Toàn cảnh Vinhomes Royal Island qua những khung hình từ trên cao
(VNF) - Dự án Vinhomes Royal Island đã được mở bán từ cuối tháng 3 với quy mô 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.
HoSE “ế" doanh nghiệp niêm yết mới
Năm 2023, Sàn Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) ảm đạm chưa từng thấy khi chỉ có vỏn vẹn 4 mã cổ phiếu niêm yết mới, số lượng hồ sơ chờ duyệt cũng chỉ khoảng hơn chục, hầu hết là doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoặc doanh nghiệp muốn chuyển sàn niêm yết.
“Mở bát" năm 2023, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (HoSE: PVP) chính thức đưa hơn 94,2 triệu cổ phiếu PVP giao dịch tại HoSE từ ngày 17/1 với giá tham chiếu 10.350 đồng/cổ phiếu.
Sau PVP, phải đến nửa năm sau, HoSE mới đón tiếp tân binh thứ hai và thứ ba trong năm là Công ty Cổ phần Sơn Á Đông với mã ADP và Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG với mã SIP, lần lượt niêm yết vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Theo đó, hơn 23 triệu cổ phiếu ADP lên sàn HoSE với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên 19.550 đồng/cổ phiếu; còn hơn 90,9 triệu cổ phiếu SIP lên sàn với giá tham chiếu 116.500 đồng/cổ phiếu.
Đầu tháng 11, doanh nghiệp cuối cùng lên sàn HoSE trong năm 2023 là Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ với mã HTG, số lượng cổ phiếu niêm yết là hơn 36 triệu đơn vị, giá tham chiếu phiên đầu tiên là 31.900 đồng/cổ phiếu.
Trong 4 doanh nghiệp trên, ngoại trừ SIP với quy mô vốn điều lệ hơn 1.800 tỷ đồng, 3 đơn vị còn lại đều có quy mô vốn dưới 1.000 tỷ đồng, thậm chí dưới 500 tỷ đồng.
Bên cạnh các doanh nghiệp đã lên sàn HoSE thành công, một số doanh nghiệp tên tuổi lỡ hẹn niêm yết HoSE có thể kể đến như Công ty Cổ phần Tập đoàn Nova Consumer (UPCoM: NCG), Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (UPCoM: GDA), Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP),...
Trong đó, Nova Consumer bị HoSE trả hồ sơ vào tháng 12/2022 do doanh nghiệp chưa bổ sung các tài liệu phát sinh theo thời hạn. Đến giữa năm 2023, ĐHCĐ Nova Consumer bất ngờ thông qua việc đưa cổ phiếu lên hệ thống giao dịch UPCoM. Không ngoại trừ khả năng đây là bước đệm của doanh nghiệp để niêm yết sàn HoSE trong thời gian tới.
HoSE cũng thông báo dừng xem xét hồ sơ niêm yết của Cảng Quy Nhơn do doanh nghiệp chưa bổ sung hồ sơ và giải trình theo yêu cầu. Trước đó, HoSE đã nhiều lần yêu cầu Cảng Quy Nhơn bổ sung hồ sơ, giải trình theo quy định pháp luật, nhưng hiện doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện.
Với Tôn Đông Á, doanh nghiệp bất ngờ gửi công văn đến HoSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hồi tháng 4/2023. Theo Tôn Đông Á, tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng không khả quan. Tôn Đông Á chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định.
Danh sách công ty nộp hồ sơ niêm yết mới trên website của HoSE cho thấy 4 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết trong năm 2023 là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang, Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Đông Dương và Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.
Các doanh nghiệp này đều có quy mô vừa và nhỏ, hiện đang niêm yết tại hệ thống giao dịch UPCoM hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Loạt cổ phiếu “tai tiếng" rời sàn vì “ém" báo cáo tài chính
Năm 2023, HoSE không chỉ “khan hiếm" tân binh mà sàn giao dịch này còn chứng kiến sự rời đi của nhiều mã cổ phiếu. Theo thống kê của VietnamFinance, tổng cộng có 13 mã cổ phiếu đã rời sàn, trong đó 11 mã chuyển giao dịch trên hệ thống UPCoM, 2 mã huỷ đăng ký giao dịch chứng khoán.
2 mã huỷ đăng ký giao dịch chứng khoán là THI của Công ty Cổ phần Thiết bị điện và EMC của Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức. 2 doanh nghiệp này đều huỷ tư cách công ty đại chúng do số lượng cổ đông không đáp ứng yêu cầu (phải có tối thiểu 10% cổ phần có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ).
