'Mục tiêu tăng trưởng 2021 hơi thấp, có thể nâng lên 8-9% để lãnh đạo có trách nhiệm hơn'
Việt Anh -
25/12/2020 15:50 (GMT+7)
(VNF) - TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Mức tăng trưởng mục tiêu cho năm 2021 hiện nay là hơi thấp, chính phủ cần nâng mục tiêu lên đủ cao, có thể là 8-9% để các nhà lãnh đạo có động lực hơn, có trách nhiệm hơn".
Cần chính sách cho doanh nghiệp mới thay vì doanh nghiệp "đã chết"
Phát biểu tại tọa đàm "Kinh tế 2021: Kỳ vọng Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII và một Việt Nam hùng cường" diễn ra vào ngày 25/12, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng từ nhiều năm qua, các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được chính phủ đưa ra đều thực hiện được. Tuy nhiên, kết quả này lại đến từ việc đặt mục tiêu... khá thấp.
"Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, mục tiêu tăng trưởng đã đưa ra là sẽ đạt được. Tôi cho rằng hiện nay đưa ra mức tăng trưởng mục tiêu cho nền kinh tế chỉ 6-7% là hơi thấp. Chính phủ cần nâng mức mục tiêu lên đủ cao để phấn đấu, có thể là 8-9%, cũng là để các nhà lãnh đạo có trách nhiệm hơn, có động lực hơn", TS Nguyễn Đình Cung nhận định.
Vẫn theo ông Cung, để đạt được những mục tiêu như vậy, chắc chắn cần có sự cải cách mạnh mẽ và phải mang tính nền tảng số.
"Thực tế, hiện nay nhà nước đang chậm lại trong khi thị trường thì đang tiến nhanh hơn. Vì vậy, nếu nhà nước không có sự thay đổi thì thị trường khó lòng phát triển hơn nữa, cần phải cải cách từ những vấn đề căn bản, để có thể chinh phục mục tiêu tăng trưởng đề ra", ông Cung nói.
Ngoài vấn đề cải cách, ông Cung cũng cho rằng nhà nước cần đẩy nhanh tốc độ hồi phục, sau khi chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Một trong những yếu tố thúc đẩy hồi phục là cần ban hành các chính sách mang tính khuyến khích, thay vì các chính sách hỗ trợ hiện nay.
"Nên có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp mới, ngành nghề mới. Nếu chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp cũ, quá khó khăn, 'đã chết' thì sẽ rất tốn kém mà lại thiếu hiệu quả", ông Cung nhấn mạnh.
Chủ đạo là doanh nghiệp số hóa trong nước
"Hiến kế" thêm để nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển hơn nữa trong năm 2021, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, chia sẻ: "Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh, yếu tố chuyển đổi số và sự ra đời của nhóm công ty số hóa đã và đang góp phần vào sự hồi phục, phát triển kinh tế".
Trước khi có đại dịch, các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng "đổ bộ" vào nước ta. Phần lớn các siêu thị trong nước đều đã bị nước ngoài "thâu tóm", M&A hết.
"Đây là một thất bại lớn về thương mại điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, các doanh nghiệp nội đã sống sót được, nhờ vào chuyển đổi số và thay đổi cách thức kinh doanh thông qua công nghệ số", TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ quan điểm.
Từ góc nhìn nêu trên, ông Nghĩa nhấn mạnh rằng nhà nước cần đẩy mạnh hồi phục các công ty số hóa trong nước, vì công nghệ số có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất kinh doanh, bán hàng. Hơn nữa, nhà nước cần phải khuyến khích các ngân hàng thực hiện chuyển đổi số thông qua doanh nghiệp nội, thay vì hợp tác với doanh nghiệp số ngoại.
"Các doanh nghiệp số nước ngoài đang rất muốn vào Việt Nam, nếu để họ vào thì các doanh nghiệp nội của chúng ta sẽ rất khó khăn", ông Nghĩa đưa ra cảnh báo.
Thêm vào đó, ông Nghĩa cũng đề cập đến sự liên kết, kết nối thông tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, ông cho rằng chúng ta đang sống theo mô hình "thân ai người nấy lo", hàng hóa sau khi sản xuất đều gặp khó khăn về đầu ra.
"Điển hình là vùng Sơn La có các nhà máy sản xuất nhưng không có đầu ra, các doanh nghiệp Việt Nam không chịu liên kết với nhau", ông Nghĩa nói.
"Để phát triển kinh tế, cần phải kết nối có sự kết nối từ doanh nghiệp, hàng hoá, đầu vào đầu ra, kể cả về vận tải, hàng hải đường biển và đường sắt...", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ở góc độ thận trọng hơn, ông Nghĩa dự đoán năm 2021 sẽ là một năm đầy khó khăn, chưa có dự báo rõ ràng, do đó Chính phủ chỉ nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn, trong khoảng 5%.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.