MASVN: Thị trường chứng khoán đang kém hấp dẫn nếu nhìn về cuối năm nay

Thanh Long - 05/10/2021 10:43 (GMT+7)

(VNF) - MASVN cho rằng với tầm nhìn đến cuối năm 2021, thị trường chứng khoán đang được định giá ở mức hợp lý và có phần kém hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu tầm nhìn này hướng về năm 2022 thì mức định giá hiện tại lại trở nên hấp dẫn.

VNF
MASVN: Thị trường chứng khoán đang kém hấp dẫn nếu nhìn về cuối năm nay

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở nhiều tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Sự hồi phục kinh tế của Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2021 bị thụt lùi lại phía sau so với nhiều nước đã có tỷ lệ tiêm vắc xin cao. Trung bình, tỷ lệ tiêm vắc xin ít nhất một mũi của thế giới đạt 45,4% vào cuối tháng 9. Tuy vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin, đạt tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vào cuối tháng 9/2021 là 33,7% từ mức 11% vào cuối tháng 6.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, Việt Nam đã kịp thời chuyển từ chiến lược Zero Covid sang “sống chung với Covid”, dần nới lỏng giãn cách và mở cửa từng phần tại các địa phương kiểm soát dịch tốt, đẩy mạnh tiêm vắc xin, ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Tốc độ mở cửa nền kinh tế và trở lại trạng thái bình thường mới phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 và khả năng thích ứng an toàn với dịch.

MASVN dự báo GDP Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 4% trong quý IV và 2,3% trong cả năm 2021, trong kịch bản nền kinh tế dần tăng tốc vào giữa tháng 10, với đầu tư công và dòng vốn FDI là động lực tăng trưởng chính và được đẩy mạnh khi nền kinh tế mở cửa vào các tháng cuối năm 2021.

GDP năm 2022 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 5,7-6,2% trong trường hợp Việt Nam mở cửa kinh tế thành công, theo ước tính của MASVN, với các động lực tăng trưởng chính bao gồm: dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; đầu tư công được đẩy mạnh; xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ bởi các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, ổn định vĩ mô. Ngoài ra, việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến các rủi ro như: số ca nhiễm có thể tăng khi Việt Nam mở cửa kinh tế trở lại và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu; việc triển khai tiêm vắc xin của Việt Nam chậm hơn kỳ vọng; lĩnh vực dịch vụ du lịch, hàng không sẽ mất nhiều năm để hồi phục.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index tăng nhẹ trong tháng 9 (dưới 1%), đồng thời ghi nhận sự phân hóa hiệu suất giữa các ngành, với Thực phẩm đồ uống, Nguyên vật liệu, Tiện ích, Bán lẻ, Vận tải, Năng lượng đóng vai trò dẫn dắt, bù đắp áp lực giảm điểm bởi ngành Bất động sản.

Thanh khoản thị trường sụt giảm cho thấy tâm lý dè dặt hơn của nhà đầu tư trước khi nới lỏng giãn cách xã hội. Giá trị khớp lệnh bình quân sụt giảm hơn 10% trong tháng 9 xuống còn hơn 19 nghìn tỷ đồng một ngày. Dòng tiền tập trung vào các ngành Tiện ích, Năng lượng, Bán lẻ, Thiết bị và phần cứng, May mặc và trang sức, Vận tải, Nguyên vật liệu, Xây dựng cơ bản và Bảo hiểm. Trái lại, dòng tiền chưa trở lại nhóm ngành trụ cột như Ngân hàng và Bất động sản. Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng gần 348 triệu USD.

MASVN giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng EPS năm nay khoảng 33% trong kịch bản lạc quan và 26% trong kịch bản xấu. Tương ứng, mức hợp lý của chỉ số VN-Index với kịch bản cơ sở là 1.350 điểm, kịch bản khả quan là 1.440 điểm.

"Dù triển vọng tăng trưởng quý III khá ảm đạm, tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng mức EPS sẽ tăng 33% trong năm nay, tương ứng mức P/E dự phóng cuối 2021 khoảng 15,9 lần. Với tầm nhìn đến cuối năm 2021, thị trường đang được định giá ở mức hợp lý và có phần kém hấp dẫn. Do vậy, nhà đầu tư có phần e dè, đặt biệt trước nhiều rủi ro ngắn hạn: việc kiểm soát dịch bệnh sau khi nới lỏng giãn cách; rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao do khả năng trả nợ của người đi vay bị ảnh hưởng; các rủi ro bên ngoài liên quan đến việc khối ngoại rút vốn nếu Mỹ ngưng nới lỏng tiền tệ, cũng như việc các chính sách mới của Trung Quốc có tác động đáng kể đến giá hàng hóa toàn cầu", chuyên gia của MASVN cho hay.

Mức kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2022 của MASVN vào khoảng gần 23%, tương đương mức P/E dự phóng cuối năm 2022 khoảng gần 13 lần. Nhờ dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào và việc thực hiện nới lỏng giãn cách đã bắt đầu từ tháng 10, các công ty sẽ dần tái khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, với sự hỗ trợ của các chính sách tài khóa và tiền tệ. Như vậy, mức định giá hiện tại vẫn hấp dẫn với tầm nhìn đến năm 2022, theo MASVN.

Các cơ hội mở ra khi giai đoạn bình thường mới bắt đầu bao gồm: các cổ phiếu Vật liệu xây dựng (như thép, đá, xi măng, nhựa đường), cổ phiếu Xây dựng được hưởng lợi nhờ đầu tư công được đẩy mạnh; các công ty thiên về xuất khẩu, cũng như ngành Cảng biển, Logistics sẽ được hưởng lợi nhờ triển vọng xuất khẩu lạc quan; cổ phiếu Bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ thu hút đầu tư nước ngoài FDI vẫn tốt; nhu cầu chuyển đổi số sẽ giúp cho ngành Công nghệ thông tin được hưởng lợi trong dài hạn.

Cùng chuyên mục
Tin khác