Đối với 11 mã cổ phiếu còn lại, nguyên nhân chính khiến những mã cổ phiếu này phải nói lời chia tay sàn HoSE có thể kể đến như vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, có ý ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp, huỷ tư cách công ty đại chúng.
Chiếm một phần không nhỏ trong số này là các cổ phiếu khá tai tiếng trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Có thể kể đến như 4 cổ phiếu “họ FLC" là HAI (Công ty Cổ phần Nông dược HAI), AMD (Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC), GAB (Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) và FLC (Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) cùng bị huỷ niêm yết trong năm 2023 với nguyên nhân vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Theo đó, các doanh nghiệp này đều chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá thời hạn quy định.
Tính đến nay, 5/7 mã cổ phiếu “họ FLC" đã bị huỷ niêm yết. 2 mã cổ phiếu còn lại là KLF (Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS) và ART (Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS) đều đang trong diện đình chỉ giao dịch và đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc do không công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Tương tự các cổ phiếu “họ FLC", cổ phiếu TGG của Công ty Cổ phần The Golden Group (tên cũ Công ty Cổ phần Louis Capital) bị huỷ niêm yết trong năm 2023 vì vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin liên quan đến việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023.
Cổ phiếu TGG là một trong những cổ phiếu từng bị ông Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings thao túng và “thổi giá" tăng 6.000% từ mức 1.200 đồng/cổ phiếu lên 74.800 đồng/cổ phiếu.
Sau khi sự việc bại lộ, ông Nhân cùng đồng bọn bị bắt, các cổ phiếu trong “hệ sinh thái Louis” lao dốc không phanh. Cổ phiếu BII của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (tên cũ: Công ty Cổ phần Louis Land) cũng bị huỷ niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 4/2023.
“Tai tiếng” không kém, cổ phiếu IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thuỷ (Shark Thuỷ) bị huỷ niêm yết từ ngày 15/12/2023 vì vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin do chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022; báo cáo tài chính quý I, quý II và báo cáo soát xét bán niên 2023; báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023.
Vào tháng 7/2023, Shark Thuỷ từng cho biết công tác quản trị nội bộ phát sinh vấn đề, thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính.
Trong năm 2023, Apax Holdings liên tục bị bêu tên vì các vấn đề liên quan đến trung tâm tiếng Anh Apax English/Apax Leaders như chất lượng dạy học kém, chậm trả lương, nợ lương giáo viên,... Hàng loạt phụ huynh trên nhiều tỉnh thành đã khiếu nại trung tâm tiếng Anh này và yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết.
Gần đây nhất, cổ phiếu TTB của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ bị huỷ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin. Tập đoàn đã chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định, bị HoSE cảnh báo và tiếp tục vi phạm. HoSE nhận định, vi phạm của TTB có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, quyết định huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu.
Từ năm 2022 đến nay, nhiều cá nhân của TTB đã bị xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng trong năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Nguyên đã mở rộng điều tra vụ án “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán” và khởi tố bị can đối với 4 cá nhân thuộc doanh nghiệp. Trong đó, bị can Phùng Văn Bộ là Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phùng Văn Thái là Tổng giám đốc và Trần Thanh Hà là Kế toán trưởng công ty.
Bên cạnh các cổ phiếu nói trên, nhiều mã cổ phiếu khác phải rời sàn HoSE vì kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp như cổ phiếu HOT của Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An, cổ phiếu SII của Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, cổ phiếu MCG của Công ty Cổ phần Năng lượng và Bất động sản MCG, cổ phiếu UDC của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cổ phiếu HU3 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3.
Tính đến cuối tháng 12, tổng số mã cổ phiếu niêm yết trên HoSE là 393 mã, thấp hơn thời điểm cuối năm 2022 là 9 đơn vị. Đây là năm thứ 2 liên tiếp số mã cổ phiếu niêm yết tại HoSE giảm so với cùng kỳ. Tính đến cuối năm 2022, số mã cổ phiếu niêm yết đạt 402 mã, thấp hơn 2 mã so với cùng kỳ. Trong năm 2022, HoSE cũng chỉ đón thêm được 5 mã cổ phiếu mới. HoSE mới đây đã chấp thuận niêm yết đối với 4 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công (UPCoM: TCI), Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCoM: VTP), Ngân hàng TMCP Nam Á (UPCoM: NAB) và Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (HNA). Trong đó, trừ HNA là doanh nghiệp niêm yết mới tại HoSE, 3 doanh nghiệp còn lại đều là chuyển từ sàn UPCoM. |
(VNF) - Dự án Vinhomes Royal Island đã được mở bán từ cuối tháng 3 với quy mô 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.