Năng lượng tuần qua: Loạt đại gia 'tranh nhau' đầu tư dự án điện khí LNG Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh

Lệ Chi - 10/10/2020 21:46 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi Tập đoàn T&T bắt tay PV Power đề xuất làm dự án điện khí LNG Vũng Áng 3 có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD tại Hà Tĩnh thì một đại gia khác cũng muốn rót 50.000 tỷ đồng làm nhà máy điện khí tại đây.

VNF
Phối cảnh dự án điện khí LNG Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh

Tập đoàn T&T 'bắt tay' PV Power đề xuất làm dự án điện khí 3,5 tỷ USD tại Hà Tĩnh

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển mới đây đã có văn bản đề xuất tỉnh Hà Tĩnh xem xét, chấp thuận ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa T&T và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) về việc hợp tác đầu tư và phát triển dự án tổ hợp điện khí LNG tại khu kinh tế Vũng Áng.

Tập đoàn T&T cho biết, ngày 5/12/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản 7683/UBND-KT đồng ý về nguyên tắc cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, khảo sát các vị trí phù hợp, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chủ trì hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện.

Sau khi khảo sát, T&T đánh giá địa điểm thôn Nhân Thắng và Thắng Lợi thuộc xã Kỳ Phương đủ các điều kiện tự nhiên và kỹ thuật để thực hiện dự án. Tuy nhiên, địa điểm thực hiện dự án này đã được phê duyệt quy hoạch để xây dựng nhà máy điện Vũng Áng 3.1 và Vũng Áng 3.2 sử dụng nguyên liệu than nhập theo quyết địnhh số 805/QĐ-BCT ngày 23/02/2011 của Bộ Công Thương.

Tháng 7/2019, Tập đoàn T&T đã có văn bản đề xuất Bộ Công Thương quy hoạch dự án thôn Nhân Thắng và Thắng Lợi thuộc xã Kỳ Phương, chuyển đổi công nghệ của dự án Vũng Áng 3 từ than sang khí tự nhiên tái hóa từ LNG.

Ngày 22/01/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án sang hình thức đầu tư IPP.

Đây là cơ sở để phía Tập đoàn T&T có đủ điều kiện để tiến hành thực hiện vị trí, ranh giới khu đất dự kiến quy hoạch, lập báo cáo thực hiện dự án tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3.

Theo đề xuất của T&T Group, tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 được đầu tư xây dựng với diện tích khoảng 123,8ha, chưa bao gồm 100ha diện tích mặt nước. Chủ đầu tư sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Vũng Áng 3 & trung tâm điện lực LNG Vũng Áng 3 có tổng công suất phát điện 3.000 MW.

Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 sẽ sử dụng nguyên liệu là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), công nghệ áp dụng là tuabin khí chu trình hỗn hợp với số giờ vận hành tại công suất đặt là 6.000 giờ/năm. Dự án sẽ đấu nối lên cấp điện áp 500kV từ sân phân phối của nhà máy đến trạm 500kV Hà Tĩnh.

Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 3,5 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2028-2029 có công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD. Giá bán điện dự kiến giai đoạn này là 8,123 cent/kWh.

Giai đoạn 2 sau năm 2030 có công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,85 tỷ USD. Giá bán điện dự kiến giai đoạn này là 8,629 cent/kWh. (Xem thêm)

Hà Tĩnh: Thêm một đại gia muốn rót 50.000 tỷ làm nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3

Sau Tập đoàn T&T, một tập đoàn đa ngành rất lớn cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện LNG Vũng Áng 3 tại khu kinh tế Vũng Áng thuộc thị xã Kỳ Anh.

Phía tập đoàn này mong muốn UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép khảo sát, nghiên cứu, đầu tư dự án nhà máy điện LNG Vũng Áng 3 tại trung tâm điện lực Vũng Áng 3 thuộc thị xã Kỳ Anh.

Tập đoàn này cam kết sẽ đẩy nhanh công tác khảo sát, lập báo cáo và thiết kế nhà máy đảm bảo vận hành hiệu quả, sử dụng nhiên liệu LNG thân thiện với môi trường.

Theo đó, dự án nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3 sẽ bao gồm xây dựng hệ thống cảng tiếp nhận LNG, kho chứa và nhà máy điện khí LNG. Hệ thống cảng tiếp nhận LNG có công suất 1,5 triệu tấn/năm, gồm nhà máy điện tubin khí chu trình hỗn hợp với tổng công suất 1.600MW.

Diện tích dự kiến để xây dựng nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3 gồm 160 ha đất liền và 100 ha đất mặt nước. Tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 2,2 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu 15.000 tỷ đồng chiếm 30% tổng vốn đầu tư, vốn từ nguồn huy động khác là 35.000 tỷ đồng.

Tiến độ vận hành nhà máy dự kiến 30 tháng kể từ ngày được bàn giao mặt bằng, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. (Xem thêm)

ADB tài trợ tín dụng 186 triệu USD để xây dự án điện mặt trời ở Phú Yên

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Công ty Cổ phần TTP Phú Yên (CTCP Phú Yên) vừa ký kết khoản vay trị giá 186 triệu USD để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời có công suất 257MW tại tỉnh Phú Yên, đây là khoản vay được chứng nhận xanh đầu tiên của Việt Nam.

CTCP Phú Yên thuộc sở hữu của Công ty TNHH B. Grimm Power (Thái Lan) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN). Dự án nhà máy điện mặt trời này của CTCP Phú Yên là dự án năng lượng tái tạo đang vận hành lớn nhất tại Việt Nam, và là một trong những dự án lớn nhất ở Đông Nam Á, sẽ giúp giảm phát thải 123.000 tấn khí cacbon dioxit mỗi năm.

