đồng doanh thu. Năm nay, Fecon phấn đấu ký mới 6.000 tỷ đồng, kỳ vọng đạt được vài nghìn tỷ đồng doanh thu nữa.
Có thể nói, tính toán ấy khá tròn trịa, song vẫn còn những ẩn số, đơn cử: năm 2023, việc ký mới 6.000 tỷ đồng liệu có khả thi, nhất là trong cảnh phải “kén cá chọn canh”, chỉ được ký các dự án có lãi và đảm bảo được dòng tiền?
Trả lời cho vấn đề này, CEO Nguyễn Văn Thanh cho hay, năm nay, Fecon sẽ tập trung cho các dự án trọng điểm như: nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 (đã ký dược 400 tỷ đồng và sẽ ký tiếp khoảng 400 tỷ đồng nữa), cảng quốc tế Lạch Huyện 5&6 (đã ký 400 tỷ đồng và kỳ vọng ký thêm 300 - 400 tỷ đồng); Thép Hòa Phát - Quảng Ngãi giai đoạn 2 (đang triển khai các gói thầu nền móng với giá trị hợp đồng hơn 200 tỷ đồng)…
Đáng chú ý, dự án Metro3 TP. Hà Nội có giá trị hợp đồng hơn 1.000 tỷ đồng ký từ 2 năm trước nhưng bị dừng thi công do vướng mặt bằng sẽ được tái khởi động (triển khai đào hầm) từ quý III năm nay. Ngoài ra, Fecon dự kiến sẽ ký được hợp đồng thi công điện gió ở Philippines trị giá hàng nghìn tỷ đồng và các dự án hạ tầng ở Campuchia và Lào…
CEO Nguyễn Văn Thanh tỏ ra khá tự tin với các dự án này, thậm chí ông cho rằng nếu tiến trình giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, áp lực cạnh tranh trên thị trường xây dựng sẽ được giảm bớt, Fecon có khả năng vượt cả mục tiêu doanh thu kỷ lục này.
Tăng trưởng doanh thu đã là một vấn đề khó, nhưng cải thiện biên lợi nhuận còn khó hơn rất nhiều. Nguyên nhân là các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang “còng lưng” gánh gồng đà tăng của các loại chi phí, khiến lợi nhuận bị ăn mòn rất mạnh.
Ghi nhận thực tế, biên lợi nhuận (cả gộp lẫn ròng) của các doanh nghiệp xây dựng hiện rất thấp. Các tập đoàn xây dựng hàng đầu cũng chỉ có biên lợi nhuận gộp khoảng 4% – 5%, thậm chí 1% - 2%, còn biên lợi nhuận ròng chỉ trên dưới 1%.
Với Fecon, mảng miếng đặc thù là nền móng, công trình ngầm và việc chọn lọc dự án khá kỹ lưỡng cho phép tập đoàn có biên lợi nhuận gộp tương đối lớn, khoảng 10% - 12%, trong đó cụ thể: mảng hạ tầng giao thông đạt 8% - 9%, mảng nền móng, công trình ngầm đạt 11% - 12%, mảng năng lượng và công nghiệp nặng đạt 14% - 15%.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại là một chuyện khác. Chi phí giá vốn rất cao và chi phí lãi vay lớn đang là hai trở ngại trong việc gặt hái lợi nhuận khả quan của Fecon. Để giải quyết vấn đề giá vốn, CEO Nguyễn Văn Thanh cho biết Fecon đã có đàm phán với các nhà cung cấp nhằm hạn chế tác động của đà tăng nguyên vật liệu. Ngoài ra, dự báo đà tăng của nguyên vật liệu năm nay cũng đỡ khốc liệt hơn năm trước, cho phép sự kỳ vọng nhiều hơn vào lợi nhuận của hoạt động xây dựng.
