Năng lượng tái tạo: Thị trường tỷ đô nằm trong tay nước ngoài
Nhật Huỳnh -
20/06/2021 15:28 (GMT+7)
(VNF) - Là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phát triển năng lượng tái tạo là xu thế không thể đảo ngược ở Việt Nam. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra là gần như toàn bộ thiết bị đầu vào hiện nay đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Bùng nổ đầu tư
Đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khai thác ngày càng cạn kiệt, và tránh tác động tiêu cực đến môi trường, Đảng và Nhà nước đã có nhiều định hướng quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo. Đầu năm 2020, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 55/NQ-TW định hướng tầm nhìn đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% và tăng lên 25-30% vào năm 2045. Tháng 10/2020, Chính phủ có Nghị quyết số 140 để thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, cùng với đó là nhiều quyết định khuyến khích, ưu đãi phát triển năng lượng tái tạo được Chính phủ ban hành.
Thực tế trong vài năm trở lại đây, điện mặt trời, rồi điện gió đang được đầu tư rất mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ đặt mục tiêu 850 MW điện mặt trời vào năm 2020 và 1.200 MW tới năm 2030, khoảng 800 MW điện gió vào năm 2020 và tăng lên mức 2.000 MW vào năm 2025 trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (năm 2016), thì tới cuối năm ngoái, tổng công suất nguồn điện mặt trời, điện gió, điện áp mái đã lên đến 17.000MW, chiếm 25% tổng nguồn điện toàn hệ thống.
Tổng mức đầu tư của các dự án điện tái tạo đã hoà lưới điện thời gian qua vào khoảng 13-15 tỷ USD, tuy nhiên một vấn đề nổi cộm là phần lớn thiết bị, đáng kể nhất là pin mặt trời được nhập khẩu từ nước ngoài, phần lớn là Trung Quốc.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng tấm pin mặt trời trong 3 năm vừa qua tăng mạnh, năm 2020 là hơn 2,4 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2019 và 9 lần năm 2018. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Không chỉ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, thị trường sản xuất tấm pin mặt trời trong nước cũng gần như hoàn toàn nằm trong tay khối doanh nghiệp FDI.
Điển hình, nhà máy sản xuất pin mặt trời tại Bắc Giang của Công ty TNHH Trina Solar Việt Nam được đưa vào hoạt động năm 2017, 100% vốn đầu tư của Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc). Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD với 14 dây chuyền. Cũng tại Bắc Giang, năm 2016, Nhà máy JA Solar Việt Nam được khởi công tại Khu công nghiệp Quang Châu, do JA Solar Investment (Hồng Kông) đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, với công suất 1.500 MW/năm. Trong khi đó, tại Hải Phòng, dự án HT Sola cũng của nhà đầu tư Trung Quốc, được cấp phép để sản xuất bảng pin năng lượng mặt trời, tổng vốn đầu tư 22 triệu USD...
Nhà đầu tư ngoại thắng thế
Với tốc độ phát triển điện mặt trời rất nhanh trong những năm qua và cả giai đoạn sắp tới, các nhà đầu tư ngoại là bên hưởng lợi lớn nhất, thực trạng này cũng được phản ánh rõ nét nhất tại báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này.
Dữ liệu tổng hợp của Tạp chí Nhà Đầu tư thể hiện, trong danh sách 12 nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất Việt Nam, thì ngoài First Solar của Mỹ và Sunergy của Nhật Bản, còn lại 10 đơn vị đến từ Trung Quốc.
Trong đó, First Solar - nhà sản xuất đến từ Mỹ đạt doanh thu 13.565 tỷ đồng trong năm 2019, đứng đầu trong số các doanh nghiệp sản xuất pin mặt trời ở Việt Nam. Với doanh thu hơn 8.400 tỷ đồng, Vina Solar Technology xếp vị trí á quân. Một loạt các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc khác cũng thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm như Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam, Công ty TNHH HT Solar Việt Nam, Trina Solar, BOVIET hay Canadian Solar Việt Nam.
Về hiệu quả kinh doanh, Công ty TNHH Vina Cell Technology là đơn vị đứng đầu với lãi sau thuế 1.100 tỷ đồng trong năm 2019, đứng sau là HT Solar với 215,5 tỷ đồng, Canadian Solar với 165,8 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp lại thua lỗ, dù doanh thu hàng nghìn tỷ. Lỗ lớn nhất chính là First Solar với khoản lỗ 1.270 tỷ đồng, năm 2018, doanh nghiệp này lỗ tới 1.940 tỷ đồng.
Doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam tham gia lĩnh vực này là CTCP Năng lượng IREX, thành viên của Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK). Không bất ngờ khi kết quả kinh doanh của IREX khá khiêm tốn khi đặt cạnh các đối thủ FDI, với doanh thu và lãi thuần lần lượt ở mức 315 tỷ đồng và 631 triệu đồng trong năm 2019. Dẫu vậy, chỉ tiêu này đã cải thiện rất nhiều so với thực trạng thua lỗ của những năm trước.
Trả lời trên truyền thông, bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc truyền thông Solar BK, cho biết doanh nghiệp này chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần trong nước.
“Hàng làm trong nước gặp cạnh tranh lớn từ hàng giá rẻ Trung Quốc. Chúng ta có chính sách khuyến khích làm năng lượng tái tạo, nhưng không có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Thế nên thị trường nội địa trị giá hàng tỷ USD từ lâu đã nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc”, bà Ngân nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó TGĐ Tập đoàn Sơn Hà cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp Việt không mặn mà tham gia sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo.
Một là do cơ chế về thuế, nhà sản xuất muốn làm ra một tấm pin thì có hai cách là nhập vật tư về nhưng sẽ bị đánh thuế dao động từ 5-25%, hoặc là mua vật tư trong nước, tuy nhiên mức giá thường đắt hơn. Chính vì thế, nhà đầu tư sẽ chọn cách nhập tấm pin đã hoàn thiện từ nước ngoài, bởi khi sản phẩm đã hoàn thiện thì thuế ưu đãi sẽ bằng 0 nhờ vào chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo.
Hai là công nghệ sản xuất pin thay đổi rất nhanh, chủ yếu là tự động hóa và sử dụng robot nên chi phí đầu tư rất lớn, hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, trong khi hành lang pháp lý của nước ta thiếu ổn định, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này.
Như vậy có thể thấy, việc “nhường hẳn” sân chơi tỷ USD cho nhà đầu tư ngoại là một thực trạng rất đáng tiếc, nhất là khi doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể tự sản xuất những tấm pin phù hợp hơn với khí hậu, điều kiện trong nước.
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, giai đoạn 2021-2045, nước ta cần khoảng 130 tỷ USD, bình quân 5,2 tỷ USD mỗi năm phát triển năng lượng tái tạo. Nếu không có sự chuyển biến lớn về mặt chính sách, nguy cơ doanh nghiệp ngoại tiếp tục độc chiếm thị trường màu mỡ cung cấp thiết bị là không tránh khỏi.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone