Tiêu điểm

Lương tháng trung bình của lao động Việt Nam chỉ 7 triệu đồng, bằng 1/6 khu vực

(VNF) - Tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra hôm nay (20/8), đại diện tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam đã đưa ra các số liệu đáng chú ý về thị trường lao động Việt Nam.

Lương tháng trung bình của lao động Việt Nam chỉ 7 triệu đồng, bằng 1/6 khu vực

Đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam: Lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, trong bối cảnh thị trường lao động bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, mức độ phù hợp làm việc từ xa của lao động Việt Nam chỉ chiếm hơn 86%. Điều này dẫn đến khả năng đáp ứng của lao động trong điều kiện làm việc mới khá thấp.

Tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%. Con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.

Tỷ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%, dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế.

Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

Những số liệu trên cho thấy lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp.

Cũng theo khảo sát của Manpower, có 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.

Để khắc phục tình trạng này, đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam có một số góp ý để doanh nghiệp thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đào tạo cần cải tiến một số chương trình, cần có sự kết nối gần giữa doanh nghiệp với các cơ sở đạo tạo để tạo đầu ra cho sinh viên, kết nối sinh viên với doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ hai, doanh nghiệp cần có kế hoạch, chương trình cải thiện tính linh hoạt khi làm việc từ xa của lao động. "Chúng tôi thấy thời gian qua lực lượng lao động chưa quen với việc làm việc từ xa và chưa đủ kỹ năng để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp".

Thứ ba, nếu trước kia lương là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút lao động thì hiện tại cần nhiều yếu tố để "giữ chân" lao động như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng và nhiều chính sách linh hoạt khác. Doanh nghiệp hiểu chính lao động của mình thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của họ.

Tin mới lên