Ở một khía cạnh khác, cổ đông của Fecon có lẽ cũng không cần phải quá lo lắng với vấn đề lợi nhuận của năm 2023. Bởi theo dự tính, mảng xây dựng chỉ đóng góp khoảng 40% lợi nhuận cho tập đoàn; 60% còn lại sẽ đến từ hoạt động đầu tư, trực tiếp là thương vụ chuyển nhượng dự án năng lượng tái tạo Quốc Vinh Sóc Trăng. Theo lãnh đạo Fecon, thương vụ này hiện nay đã “chốt” xong các thỏa thuận, dự kiến sẽ hoàn tất vào quý III hoặc muộn nhất là quý IV năm nay. Điều này tạo ra sự an tâm nhất định cho cổ đông, khác với tình cảnh hồi hộp đến tận phút chót khi chuyển nhượng dự án Vĩnh Hảo 6 hồi năm ngoái.
Như trên đã nói, Fecon đang đối diện với 2 trở ngại là chi phí giá vốn cao và chi phí lãi vay lớn. Nếu như vấn đề giá vốn ít nhiều phụ thuộc vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp thì vấn đề lãi vay khó khăn hơn rất nhiều.
Hiện nay, lãi vay cho các doanh nghiệp xây dựng đạt 8% - 10%. Đây là mức khá cao, nếu không muốn nói là quá sức đối với nhiều nhà thầu. Chuyện các nhà thầu làm lụng chỉ đủ để trả lãi vay cho ngân hàng không phải là chuyện gì đáng ngạc nhiên. Điều đã đẩy các nhà thầu tới bước đường này chính là tình trạng nợ đọng tràn lan, khi các chủ đầu tư chậm trễ hoặc không còn khả năng thanh toán cho nhà thầu, buộc các nhà thầu phải tăng cường vay mượn để duy trì hoạt động.
Fecon không đến nỗi bi đát như phần đông nhà thầu khác, song áp lực vốn vay là hiện hữu. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng việc đẩy mạnh vay mượn của Fecon không phải chỉ để trang trải chi phí hoạt động mà chiếm phần lớn trong số đó là để đầu tư. Fecon hiện đang trong thời kỳ quá độ lên cấp độ tổng thầu (xây dựng hạ tầng và công nghiệp), mở rộng quy mô đầu tư các dự án bất động sản khu công nghiệp, bất động sản đô thị… nên việc cần một nguồn vốn lớn là dễ hiểu. Vấn đề chỉ là làm sao để có được nguồn vốn với chi phí hợp lý.
CEO Nguyễn Văn Thanh cho hay Fecon đang để ngỏ khả năng phát hành trái phiếu ngắn hạn, quy mô nhỏ để bổ sung vốn lưu động nếu cần thiết. Căn cơ hơn, tập đoàn đang làm việc với cổ đông lớn Raito (một “đại gia” xây dựng Nhật Bản) để tìm kiếm nguồn vốn lãi suất thấp từ nước ngoài.
Nhìn dài hơn, lãi suất cho vay đang trên quá trình đi xuống, dự kiến từ quý III/2023 sẽ đạt đến các mức “chấp nhận được”. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng, giúp “giảm đau” cho Fecon cũng như các nhà thầu. Còn khi bước sang năm 2024, việc các dự án bất động sản đô thị và công nghiệp đủ điều kiện ghi nhận doanh thu sẽ giúp Fecon “rủng rỉnh” hơn để ứng phó với chi phí lãi vay.
CEO Nguyễn Văn Thanh bày tỏ hi vọng Chính phủ sẽ nới lỏng tiền tệ hơn nữa, giúp các doanh nghiệp xây dựng tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn với lãi suất tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tăng cường hơn nữa việc thu hút FDI sẽ mang lại dòng tiền tươi, giải khát cho thị trường xây dựng.
“Những chuyển động chính sách trong các tháng đầu năm mang đến nhiều tín hiệu tích cực và kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp xây dựng, trong đó có Fecon. Chúng tôi tin rằng các mục tiêu sẽ đạt được, dù không phủ nhận rằng thách thức vẫn là rất nhiều”, CEO Nguyễn Văn Thanh nói.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.