Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ: 'Lợi ích quốc gia là trên hết'
Anh Minh – Đức Hùng -
13/09/2023 11:30 (GMT+7)
(VNF) - Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch tổ chức giáo dục EQuest, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ngoại giao, trải lòng cùng VietnamFinance về quan hệ hợp tác Việt – Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
- Từng làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng như tham gia nhiều hoạt động quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, ông ấn tượng nhất điều gì trong nhiệm kỳ tại Mỹ và quan hệ giữa hai nước từ đó đến nay?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Trong thời gian làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, tôi vinh dự được chứng kiến hai sự kiện lịch sử: đó là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phạm Văn Trà tháng 11/2003 và chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải tháng 6/2005. Hình ảnh các tướng lĩnh Việt Nam mặc lễ phục đứng cạnh các tướng lĩnh của Mỹ gây ấn tượng rất mạnh. Còn khi đón máy bay của Thủ tướng Phan Văn Khải tại sân bay quân sự Andrew, nhiều người trong Sứ quán ta chảy nước mắt vì được chứng kiến một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ năm 2005. Ảnh tư liệu
Kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995, phải mất 10 năm mới có chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Mỹ và 18 năm để hai nước nâng tầm quan hệ lên mức đối tác toàn diện và 28 năm để thành đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, tôi cho rằng về thực chất mức độ quan hệ như đối tác chiến lược đã tồn tại từ nhiều năm qua và được chính thức hoá trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam ngày 10-11/9/2023.
- Ông có thể giải thích rõ hơn về nhận định này?
Theo tôi, hai khía cạnh cực kỳ quan trọng là thương mại và giáo dục trong quan hệ Việt Mỹ đã đạt tầm chiến lược từ nhiều năm qua. Trong thương mại, Việt Nam luôn luôn xuất siêu rất lớn, năm 2022 đạt gần 95 tỷ USD mà không bị phía Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ hay trừng phạt như đã làm với Trung Quốc. Tôi nghĩ Mỹ có sự ưu ái đối với Việt Nam và đó là cả một chính sách nhất quán của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Về giáo dục, số lượng học sinh từ Việt Nam sang Mỹ học ngày càng nhiều, riêng năm 2022 khoảng hơn 20 ngàn và Mỹ là nước được học sinh Việt Nam lựa chọn du học nhiều nhất. Điều này cho thấy người Việt tin tưởng vào nền giáo dục Mỹ và coi du học tại Mỹ là sự chuẩn bị tốt cho tương lai. Và điều này rất có lợi cho quan hệ hai nước vì những người du học luôn có xu hướng yêu mến và ủng hộ quan hệ tốt đẹp giữa nước nhà và nước tiếp nhận họ tới học.
- Với nhiều người, quá khứ vẫn còn rất ám ảnh. Cần phải làm gì để thay đổi điều này, thưa ông?
Cách đây 20 năm, khi tôi ở Mỹ dư âm của chiến tranh vẫn còn khá mạnh và là lý do chia rẽ giữa các thế lực chính trị cũng như chính giữa cộng đồng người Việt ở Mỹ và Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, lấy chuyện quá khứ, chuyện chiến tranh ra để làm con bài mặc cả hoặc lợi dụng mặc cảm có tội… không còn hiệu quả nữa. Chắc chắn là người Nhật căm thù Mỹ vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ đã giết chết mấy trăm nghìn người Nhật trong tích tắc. Nhưng ngay sau khi chiến tranh kết thúc, họ đã bắt tay nhau để tái thiết Nhật Bản, quan hệ hai nước được nâng thành đồng minh chiến lược, nhờ đó Nhật Bản phát triển thành một cường quốc kinh tế.
Hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia là lợi ích. Giới ngoại giao luôn tâm niệm: “không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Tôi nghĩ trong quan hệ với bất cứ nước nào, lợi ích quốc gia là trên hết, tương đồng lợi ích là đối tác, xung đột lợi ích là đối tượng.
- Hai nước đã chính thức nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, cá nhân ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Khi Chủ tịch Trương Tấn Sang đi sang Mỹ năm 2013 thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, nhiều chính trị gia và nhà quan sát quốc tế đã nhận định rằng về hình thức là “toàn diện” còn nội hàm và thực chất thì có khi còn trên cả mức “đối tác chiến lược”. Sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực suốt 10 năm qua đã chứng minh điều đó. Việc nâng cấp quan hệ vừa qua theo tôi là đưa cái danh nghĩa tương xứng với thực chất và là một hành động rất đúng lúc, phù hợp với các diễn biến của địa chính trị và địa kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Lợi ích đầu tiên mà Việt Nam cần nhất liên quan đến an ninh và quốc phòng, chẳng hạn trong vấn đề vũ khí. Đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí, có cơ hội mua được các vũ khí, khí tài hiện đại, tiếp cận công nghệ hiện đại có thể ứng dụng cả trong dân sự lẫn quân sự.
Công nghệ là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nhìn lại quan hệ của Mỹ với các nước trên thế giới sẽ thấy khi họ ủng hộ nước nào về mặt công nghệ thì nước đó phát triển kinh tế rất nhanh, như trường hợp Hàn Quốc trong những năm 1960. Khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đặt điều kiện là được tiếp cận công nghệ của Mỹ. Khi thiết lập các liên doanh với Mỹ thì họ luôn yêu cầu chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc. Hơn 40 năm qua, họ đã có lợi thế đó và nhờ vậy mà đạt được nền tảng kỹ thuật công nghệ cao như bây giờ.
Đây là cơ hội lớn của chúng ta vì tôi nghĩ Mỹ cũng muốn có một Việt Nam mạnh về mặt công nghệ. Chỉ có nền tảng công nghệ mạnh thì mới phát triển bền vững được.
