Ngân hàng, fintech, Alibaba và... 40 tên cướp

Hà Tâm - 21/02/2018 09:29 (GMT+7)

Thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam trở nên kịch tính hơn bao giờ hết khi ngày càng nhiều fintech đình đám trên thế giới nhảy vào đòi chia phần. Thay đổi chiến lược kinh doanh như thế nào trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đã vào đến sân không chỉ là bài toán đau đầu của các nhà băng.

VNF
Tỷ phú Jack Ma - ông trùm của đế chế Alibaba.

Sau Alibaba là "40 tên cướp"

Ngay những ngày đầu tiên của năm 2018, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: "Chúng tôi đang khẩn trương chuẩn bị để có thể ra mắt một ứng dụng thanh toán mới ngay sau dịp Tết Nguyên đán. Đối thủ xuất hiện ngày càng nhiều nên phải chạy đua hết tốc lực".

Đang giữ vị trí thống lĩnh, song có lẽ chưa bao giờ các ngân hàng thấy vị trí này lung lay đến vậy. Không chỉ 25 ví điện tử trong nước rầm rộ thành lập, mà các ví điện tử đình đám nhất nhì thế giới cũng đang tìm cách đổ bộ vào Việt Nam.

Tháng 11/2017, khi tỷ phú Jack Ma - ông trùm của đế chế Alibaba đem ví điện tử Alipay sang Việt Nam, cả ngành ngân hàng như dậy sóng. Chưa hết, chỉ 3 ngày sau khi Alipay ký kết hợp tác với Công ty chuyển mạch quốc gia Napas, đối thủ mạnh nhất của Alipay là Wechat Pay cũng chính thức đặt chân vào Việt Nam, thông qua việc ký kết hợp tác với ví điện tử Vimo. Sự nhập cuộc của hai ví điện tử đình đám đang có 1 tỷ người sử dụng tại Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp đến thị phần thanh toán của các fintech và ngân hàng Việt.

Trước mắt, Alipay và Wechat Pay sẽ phục vụ 3 triệu khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam. Song chắc chắn thị trường bán lẻ đầy hấp dẫn của Việt Nam mới là đích nhắm sâu xa của họ. Thực tế, Alipay đang thuê một đơn vị tư vấn thúc đẩy thương vụ "tìm hiểu" một fintech đình đám trong nước. Đây cũng là chiêu bài quen thuộc của Alipay hay Wechat Pay ở rất nhiều thị trường trong khu vực.

Thế nhưng, đâu chỉ có Alipay và Wechat Pay? Bà Vũ Kim Hạnh, chuyên gia tiếp thị khẳng định: "Né Alibaba này thì có tới… 40 tên cướp khác". Những "tên cướp" được coi đang nhăm nhe tiến vào thị trường thanh toán Việt Nam là Amazon, Facebook, Google, Apple…

Ông Trần Thanh Nam, đồng sáng lập kiêm CEO của Moca thừa nhận: "Alipay, Wechat Pay, Apple Pay… vào Việt Nam là vấn đề cực kỳ nhạy cảm với fintech. Họ là mối đe dọa với fintech trong nước. Bởi các fintech ngoại này không chỉ có thương hiệu toàn cầu, có nguồn lực tài chính lớn mạnh, mà họ còn có rất nhiều thế mạnh khác, như quản lý dòng tiền, bảo hiểm, đặc biệt là họ có cả hệ thống sinh thái tiện ích cho người dùng".

Mối đe dọa không phải chỉ đến từ fintech. Mới đây, CIMB - ngân hàng lớn thứ hai Malaysia cho biết sẽ mở ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2018.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến các ngân hàng, fintech Việt phải đương đầu với một cuộc cạnh tranh không biên giới, phải đối phó với những đối thủ sừng sỏ toàn cầu. Liệu họ có phải nhường lại sân cho các "cầu thủ ngoại" như câu chuyện đã từng xảy ra ở một số quốc gia?

Chiêu bài "xưa như trái đất" và sự "kỳ lạ" của thị trường Việt Nam

Đã có nhiều người đặt câu hỏi về sự bành trướng đáng kinh ngạc của Alibaba, Tencent hay Amazon tại thị trường Đông Nam Á, không chỉ ở lĩnh vực thương mại điện tử, mà còn cả lĩnh vực thanh toán.

Xét về công nghệ, ngân hàng và fintech Việt không hề thua kém fintech ngoại.

Bà Kim Hạnh chỉ ra độc chiêu rất đơn giản của các ông lớn này: giá rẻ. Alipay hay Wechat Pay khi tấn công vào thị trường Đông Nam Á không chỉ đưa ra mức khuyến mãi rất khủng, mà thậm chí còn vận chuyển miễn phí đến tận nhà. Chiêu bài tưởng chừng "xưa như trái đất" này đủ sức đánh bật mọi đối thủ trên thị trường.

Khi tỷ phú Jack Ma đến Việt Nam, có người hỏi, làm sao thúc đẩy được thanh toán điện tử, Jack Ma nói: "Chai nước giá 10 USD, nhưng nếu mua trên mạng, tôi chỉ bán 2 USD". Rõ ràng, một món hời như vậy thì người tiêu dùng chắc chắn không thể bỏ qua.

