Lối ra nào cho doanh nghiệp sau nới lỏng giãn cách?

Phan Thanh Tịnh - 25/09/2021 15:47 (GMT+7)

(VNF) - Gần 3 tháng trôi qua, gần như ngày nào Tuấn cũng giam mình trong phòng riêng một cách bất lực khi nhà máy sản xuất bao bì của anh tại Đồng Nai buộc phải dừng hoạt động vì các lệnh phong tỏa.

Công ty của Tuấn đặt nhà máy ở khu vực dân cư. Với số nhân công hơn 200 người, không thể đủ điều kiện để bố trí sản xuất 3 tại chỗ theo yêu cầu của chính quyền địa phương, nhà máy buộc phải đóng cửa hồi giữa tháng 7.

Khó khăn là không thể kể hết đối với Tuấn. Những nguy cơ về một sự đổ vỡ sau bao năm xây dựng đang ngày càng rõ nét: lượng khách hàng truyền thống có thể sẽ mất đi sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng; người lao động cũ sẽ không thể trở lại làm việc như trước do số nhiều đã về quê, số còn lại chưa biết sẽ hành xử thế nào sau hơn một tháng công ty không hỗ trợ thu nhập.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đối diện nguy cơ như công ty của Tuấn. Đơn cử tại tỉnh Đồng Nai, tính đến đầu tháng 9/2021, tại các khu công nghiệp Biên Hòa 2, AMATA... có rất nhiều doanh nghiệp tạm dừng sản xuất vì không đảm bảo các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc do những khó khăn về nguồn nguyên liệu, vận tải hay các dịch vụ cho quá trình sản xuất.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang cố gắng hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” cũng chỉ duy trì công suất ở mức 20-40% so với thời gian trước dịch.

Thực trạng đó đặt ra vấn đề là các biện pháp phòng chống dịch cần được nghiên cứu lại. Bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH Nike Việt Nam, nói tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hôm 20/9 rằng tại Thái Lan, nơi có số lượng ca nhiễm Covid-19 gấp 3 lần nước ta, đến nay chưa có một doanh nghiệp nào phải tạm ngưng hoạt động hay đóng cửa. Tại Ấn Độ, quốc gia có số lượng ca nhiễm lớn nhất trên thế giới kể từ đầu năm 2021, cũng chỉ có số ít nhà máy ngưng hoạt động tối đa 3 tuần.

Thời gian thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và kéo dài gần 3 tháng qua tại 19 tỉnh phía nam của Việt Nam rõ ràng gây ra hậu quả rất lớn về kinh tế, có thể dẫn tới sự kiệt quệ đối với các doanh nghiệp tại khu vực này, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ - đầu tàu kinh tế của cả nước với mức đóng góp 45% GDP và 40% thu ngân sách cả nước.

Đáng lo ngại hơn, nếu các biện pháp khắc phục và tháo gỡ vướng mắc không kịp thời, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến làn sóng “tháo chạy”  của các doanh nghiệp FDI, dẫn tới các khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu dài hạn về kinh tế và xã hội.

Hướng đi nào sau nới lỏng giãn cách?

Nguy cơ các nhà máy bị phong tỏa nếu bị nhiễm dịch khi tái hoạt động là rất cao bởi số ca nhiễm trước khi các tỉnh phía nam thực hiện Chỉ thị 16 còn thấp hơn hiện nay. Trong khi đó, số doanh nghiệp được hỗ trợ tiêm chủng cho người lao động đạt 2 mũi đang rất thấp; số người lao động được tiêm 1 mũi cũng chưa đạt 100% bởi cách triển khai tiêm chủng theo đường doanh nghiệp đăng ký khá hạn chế.

Phương châm chống Covid-19 hàng đầu là vắc xin và tiêm chủng; phương châm cứu vãn và vực dậy nền kinh tế là sự hoạt động trở lại của các nhà máy sản xuất; phương châm để an sinh hàng đầu là tạo ra việc làm và tạo điều kiện để người lao động được đi làm trở lại.

Bởi vậy, đã đến lúc chính quyền cần thay đổi cách phân bổ nguồn lực để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vắc xin tốt hơn, nhanh hơn và đồng loạt, từ đó tạo sự ổn định mới trong một cuộc chiến mà dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài.

Cùng chuyên mục
Tin khác