Lãnh đạo ADB cho biết khoản tài trợ này bao gồm khoản vay trị giá 27,9 triệu USD từ nguồn vốn của ADB, một khoản vay hợp vốn (khoản vay loại B) từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với ADB là bên cho vay chính thức, và một khoản vay trị giá 9,3 triệu USD từ nguồn vốn của Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP).

Khoản vay loại B này là khoản vay loại B đầu tiên ở châu Á và Thái Bình Dương được chứng nhận xanh bởi tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu, và là một trong những khoản vay loại B lớn nhất từng được huy động ở Việt Nam.

Các ngân hàng thương mại tham gia bao gồm Ngân hàng Bangkok, Ngân hàng Kasikorn, Ngân hàng Kiatnakin, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, và Ngân hàng Standard Chartered. Các khoản vay xanh được sử dụng để tài trợ cho những dự án mới hoặc đang được thực hiện giúp mang lại lợi ích cho môi trường hoặc khí hậu. (Xem thêm)

Tạm dừng xem xét thẩm định bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch điện 7 điều chỉnh

Bộ Công Thương đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tổng hợp danh mục các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đề xuất tính toán trong Quy hoạch điện 8.

Tại văn bản, Bộ Công Thương cho biết Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát 74 dự án điện gió với tổng quy mô công suất khoảng 6.400 MW.

Hiện nay, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện 8 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp danh mục các dự án điện gió (tên dự án, công suất, địa điểm, dự kiến phương án đấu nối) đang đề nghị khảo sát, nghiên cứu triển khai, bổ sung qui hoạch đã được trình riêng lẻ, gửi Bộ Công Thương trước ngày 9/10/2020.

Do thời gian thẩm định riêng lẻ các dự án điện gió đến khi trình Quy hoạch điện VIII không còn nhiều, Bộ Công Thương tạm dừng xem xét thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió vào Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm rà soát qui hoạch địa điểm vị trí các nhà máy điện gió theo qui định hiện hành và một số tiêu chí nêu tại văn bản số 4965/BCT-ĐL ngày 6/7/2020 và văn bản số 4640/BCT-ĐL ngày 26/6/2020. (Xem thêm)

'Soi' tiềm lực của các đại gia muốn làm dự án điện khí LNG Vũng Áng 3

Dự án điện khí LNG Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh hiện nay đang được nhiều tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài như liên danh nhà đầu tư T&T và PV Power, Siemens (CHLB Đức), Hoành Sơn... đặc biệt quan tâm và muốn thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Tập đoàn T&T tiếp cận với dự án tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 từ năm 2018 và được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý về nguyên tắc cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, khảo sát dự án.

T&T Group được thành lập từ năm 1993, do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Ngoài ra, ông Hiển cũng đang là chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Quy mô tổng tài sản của T&T hiện nay đạt 35.060 tỷ đồng, vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng với hơn 70 công ty thành viên, liên doanh, liên kết trải rộng cả nước và quốc tế.

Trong lĩnh vực năng lượng điện khí LNG, T&T Group đang tham gia hợp tác đầu tư với một số đối tác chiến lược tại các dự án như trung tâm điện khí LNG Cái Mép Hạ - 6.000 MW; dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng – tỉnh Quảng Trị - 4.500 MW. Hiện, T&T đang xúc tiến đầu tư một số dự án điện khí, cảng và kho chứa khí LNG tại một số tỉnh trên cả nước.

Tại Hà Tĩnh, T&T Group được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý phê duyệt xây dựng dự án khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ tại xã Thạch Bình, TP. Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 3.687 tỷ đồng trên diện tích gần 50ha.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) được thành lập năm 2007 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư 100% vốn. PV Power chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2018 với vốn điều lệ 23.418 tỷ đồng.

Hiện nay, PV Power đang trực tiếp tổ chức quản lý vận hành các nhà máy điện với tổng công suất 4.205MW; chủ đầu tư dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 & Nhơn Trạch 4 với quy mô công suất 1.500MW.

Còn Siemens là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn nhất của Đức có lịch sử phát triển 170 năm. Tập đoàn này đang hoạt động tại 190 quốc gia với nhiều lĩnh vực, trong đó có điện khí.

Siemens chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 1993 với việc mở hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP. HCM. Hiện nay, Siemens là công ty đứng đầu thị trường và dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực: nguồn điện, quản lý điện năng, dịch vụ nguồn điện, hệ thống vận chuyển, công nghệ tòa nhà, nhà máy số, công nghiệp quy trình và truyền động, y tế. (Xem thêm)

Đắk Lắk trình Thủ tướng bổ sung 60 dự án năng lượng tái tạo

Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 41 dự án điện gió của 27 nhà đầu tư đề xuất, với tổng công suất 3.700 MW và 19 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 4.193 MWp.

Ngày 25/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 795/TTg-CN về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió và lưới điện đấu nối vào quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh, trong đó có 6 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với tổng công suất dự kiến 657 MW.

Cụ thể, dự án nhà máy điện gió Ea H’leo 1,2 có công suất 57MW; dự án nhà máy điện gió Ea Nam, công suất 400MW; dự án nhà máy điện gió Cư Né 1, công suất 50MW; dự án nhà máy điện gió Cư Né 2, công suất 50MW; dự án nhà máy điện gió Krông Búk 1, công suất 50MW; dự án nhà máy điện gió Krông Búk 2, công suất 50MW.

Riêng dự án trang trại Phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1), công suất 28,8 MW đã xây dựng xong 12/12 tuabin gió. Trong quý I/2020 đã đưa vào vận hành 5 tuabin gió, công suất 12MW và dự kiến trong năm 2020 sẽ vận hành phát điện 7 tuabin còn lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.