Tất nhiên, để làm được điều này, Alipay có một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống thương mại điện tử và logistic của Alibaba. Cách làm này, ở Việt Nam, không thể áp dụng được bởi đa phần các ví điện tử (dù của ngân hàng hay fintech) đều không gắn bó mật thiết với hệ sinh thái nào, bị rời rạc và phân mảnh.

Ông Trần Thành Nam thừa nhận, mặc dù Moca vẫn thường xuyên khuyến mãi, song không thể có mức khuyến mãi "khủng" được. Bởi mức phí mà fintech đưa ra thường rất thấp, nên ngay cả khi miễn phí thì hoàn toàn vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.

Thế nhưng, không phải ai cũng lo lắng trước chiêu bài của Alipay và các đối thủ khác. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định: "Người tiêu dùng Việt Nam rất kỳ lạ. Họ có thể dùng điện thoại di động thông minh để chát chít, vào mạng xã hội cả ngày, nhưng khi thanh toán thì lại thích sử dụng tiền mặt. 

Hiện vẫn còn hơn 90% người tiêu dùng thích thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng hoặc thích mua hàng ở chợ truyến thống. Alipay, Wechat Pay, Amazon hay bất cứ ông lớn nào vào Việt Nam cũng phải đối phó với thách thức kỳ lạ này của Việt Nam. Để thay đổi thói quen tiêu dùng này, nếu thực hiện bằng chiêu bài khuyến mãi, các ông lớn này sẽ phải chi tiền tấn".

Ngoài thói quen kỳ lạ trên của người tiêu dùng, các fintech ngoại khi đặt chân vào Việt Nam cũng phải đối mặt với hai "rắc rối" khác, đó là khung khổ pháp lý ở Việt Nam cho fintech phát triển chưa hoàn thiện và dữ liệu ở Việt Nam chưa được chuẩn hóa, có thể gây khó khăn khi triển khai.

Vũ khí chiến lược để giành trận địa?

Cho đến nay, quả bóng thị phần vẫn nằm trong tay ngân hàng Việt. Các fintech, kể cả trong nước lẫn nước ngoài muốn vào thị trường Việt Nam vẫn phải thông qua tài khoản của một ngân hàng trong nước.

Thế nhưng, với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chiến lược "tấn công" đa dạng của các fintech ngoại, cộng với hệ sinh thái đa dạng mà họ đang sở hữu, rất khó có thể biết được, vị thế thống lĩnh này của ngân hàng, fintech nội sẽ giữ được bao lâu.

Tại Singapore, dù bị rất nhiều fintech ngoại như Amazon, Alipay… tập trung lực lượng tấn công, song Chính phủ đã chi hàng trăm triệu USD để giúp các doanh nghiệp tiếp cận kiến thức và xây khả năng kỹ thuật số, có chính sách bảo vệ mạng lưới bán hàng trong nước một cách đúng luật. Điều này giúp các doanh nghiệp trong nước dần lớn mạnh và thành đối trọng đáng gờm của các đối thủ ngoại.

Tại Việt Nam, mức độ mở cửa cho Alipay, Wechat Pay hay những ông lớn khác chưa được tiết lộ. Song theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, sẽ không có chuyện mở toang cửa cho fintech ngoại, mà Chính phủ sẽ mở cửa ở mức độ phù hợp, vừa bảo vệ được doanh nghiệp trong nước, vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập.

Tuy nhiên, ngay cả khi các fintech ngoại tìm cách "lách" các quy định, cạnh tranh trực tiếp bằng con đường mua bán, sáp nhập, lập liên doanh như đã làm ở nhiều nước, khả năng giành phần thắng của ngân hàng, doanh nghiệp Việt vẫn còn. Mặc dù vậy, vũ khí chiến lược này, theo các doanh nghiệp, lại nằm trong tay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Xét về công nghệ, ngân hàng và fintech Việt không hề thua kém fintech ngoại. Điểm yếu nhất của ngân hàng, fintech Việt là thiếu nhạc trưởng kết nối các loại ví vào một hệ sinh thái, đưa ra chuẩn mã QR để tạo thuận lợi cho khách hàng… Nếu việc kết nối thành công, một "liên minh thanh toán" trong nước sẽ hình thành và đủ sức cạnh tranh với các fintech ngoại.

Đương nhiên, trong cuộc chiến này, đối đầu không phải là cách duy nhất. Hiện nay, rất nhiều ngân hàng đã khôn ngoan xây dựng kịch bản hợp tác với Alibaba, Tencent, thậm chí là Facebook. Phải thừa nhận rằng, các tập đoàn này có một hệ sinh thái tuyệt vời và một cơ sở dữ liệu khách hàng vô cùng "khủng". Một khi tiếp cận được kho dữ liệu này, ngân hàng sẽ có cơ hội tăng số lượng khách hàng lên theo cấp số nhân.

Dù đối đầu hay hợp tác, điều mà các ngân hàng, fintech cần nhất hiện nay trong cuộc chạy đua với fintech ngoại, là hành lang pháp lý cho fintech phải hoàn thiện. Một khi có cú hích từ hành lang pháp lý, chắc chắn thanh toán điện tử ở Việt Nam sẽ bùng nổ và phần thắng nghiêng về ai sẽ sớm rõ ràng.

Theo Infomoney
Cùng chuyên mục
Tin khác