Nhân vật

LVMH và các đế chế 'cha truyền con nối' trong ngành thời trang

Việc tỷ phú Bernard Arnault bổ nhiệm con trai 28 tuổi vào vị trí lãnh đạo hãng trang sức Mỹ Tiffany cho thấy LVMH đang chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực nội bộ.

LVMH và các đế chế 'cha truyền con nối' trong ngành thời trang

Tỷ phú Bernard Arnault.

Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, cuối cùng hãng trang sức Mỹ nổi tiếng Tiffany & Co. cũng đã về dưới trướng LVMH, đế chế thời trang của doanh nhân Pháp Bernard Arnault. Việc tỷ phú giàu thứ tư thế giới bổ nhiệm con trai thứ ba Alexandre Arnault, 28 tuổi, vào vị trí phó chủ tịch Tiffany khiến giới thời trang xôn xao.

Theo Bloomberg, các chuyên gia ngành thời trang nhận định tỷ phú Bernard Arnault muốn sắp xếp con cái vào những vị trí trọng yếu của tập đoàn thời trang và hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Những người con của "ông hoàng thời trang nước Pháp" đã sẵn sàng kế vị đế chế khổng lồ.

Trên thực tế, xu hướng "cha truyền con nối" đang trở nên phổ biến trong ngành thời trang, đặc biệt ở các tập đoàn lớn. Các "hạt giống trẻ" trong những gia đình sở hữu Prada hay Brunello Cucinelli đều được nâng đỡ lên các vị trí quan trọng.

Alexandre Arnault và cha - tỷ phú Bernard Arnault. Ảnh: Town And Country Magazine.

"Cậu ấm cô chiêu" tài năng

Giới chuyên môn cho rằng những "cậu ấm cô chiêu" của các gia đình giàu có là người hiểu xu hướng thời trang cao cấp của giới trẻ nhất. Hội "rich kids" tài năng không chỉ thấm nhuần truyền thống gia tộc mà còn hiểu rõ hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, kiến thức về kỹ thuật số của họ hứa hẹn sẽ thúc đẩy doanh số thời trang cao cấp.

Alexandre Arnault đảm nhận vị trí phó chủ tịch điều hành, phụ trách sản phẩm và truyền thông của Tiffany, hỗ trợ CEO Anthony Ledru. Trước đó, Alexandre từng quản lý hãng sản xuất vali Rimowa (được LVMH mua lại vào năm 2016). Tài năng và sự khéo léo của Alexandre đã giúp Rimowa hợp tác với hai thương hiệu thời trang nổi tiếng Supreme và Off White.

Những kinh nghiệm tại Rimowa sẽ hỗ trợ Alexandre khi anh lên nắm quyền điều hành Tiffany. Trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và doanh số hàng trang sức sụt giảm mạnh, khả năng tạo ra tiếng vang cho thương hiệu sẽ quyết định việc Tiffany có thể thu hút thế hệ khách hàng trẻ - đặc biệt tại châu Á - hay không. Giá trị thương hiệu bền vững và hình ảnh về sự sang trọng của Tiffany cũng là thách thức với "hoàng tử LV".

Đến năm 2025, khách hàng trẻ (dưới 45 tuổi) được dự đoán sẽ chiếm khoảng 2/3 thị trường hàng xa xỉ. Ảnh: Bloomberg.

Với sự thăng tiến này, Alexandra Arnault trở thành ứng cử viên sáng giá trong "cuộc đua" thừa kế đế chế LVHM. Hiện, bốn trong số năm người con của tỷ phú Bernard Arnault đang giữ các vị trí khác nhau trong tập đoàn. Frededic Arnault quản lý hãng đồng hồ Tag Heuer, Delphine là phó chủ tịch điều hành Louis Vuitton còn Antoine quản lý hãng giày Berluti và phụ trách giám sát truyền thông của LVMH.

