Thị trường

London là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới

(VNF) – Theo báo cáo "Chỉ số sinh hoạt và làm việc" của Savills, chi phí nơi ở của một nhân viên làm việc tại London cao gấp đôi so với Sydney, Los Angeles hoặc Chicago.

London là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới

London là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới

56.855 USD là tổng chi phí nhà ở trung bình cho mỗi nhân viên hàng năm của 20 thành phố được Savills khảo sát. Chi phí này dao động từ 16.500 USD ở Rio de Janeiro (Brazil) đến 112.800 USD ở London (Anh), xếp vị trí kế tiếp sau London là New York (Mỹ) và Hồng Kông (Trung Quốc).

San Francisco (Mỹ) được ghi nhận có mức tăng cao nhất trong năm 2015, lên tới 13%, so với mức giảm 9% ở Moscow (Nga) và Rio de Janeiro, đồng thời thành phố này cũng dẫn đầu bảng xếp hạng "Những thành phố tiềm năng trên toàn cầu" của Công ty Tư vấn Quản lý Toàn cầu A.T.Kearney.

Bà Yolande Barnes, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Savills toàn cầu cho biết: "Năng suất và giá trị của các thành phố này đối với hoạt động kinh doanh trên toàn cầu rõ ràng tác động lên nguồn cầu và tiếp đến là giá thuê. Hai thành phố xếp hạng cao nhất trên toàn thế giới là London và New York cũng chính là những thành phố đắt đỏ nhất đối với các doanh nghiệp và người lao động đến sống và làm việc. Tuy nhiên, nếu xét đến năng suất và giá trị của hai thành phố nói trên, mức chi phí này khá tương xứng, trong khi đó, mức chi phí ở Hồng Kông lại đang được xem là ở đỉnh điểm".

"Tuy nhiên, các thành phố toàn cầu có thể trở thành nạn nhân từ chính sự thành công của mình khi giá thuê tăng cao có thể ảnh hưởng đến khả năng chi trả. Tốc độ đô thị hóa nhanh đòi hỏi sự đàn hồi nguồn cung. Bài toán đặt ra cho những thành phố đẳng cấp thế giới này là vừa cung cấp chỗ làm việc và nơi ở mới nhưng vẫn làm sao giữ được các yếu tố hấp dẫn ban đầu của chúng. Tăng trưởng nhưng không làm mất đi giá trị xã hội, kinh tế hay môi trường có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra cho các thành phố ở thời điểm hiện tại".

Trong khi một số thành phố lớn đang nỗ lực thiết lập và mở rộng mô hình thành phố thành công ra những vùng lân cận, thì các thành phố khác cũng đang bắt đầu nổi lên và xuất hiện trên bản đồ thành phố đẳng cấp thế giới.

Sự phục hồi bất động sản vẫn chưa diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, bởi vậy vẫn phải tập trung vào yếu tố thành phố được ưa chuộng bởi người dân sở tại và các nhà đầu tư trong các lĩnh vực sáng tạo và kĩ thuật số.

Điều này có nghĩa là một số thành phố tương đối nhỏ, chẳng hạn như Berlin (Đức) với dân số 4,3 triệu người hay Dublin (Ireland) với dân số 1,7 triệu người đang nhanh chóng tiến gần đến vị thế thành phố đẳng cấp thế giới và cạnh tranh với những tên tuổi lớn trong thời đại kĩ thuật số mới, trong khi đó vị trí top 10 của San Francisco vẫn ổn định.

Hơn nữa, sự phát triển bất động sản đã chuyển dịch ngược lại từ Đông sang Tây. Từ 2005 đến 2011 các thành phố mới nổi của các quốc gia khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) bao gồm: Thượng Hải, Mumbai và Moscow cũng như Hồng Kông và Singapore đã phát triển vượt qua London, New York, Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản) và Sydney (Australia).

Tuy nhiên, những năm tiếp theo cho đến năm 2015, xu hướng này đã đảo ngược, sự tăng trưởng kinh tế cũng như việc tạo ra tài sản ở những nước mới nổi đã chậm lại, kinh tế hồi phục đã thúc đẩy bất động sản phát triển trở lại ở châu Âu và đặc biệt là Mỹ.

Bà Yolande Barnes cho biết: "Trong tương lai, việc tăng nguồn cung cho không gian làm việc có chất lượng cao sẽ quan trọng đối với các thành phố mới nổi như Rio de Janeiro, Mumbai (Ấn Độ) và Lagos (Nigeria). Nhưng nguồn cung này không hẳn sẽ là các tòa nhà văn phòng theo phong cách quốc tế khi không gian làm việc hiện tại vẫn có thể đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghệ địa phương từ thấp đến tầm trung. Phần lớn nơi làm việc trên toàn cầu ở cả hai nền kinh tế mới nổi và phát triển vẫn còn là các tòa nhà đơn giản, có quy mô nhỏ hơn là các văn phòng cửa kính với kiến trúc quốc tế".

Tin mới lên