- Theo ông, Việt Nam quan trọng thế nào đối với nước Mỹ?
Việt Nam là một thị trường rất lớn với một trăm triệu dân. Người Việt cũng rất thiện cảm đối với các giá trị Mỹ, chẳng hạn như đã phân tích ở trên, rất thiện cảm với hàng hóa và nền giáo dục Mỹ.
20 năm trước, mỗi lần bố trí các chuyến thăm cho lãnh đạo Đảng sang Mỹ là một lần mất nhiều thời gian thảo luận với phía Mỹ về danh nghĩa của khách mời. Nay không còn chuyện này nữa. Tổng thống Barack Obama mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ năm 2015 là một đột phá và Tổng thống Joe Biden sang Việt Nam thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư ĐCSVN là chuyện chưa từng có. Điều đó cho thấy câu chuyện về sự khác biệt về mặt thể chế chính trị không còn là vấn đề trong mối quan hệ nữa. Quan trọng nhất vẫn là lợi ích quốc gia của cả hai bên. Vấn đề lợi ích đã được đặt lên cao hơn nhiều, kể cả đối với phía Việt Nam và phía Mỹ.
Tôi nghĩ việc quan hệ nâng cấp của Việt Nam và Mỹ là một chỉ dấu cho thấy thế giới đang đi vào một giai đoạn mà vấn đề lợi ích được xem là quan trọng hàng đầu. Các nước sẽ theo đuổi nguyên tắc tương đồng lợi ích để thúc đẩy các dạng quan hệ: song phương, đa phương và liên minh. Cũng sau đợt này, tôi nghĩ sẽ có những điều chỉnh tiếp về mức độ quan hệ giữa Việt Nam và một số nước để đạt được thực chất và hiệu quả.
- Dòng vốn đầu tư từ Mỹ, vốn vẫn còn khá khiêm tốn trong thời gian qua, có thể tăng lên từ dấu mốc này không?
Hội đồng thương mại Mỹ-Asean là tổ chức mà số lượng thành viên mới ngày càng tăng. Tôi được biết có nhiều công ty đang quan tâm đặc biệt đến Việt Nam, chẳng hạn như Starlink của tỷ phú Elon Musk, một công ty internet vệ tinh mà nếu vào đây sẽ tạo ra bước chuyển quan trọng đối với quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Việt Nam có địa hình đồi núi rất nhiều nên internet vệ tinh sẽ hiệu quả hơn nhiều các cột phát sóng.
Nhưng các nhà đầu tư Mỹ cũng cần học hỏi kinh nghiệm của John Rockefeller hồi đầu thế kỷ 20. Khi đó, công ty Standard Oil của tỷ phú John Rockefeller đã chế ra cái đèn dầu và tặng cho khách hàng Việt Nam, nhờ đó mà bán được dầu và từ đó ngọn đèn dầu (hay còn gọi là đèn Hoa Kỳ) đã thay chỗ của đĩa dầu lạc và nến trên bàn thờ của người Việt Nam.
Các doanh nghiệp của Mỹ là một lực lượng vận động chính sách rất mạnh và họ định hướng chính sách của chính quyền Mỹ. Quyết định đầu tư của họ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách và thái độ của nước tiếp nhận. Sau gần 40 năm mở cửa, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quan trọng về đầu tư nước ngoài và giờ đã đủ trưởng thành và tự tin để có thể thuyết phục các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam.
- Một trong những dự án được kỳ vọng rất nhiều là của Intel, vì sao vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi?
Intel là câu chuyện để chúng ta đánh giá năng lực hấp thụ công nghệ của mình. Khi hấp thụ được công nghệ rồi thì phải có năng lực phát triển thương mại hoá, tạo ra các sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm phái sinh. Chúng ta chưa có các năng lực đó. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là giáo dục. Sinh viên của chúng ta ra trường không làm được việc ngay, mất nhiều công đào tạo lại và cập nhật kiến thức. Ngay trong lĩnh vực CNTT, nhu cầu lớn từ hàng chục năm nay nhưng vẫn không đào tạo đủ về số lượng và tốt về chất lượng.
- Ông làm việc trong lĩnh vực giáo dục, ông nhận định thế nào về triển vọng hợp tác giáo dục với Mỹ?
3 năm trước KKR, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất của Mỹ đã đầu tư 100 triệu USD vào EQuest, một tổ chức giao dục tư nhân của Việt Nam, mở đầu cho xu thế đầu tư của Mỹ vào giáo dục tại Việt Nam. Nhiều mô hình trường học của Mỹ đã được đưa vào vận hành. Nhiều chương trình đào tạo trung học phổ thông Mỹ đã được mở ra để thu hút học sinh có nhu cầu học đại học tại Mỹ. Các xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Các trường đại học của Mỹ chắc chắn cũng sẽ tính đến việc mở campus ở Việt Nam như họ đã làm ở Trung Quốc và Malaysia để giúp học sinh Việt Nam có thể “du học tại chỗ”. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng. Tất cả những điều này có lợi cho cả hai nước và tôi nghĩ 20 năm nữa chúng ta sẽ được hưởng trái ngọt từ thành quả giáo dục này.
Ông Bạch Ngọc Chiến tốt nghiệp Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 1994; lấy bằng Thạc sĩ về ngoại giao và thương mại tại Đại học Monash (Úc) năm 2000 và Thạc sĩ quản trị doanh nghiệp (EMBA) của Đại học Hawaii (Mỹ) năm 2021. Ông từng làm Tuỳ viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ; Phó vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao; Trưởng ban Truyền hình đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4); Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ông hiện là Phó chủ tịch EQuest, một trong những tổ chức giáo dục tư nhân lớn ở Việt Nam.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.