Nâng cấp Sân bay Chu Lai: Gỡ nút thắt, hút nhà đầu tư về Chu Lai, Dung Quất

Phước Nguyên - 16/04/2023 09:11 (GMT+7)

(VNF) - Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khi Sân bay Chu Lai được đầu tư nâng cấp theo nguồn vốn xã hội hóa đúng với tiềm năng sẽ gỡ được một nút thắt kết nối hạ tầng, thu hút đầu tư vào hai khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất, tạo động lực cho Quảng Nam và Quảng Ngãi "cất cánh".

VNF
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Trao đổi với VietNamFinance mới đây, ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng đề án đầu tư và khai thác cảng Hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa. Khi đề án được thông qua, sân bay Chu Lai sẽ từng bước được đầu tư nâng cấp theo đúng quy hoạch. Khi đó lượng hành khách cũng như hàng hóa qua sân bay Chu Lai được tăng lên cao.

"Với định hướng hình thành trung tâm logistics kết hợp với sân bay Chu Lai, đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để giúp các doanh nghiệp trong khu vực tối ưu hóa các dòng vận động hàng hóa, tiền tệ, thông tin, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp", ông Bửu nói.

Với vị trí nằm giáp ranh tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, sân bay Chu Lai đã được khai thác phục vụ việc đi lại của nhân dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và các nhà đầu tư đến Khu kinh tế Dung Quất và Khu kinh tế mở Chu Lai. 

Sân bay Chu Lai là cơ sở hạ tầng quan trọng của cả 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, đặc biệt trong điều kiện phát triển của khu kinh tế mở Chu Lai và khu kinh tế Dung Quất. Việc đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai sẽ là nút thắt vô cùng quan trọng thu hút đầu tư vào 2 khu kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội 2 địa phương phát triển.

Ông Bửu kỳ vọng: "Khi sân bay Chu Lai được đầu tư nâng cấp theo nguồn xã hội hóa để đúng với tiềm năng, sẽ tạo động lực cho 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cất cánh".

Nói về định hướng thu hút đầu tư của Quảng Nam, ông Bửu cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng của cơ khí chính xác và tự động hóa, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt đối với các dòng xe du lịch, đồng thời có lộ trình chuyển đổi từ xe xăng dầu sang xe điện phù hợp.

"Cùng với đó, địa phương đang phát triển công nghiệp phụ trợ và cơ khí và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới; hình thành cụm liên kết công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí với các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển tham gia chuỗi toàn cầu. Hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ cơ khí tại Chu Lai", ông Bửu nhấn mạnh

Ngoài ra, trong định hướng của tỉnh, Quảng Nam tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp từ Lào, Campuchia và vùng Tây Nguyên. Tập trung đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ trái cây, bò thịt tại Chu Lai để xuất khẩu, tạo nguồn hàng đối lưu hai chiều, qua đó giảm chi phí logistics đường biển.

Để hấp dẫn nhà đầu tư, Quảng Nam đang điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ở vùng Đông, rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư đã hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư tại đây nhưng kéo dài hoặc không còn phù hợp. Từ đó sẽ có những quỹ đất mới để thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch mới. 

Hiện nay tỉnh Quảng Nam đang hoàn thiện đề án đầu tư luồng cảng biển mới cho tàu 5 vạn tấn tại cảng Chu Lai và nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Cùng chuyên mục
Tin khác