Giáo sư Philippe Pele-Clamor thuộc trường Kinh doanh HEC Paris nhận định tỷ phú Bernard Arnault đang tạo sân chơi công bằng cho các con trong gia đình bằng việc trao cơ hội và thử nghiệm họ. "Điều này sẽ giúp họ hiểu được khả năng của mình có phù hợp với vị trí lãnh đạo của một tập đoàn lớn như LVMH hay không", ông nói.

“Ý tưởng kết hợp những nhà quản lý kỳ cựu với các thành viên lãnh đạo tương lai trong gia đình Arnault sẽ tạo ra một môi trường hiệu quả, tránh những sai lầm và chứng minh giá trị thực sự của họ”, chuyên gia Luca Solca thuộc hãng Bernstein nhận xét về sự sắp xếp cố tình này của tỷ phú Pháp.

Đưa con cái vào làm việc với các giám đốc điều hành dày dặn kinh nghiệm là chiến lược tỷ phú Pháp áp dụng từ lâu. Trước đó, Delphine Arnault được làm việc cùng giám đốc điều hành Louis Vuitton. Ở mảng đồng hồ, Frederic Arnault cơ hội hợp tác với Jean-Claude Biver, một nhân vật kỳ cựu trong ngành đồng hồ Thụy Sĩ.

Cha truyền con nối

Theo Bloomberg, để con cái tiếp quản đế chế kinh doanh gia đình là điều phổ biến trong các gia đình tài phiệt châu Âu. Trong ngành thời trang, tỷ phú Francois Pinault - nhà sáng lập thương hiệu Kering SA - trao lại quyền lực cho con trai Francois-Henri. Doanh nhân 58 tuổi giữ chức chủ tịch và giám đốc điều hành tập đoàn từ năm 2005.

Hãng thời trang xa xỉ Prada cũng không ngoại lệ. Lorenzo Bertelli, 32 tuổi, con trai của nữ tỷ phú Miuccia Prada tiếp quản vị trí lãnh đạo bộ phận marketing, truyền thông và trách nhiệm xã hội của tập đoàn.

Xuất thân là một cựu tay đua xe địa hình với ít kinh nghiệm kinh doanh, Lorenzo Bertelli đã thúc đẩy thương mại điện tử và xây dựng một kế hoạch thương hiệu bền vững. Ngày nay, người dùng khắp thế giới có thể nhận thấy sự "thay da đổi thịt" của thương hiệu Prada qua các kế hoạch đầu tư số và tập trung vào các loại vải thân thiện với môi trường.

Nhưng khác với Bertelli là ứng cử viên sáng giá duy nhất để kế thừa Prada, đế chế LVMH của nhà Arnautl có khá nhiều lựa chọn. Các con trong gia đình Arnault, dù là nam hay nữ, đều phải thể hiện xuất sắc và chứng minh năng lực xứng đáng với vị trí kế vị.

Tỷ phú Benard Arnaul (giữa) và các con. Ảnh: LVMH.

Ngoài Delphine, Alexandre và Frederic được theo học tập với các nhà lãnh đạo kì cựu, "thái tử LV" Antoine Arnault cũng tham gia vào công việc kinh doanh hãng giày Berluti và giám sát truyền thông cùng chiến lược môi trường của toàn tập đoàn LVMH.

Vẫn chưa có gì là rõ ràng về quyết định của "ông hoàng thời trang Pháp" cho tương lai của đế chế LVMH. Tỷ phú Bernard Arnault có thể trao quyền cho một trong số các con, hoặc phân chia trách nhiệm đồng đều giữa họ. Giới quan sát nhận định cách làm thứ hai có thể ngăn ngừa nội chiến trong gia đình, đồng thời giúp LVMH đứng vững để đón đầu các xu hướng mới.

Tương lai của Tiffany sẽ góp phần định hình vị thế của các ứng cử viên nhà Arnault trong "cuộc đua" giành quyền kế vị tập đoàn lớn thứ hai tại châu Âu.

Tin mới lên