Ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng 2023: Câu lạc bộ tỷ USD, big 4 chờ đón thêm thành viên

(VNF) - Bất chấp kinh tế khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận tăng vọt trong năm 2023. Đáng chú ý, năm qua, lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận nhóm Big 4 đều đạt tỷ USD. Tuy nhiên, câu lạc bộ tỷ USD sẽ có thêm những tên tuổi cổ phần tư nhân lớn góp mặt.

Lợi nhuận ngân hàng 2023: Câu lạc bộ tỷ USD, big 4 chờ đón thêm thành viên

Lợi nhuận nhóm Big 4 đều đạt tỷ USD

Nhóm Big 4 ngân hàng (gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với nhiều con số đáng chú ý.

Tại hội nghị tổng kết mới đây, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này năm 2023 tăng 10,2% so với năm 2022 và hoàn thành kế hoạch được giao.

Lãnh đạo Vietcombank không công bố con số cụ thể song ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng và lãi riêng lẻ hơn 36.702 tỷ đồng trong năm 2022.

Ước tính trên những số liệu này, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 có thể khoảng 41.200 tỷ đồng và lợi nhuận riêng lẻ vượt 40.400 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Vietcombank tiếp tục là nhà băng dẫn đầu về lợi nhuận trong ngành ngân hàng và bỏ xa các nhà băng còn lại trong nhóm Big4 như BIDV, VietinBank và Agribank.

Kết thúc năm 2023, huy động vốn thị trường I của Vietcombank đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022. Chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây cũng thông tin về tình hình kinh doanh trong năm 2023.

Ngân hàng này ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm 2022.

Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát dưới 2%.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong năm 2023 với nhiều các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch được giao.

Cụ thể, tổng tài sản của BIDV đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%.

Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng riêng lẻ đạt 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận hợp nhất tăng 18,8%, đạt mức kỷ lục.

Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng thông báo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Theo số liệu được lãnh đạo VietinBank công bố trong hội nghị tổng kết năm 2023, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2024 của ngân hàng này ước đạt trên 24.000 tỷ đồng.
Ngân hàng này ước tính dư nợ bán lẻ năm 2023 tăng 16% so với năm 2022, huy động vốn tăng 13%, tổng thu nhập hoạt động tăng 10%, số lượng khách hàng bán lẻ tăng hơn 16%.

Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, cả 4 ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đều ghi nhận lợi nhuận đạt hoặc vượt mốc 1 tỷ USD.

Tính chung, tổng lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của nhóm Big4 đạt hơn 115.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. Ước tính, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhóm này có thể đạt gần 5 tỷ USD trong năm 2023.



Lợi nhuận ngân hàng tăng trong năm 2024

Trong khi 4 ngân hàng nhà nước đạt lãi trên tỷ USD thì một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã hé lộ lợi nhuận năm 2023 với mức tăng vọt.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là ngân hàng đầu tiên báo lãi năm 2023 với lợi nhuận ước đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so năm trước và đạt 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. 

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Sacombank ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.

Đáng chú ý, Sacombank đã trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó tiệm cận hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Theo đó, ngân hàng đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 6%. VIB cho biết theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của ngân hàng sẽ đạt 8.640 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Kết quả này gần tương đương với dự báo mà lãnh đạo ngân hàng đã đưa ra trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 10.2023.

Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) cũng vừa công bố ước tính hoàn thành 129% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%.

Theo kế hoạch năm 2023, PVcombank đặt mục tiêu doanh thu ngân hàng mẹ đạt 15.024,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng. Với ngân hàng hợp nhất, kế hoạch doanh thu là 15.559,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 109 tỷ đồng.

Các chuyên gia đánh giá tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022. Nhưng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trong năm 2024 nhờ NIM tăng khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay. Khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong quý IV/2022 dần đáo hạn và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên trong môi trường lãi suất thấp, chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2024 ở mức khoảng 10%. Nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng; trong đó, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

VCBS nhận định, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng chất lượng nên dù chi phí vốn được cải thiện, biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng năm 2024 cũng sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.

Tin mới lên