Lối thoát nào cho doanh nghiệp Đà Nẵng?

Khánh Hồng - 30/07/2023 21:57 (GMT+7)

(VNF) - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với những biến động của tình hình thế giới khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp cần phải ứng phó ra sao với những thách thức quá lớn này?

VNF

Khó khăn chồng chất

Ông Trần Phước Ánh, Chủ nhiệm câu lạc bộ Hội viên vàng (Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng), cho biết năm 2023 được nhìn nhận là năm có nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh vừa thoát ra khỏi hai năm đại dịch Covid-19, sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu tác động bởi các yếu tố nghịch chiều: cuộc chiến Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng, nhu cầu của các nền kinh tế phát triển giảm mạnh, giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn... Trước áp lực của những thách thức nêu trên, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp như tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bảo hộ mậu dịch.

“Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở lớn, do đó, những tác động tiêu cực của biến động kinh tế thế giới đã gây ra cho chúng ta những khó khăn rất lớn. Bên cạnh những tác động từ bên ngoài, bản thân nước ta cũng có những yếu tố cản trở nội tại. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân là tiếp cận vốn. Nền kinh tế đang thiếu tiền nhưng vốn đầu tư công lại bị nghẽn”, ông Ánh nói.

Tại Đà Nẵng, khó khăn cũng đang bủa vây kinh tế của địa phương này. Theo báo cáo của Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, toàn thành phố có hơn 2.100 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt gần 9.200 tỷ đồng, giảm 11% về số doanh nghiệp và giảm 30,4% về số vốn so với cùng kỳ 2022. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có 328 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng 0,62% so với cùng kỳ; có 2.889 doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động (tăng 15,2%), trong khi số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương với hơn 1.000 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc).

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng đã bị ảnh hưởng tiêu cực lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Đà Nẵng tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, chỉ có thể sản xuất cầm chừng theo các đơn hàng truyền thống. Một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới nhưng chỉ được khối lượng nhỏ, có tính chất tạm thời.

Đã thiếu hụt đơn hàng, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Lãi suất ngân hàng mặc dù đã được điều chỉnh giảm theo chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên tốc độ giảm khá chậm do các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn huy động trước đó với lãi suất cao. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ các điều kiện đảm bảo, chưa có phương án kinh doanh hợp lý nên chưa thể vay vốn.

Ông Lê Trí Hải, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, cho hay với vị trí của mình, ông có cơ hội được nghe nhiều câu chuyện về những trăn trở, khó khăn của các doanh nghiệp trong giai đoạn này. “Cách đây 3-4 năm, tôi không hề nhận được cuộc điện thoại nào của anh em về việc vay vốn. Tuy nhiên, cuối năm 2022, đầu năm 2023, tôi nhận được những cuộc điện thoại của nhiều người để hỏi vay những lượng tiền rất nhỏ”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, trong thời chiến, mỗi người dân là một chiến sĩ; trong thời bình, các doanh nhân cũng được xem là một chiến sĩ. Tuy nhiên, những chiến sĩ trong giai đoạn hiện nay có nhiều ẩn số, rất nhiều thách thức từ sự phức tạp của nền kinh tế, đến vấn đề nội tại của nền kinh tế mở…

Doanh nghiệp cần làm gì?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, trước tiên, doanh nghiệp nên làm những việc mà một người nội trợ giỏi đều biết, đó là: thắt lưng buộc bụng (cắt giảm chi phí tối đa); thanh lý nhanh những khoản đầu tư trung - dài hạn đang ngốn nhiều tiền mà không có thu nhập; chỉ giữ những khoản làm ra tiền. Trong khủng hoảng, tiền mặt là vua, có nghĩa là phải tăng tính thanh khoản của tài sản hiện có nhằm gia tăng sức chịu đựng cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng cần nắm bắt các thông tin vi mô, vĩ mô của thế giới và trong nước liên quan đến ngành nghề, công việc của mình. Tuy nhiên, để đầu tư hẳn một bộ phận chuyên thu thập và phân tích thông tin một cách chuyên nghiệp là khá phức tạp và tốn kém cho một doanh nghiệp. “Đây là việc mà nhân dịp này các hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam nên đảm nhận và có sự tư vấn kịp thời phục vụ cho thành viên hiệp hội của mình”, TS Trần Sĩ Chương nói.

Bên cạnh đó, với việc trật tự thế giới mới đang hình thành, sẽ làm nảy sinh cách quan hệ và làm ăn mới, doanh nghiệp cần liên tục đánh giá thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của mình. “Nếu không còn chứng minh được lợi thế cạnh tranh thì nên buông bỏ sớm, không luyến tiếc, để bảo tồn lực lượng và cần suy nghĩ, chuẩn bị những công việc mới phù hợp hơn với thị trường tương lai”, TS Trần Sĩ Chương lưu ý.

Theo TS Trần Sĩ Chương, các doanh nghiệp nên bình tĩnh nhận định rằng Việt Nam có một lợi thế và hiếm có là ở sát ngay một nước lớn như Trung Quốc, có thị trường, cơ hội đầu tư và buôn bán lớn. Bản thân Trung Quốc cũng cần Việt Nam vì Việt Nam có vị trí chiến lược mà Trung Quốc không thể sống thiếu. Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa và thông minh hơn nữa thị trường thương mại, đầu tư của Trung Quốc và Nga.

TS Trần Sĩ Chương nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế “doanh nhân toàn cầu” mạnh mẽ và quyết liệt hơn; từ lợi thế chiến lược có thể làm ăn với mọi người, kết nối với những nguồn lực quốc tế cần thiết (từ con người đến tiền) để vào thế chủ động hơn, vượt tầm hơn.

GS.TS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản), cho biết hoạt động của doanh nghiệp thăng trầm theo tình hình thế giới và tình hình vĩ mô trong nước. Tuy nhiên, hiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nước đang giữ được hướng tiến lên. Kinh tế thế giới biến động, giảm tốc nhưng chưa khủng hoảng. Tại Việt Nam, dư địa để các doanh nghiệp nước ta tham gia vào chuỗi cung ứng rất lớn, ngoài ra, dòng thác FDI đang đến nước ta.

Để ứng phó với thực trạng khó khăn, GS.TS Trần Văn Thọ cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng hơn tới việc gia tăng nguồn lực kinh doanh, gồm nguồn nhân lực, công nghệ, thương hiệu, năng lực đổi mới sáng tạo… và cả chiến lược kết nối với doanh nghiệp khác.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.