NATO: Trung Quốc không phải kẻ thù mới nhưng cần hành động cứng rắn
Thanh Tú -
10/06/2020 16:10 (GMT+7)
(VNF) - Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định liên minh quân sự này không coi Trung Quốc là kẻ thù mới tuy nhiên ông cho rằng NATO cần hành động cứng rắn để có thể đương đầu với cách hành xử “bắt nạt và áp bức” của Bắc Kinh.
Ngày 10/6, trong bài diễn văn quan trọng đề ra “tầm nhìn 10 năm của NATO”, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đánh giá Trung Quốc là mối đe dọa đối với các xã hội mở và tự do cá nhân.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, gia tăng sức nóng của cuộc chạy đua giành ưu thế về kinh tế và công nghệ… Họ (Trung Quốc) đang ngày càng tiếp cận gần hơn trên không gian mạng. Chúng ta thấy Trung Quốc ở Bắc Cực, châu Phi, trong (các dự án) đầu tư cơ sở hạ tầng then chốt. Tất cả những điều này đang gây hậu quả an ninh cho các đồng minh NATO”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến tại Brussels (Bỉ) ngày 8/6, ông Stoltenberg đã kêu gọi 30 thành viên của NATO bảo vệ trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ và đấu tranh cho dân chủ giữa những thách thức từ Nga và Trung Quốc.
Ông Stoltenberg nói trong khi Nga tiếp tục phát triển các loại vũ khí mới, bao gồm một tên lửa tầm trung gần đây, thì "sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu", và sự lây lan của virus corona đã làm gia tăng căng thẳng an ninh.
Người đứng đầu NATO lưu ý rằng Trung Quốc là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới và đang đầu tư mạnh vào năng lực quân sự hiện đại, bao gồm các tên lửa có thể vươn đến toàn bộ các nước NATO.
Ông Stoltenberg kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng xây dựng liên minh này “ngày càng mạnh mẽ hơn bằng cách đảm bảo chắc chắn rằng NATO cũng hoạt động hiệu quả về chính trị như hiệu quả về quân sự”. Ông Stoltenberg cũng cho rằng NATO không nên xem nhẹ sự phát triển của Trung Quốc.
Theo Tổng thư ký NATO, nhìn về năm 2030, các thành viên cần phối hợp sát sao hơn nữa với các nước có cùng tư tưởng như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Ông nhấn mạnh rằng sự phối hợp này nhằm bảo vệ các luật lệ, thể chế toàn cầu đã giúp các nước an toàn trong nhiều thập niên, thiết lập các quy tắc, tiêu chuẩn trong không gian và không gian mạng, về công nghệ mới và kiểm soát vũ khí toàn cầu, và sau cùng là đứng lên vì một thế giới “được xây dựng trên nền tảng tự do và dân chủ chứ không phải bắt nạt và cưỡng ép”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone