Monkey in Black và Tiệm Trà Tháng Tư đồng loạt đóng cửa: Nguyên nhân từ đâu?

Tiểu An - 18/12/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - "Tiệm Trà Tháng Tư" thông báo đóng cửa sau 5 năm hoạt động khiến nhiều khách quen tiếc nuối.

Ngày hoạt động cuối cùng

Mới đây, chuỗi "Tiệm Trà Tháng Tư", một điểm đến nổi tiếng của giới trẻ TP. HCM trong vài năm qua, bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa sau ngày 25/12/2024, đánh dấu kết thúc hành trình 5 năm hoạt động tại chi nhánh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3.

Thông báo chính thức từ tiệm cho biết: “Tiệm Trà Tháng Tư xin thông báo ngày 25/12/2024 sẽ là ngày hoạt động cuối cùng. Chỉ còn 20 ngày nữa, hành trình 5 năm của chúng tôi sẽ khép lại. Chúng em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý khách hàng đã yêu thương và đồng hành suốt thời gian qua. Nếu trong quá trình phục vụ có bất kỳ thiếu sót nào, mong quý khách thông cảm.” Tiệm cũng bày tỏ hy vọng sẽ có cơ hội gặp lại khách hàng trong những hành trình tiếp theo.

Được biết, "Tiệm Trà Tháng Tư" từng có 3 chi nhánh tại các quận TP. HCM. Vào ngày 7/6, tiệm đã đóng cửa chi nhánh Nhiêu Tứ (quận Phú Nhuận), và vào ngày 29/7, chi nhánh tại đường Hồng Lĩnh (quận 10) cũng ngừng hoạt động. Chi nhánh cuối cùng tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã thông báo sẽ đóng cửa vào cuối tháng 12 này.

Mặc dù đã đóng cửa toàn bộ các chi nhánh, tiệm chưa đưa ra lý do cụ thể về việc này. Dưới thông báo, nhiều khách hàng bày tỏ sự tiếc nuối vì đây là nơi nổi bật với các concept chụp hình thay đổi theo mùa.

Trước "Tiệm Trà Tháng Tư", chuỗi "Monkey in Black" (MiB) của chuyên gia khởi nghiệp Tùng BT (Trần Thanh Tùng) cũng thông báo dừng hoạt động sau 10 năm. Ngày 19/11, Tùng BT đã chia sẻ video “lời chào tạm biệt chính thức của Monkey in Black” và cho biết đã sang nhượng quán với giá “gần như cho không” là 100 triệu đồng.

Lý do dừng hoạt động, theo Tùng BT, là vì không tìm được đồng đội phù hợp để vực dậy quán, mặt bằng không còn đáp ứng yêu cầu, và mô hình kinh doanh trong hệ sinh thái của anh đã mở rộng, không còn phù hợp với không gian của MiB.

Các quán đóng cửa do đâu?

Báo cáo thị trường nửa đầu năm của iPOS – nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho hơn 100.000 doanh nghiệp trong ngành F&B, cho thấy toàn quốc hiện có khoảng 304.700 cửa hàng ăn uống, giảm 3,9% so với cuối năm trước. Ít nhất 30.000 cửa hàng đã đóng cửa, trong khi số lượng cửa hàng mới mở ra lại rất hạn chế.

Tổng giám đốc iPOS, ông Vũ Thanh Hùng, cho rằng sự đóng cửa của hơn 30.000 cửa hàng là minh chứng cho sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành F&B. Mặc dù chi tiêu của thực khách không tăng nhanh như sự bùng nổ số lượng cửa hàng sau đại dịch, nhiều thương hiệu bền vững vẫn không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ tình hình kinh tế khó khăn.

Theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, ngành F&B hiện đang trải qua một giai đoạn đầy thử thách, nhưng cũng mở ra cơ hội tái cấu trúc và phát triển.

Dữ liệu từ FnB Director cho thấy các cửa hàng đóng cửa trong năm nay có ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhiều cửa hàng thiếu kế hoạch kinh doanh và năng lực vận hành, khiến 52% cửa hàng chỉ hoạt động dưới 1 năm trước khi phải đóng cửa. Thứ hai, 35% cửa hàng từ 2-3 năm tuổi gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và duy trì khách hàng lâu dài. Cuối cùng, 13% cửa hàng trên 4 năm tuổi đóng cửa vì không thể gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng hoặc mô hình kinh doanh đã lỗi thời.

Dù gặp khó khăn, ngành F&B vẫn duy trì được tổng doanh thu 403.900 tỷ đồng, chiếm 68,5% doanh thu của năm 2023, nhờ vào các chương trình khuyến mãi và tăng trưởng tiêu dùng bất ngờ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Cùng chuyên mục
Tin khác